Báo Sức khoẻ&Đời sống xin được trích đăng bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu:
Quyền có thực phẩm sạch là một quyền chính đáng thiết yếu của người dân. Trong thời gian vừa qua, những vụ ngộ độc thực phẩm xuất hiện ngày càng nhiều gây tổn hại đến sức khoẻ thậm chí đã có những trường hợp tử vong hàng loạt hết sức thương tâm. Sự cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 đã được ghi nhận, tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm tại Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Để đóng góp vào nhiệm vụ hết sức khó khăn này tôi xin đề xuất một số vấn đề cụ thể sau:
1.Luật ATTP có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011 đã thu gọn 3 bộ chịu trách nhiệm quản lý ATTP là Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương theo từng nhóm sản phẩm tuy nhiên hiện nay rất nhiều các sản phẩm không nằm trong các nhóm quy định hoặc “giao thoa” giữa các nhóm chính vì vậy rất nhiều các văn bản dưới luật của 3 bộ trên mâu thuẫn với nhau, không sát với thực tế. Theo tôi cần có một đơn vị hoạt động độc lập để trực tiếp giúp Chính phủ theo dõi, xử lý các vấn đề về VSATTP. Tổ chức này có chức năng quản lý xuyên suốt “chuỗi thực phẩm” thì mới có đủ năng lực pháp lý, tổ chức và thực thi nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn có các thành phần của các bộ ngành tham gia và các nhà khoa học chuyên sâu.
Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu
Bên cạnh vấn đề thực phẩm, thời gian qua, rất nhiều các nhà khoa học lên tiếng báo động về lượng thạch tín trong nước uống của nhiều địa phương rất cao, chúng ta cần có khảo sát để có các số liệu thống kê và đề ra các tham số độc chất không được vượt qua trong nước uống và sinh hoạt của nhân dân. Mặt khác ô nhiễm nguồn nước phục vụ trồng trọt, chăn nuôi cũng là vấn đề đang gây bức xúc dư luận. Do đó, trong bối cảnh của nước ta, thời gian tới vấn đề an toàn thực phẩm còn liên quan chặt chẽ tới vấn đề môi trường, nguồn nước. Điều này càng củng cố cho đề xuất của tôi trên đây là cần có một cơ quan quản lý độc lập, thống nhất, không chỉ 3 Bộ đã được giao quản lý mà các lĩnh vực Môi trường, Khoa học Công nghệ… ngày càng trở lên quan trọng. Mô hình này hoàn toàn có thể học tập từ các nước phát triển như tổ chức thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) hay TGA (Therapeutic Goods Administration) của Úc
2. Nhà nước có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ gia đình đầu tư vào phát triển các chuỗi sản phẩm thực phẩm an toàn đi từ trang trại tới bàn ăn, có sự kiểm soát ở tất cả các khâu của mỗi dây chuyền thực phẩm. Cùng với nó là phát triển hệ thống mã vạch để quản lý chất lượng nguồn gốc của thực phẩm. Thay vì dán tem kiểm định, tất cả các sản phẩm được con người sử dụng trực tiếp cần có mã vạch in vào bao bì. Tất cả các thông số về tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia… đều được quản lý dễ dàng thông qua kiểm tra mã vạch của sản phẩm. Ngoài ra việc truy xuất nguồn gốc của thực phẩm và việc chống hàng giả, hàng nhái sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Về ý tưởng chung, nên tích cực áp dụng cuộc cách mạng 4.0 trong quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta.
3. Nên sử dụng phương pháp đấu thầu tập trung tất cả các sản phẩm có nguy cơ gây độc hại cao như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng, thực phẩm chức năng … như việc thực hiện đấu thầu thuốc tập trung của ngành y tế đã thực hiện thời gian vừa qua.
4. Có quy định cụ thể việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, nhất là ở truyền hình quốc gia về các sản phẩm mới chưa được kiểm chứng bằng các nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nhóm sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng. Thông tin, quảng cáo, giáo dục về thực phẩm là vấn đề khó, phức tạp cần có các hành lang pháp lý rõ ràng, có chế tài cụ thể chứ không chỉ quản lý và giám sát chung chung, ví dụ như nếu quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ của con người được chứng minh rõ ràng cần phải xử lý hình sự. Ngoài ra rất cần phát triển truyền thông nguy cơ, khai thác tối đa các kênh truyền thông thu hút sự quan tâm của xã hội như hệ thống mạng xã hội Facebook, Zalo... cần đưa đến người dân các thông tin về thực phẩm an toàn, trả lời các câu hỏi cụ thể, cũng như công khai các nguyên nhân gây các sự cố về an toàn thực phẩm, không che giấu các cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm về các sự cố này.
5. Cần khuyến khích việc xây dựng hệ thống các phòng kiểm nghiệm, thử nghiệm chuẩn, kể cả của các cơ sở tư nhân đầu tư. Vì hiện nay có rất nhiều các tỉnh không có hệ thống phòng kiểm nghiệm, thử nghiệm hoặc số phòng được chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước còn quá ít. Ví dụ như An Giang, Lai Châu, Trà Vinh, Quảng Nam, Bình Dương, Ninh Bình … không có phòng kiểm nghiệm nào. Cả thành phố Hà Nội chỉ có 2 phòng thử nghiệm như vậy không thể đủ để xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm luật ATTP. Hơn nữa tại Việt Nam cho đến hiện nay, vẫn chưa có một phòng thí nghiệm động vật đúng tiêu chuẩn (animal Lab) để có thể đánh giá các thực phẩm, phương pháp điều trị mới một cách khoa học. Chính vì vậy tôi rất mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có dự định thành lập phòng kiểm nghiệm thực nghiệm chất lượng cao.
6. Hiện tượng hải sản chết hàng loạt ở một số địa phương trong thời gian vừa qua có được nghiên cứu nguyên nhân một cách khoa học hay không, nếu có cần công khai kết quả nghiên cứu, đơn vị, cá nhân trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả thử nghiệm và đặc biệt cần kiểm tra chéo (cross check) để đảm bảo không có sai lệch trong kết quả hết sức quan trọng này.
Tôi xin trân trọng cảm ơn.