PGS.TS. Kiều Đình Hùng trả lời phỏng vấn của PV Báo SK&ĐS tại buổi chuyển giao kỹ thuật thay khớp gối bán phần tại BV Đại học Y Hà Nội.
Trong đó phải kể đến máy theo dõi thần kinh trong khi mổ để bệnh nhân không lo liệt, phẫu thuật định vị kết hợp nội soi trong u sọ hầu, u tuyến yên, u nền sọ… Mới đây nhất, BV đã mời các chuyên gia nổi tiếng thế giới đến BV để chuyển giao kỹ thuật thay khớp gối bán phần, một kỹ thuật tương đối khó và lần đầu tiên áp dụng tại miền Bắc.
Nhân dịp này, PV Báo Sức khoẻ và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về định hướng phát triển công nghệ cao phục vụ người bệnh tại BV.
PGS.TS. Kiều Đình Hùng.
PV: Hiện nay tại khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã áp dụng những kỹ thuật công nghệ nào có thể sánh ngang với thế giới và trong khu vực?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng: Khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình (khoa Ngoại A) có 3 lĩnh vực là sọ não, cột sống và chấn thương chỉnh hình. Hiện tại ở khoa đã áp dụng những công nghệ rất tiên tiến của thế giới hiện nay. Ví dụ trong sọ não chúng tôi sử dụng kỹ thuật nội soi, phẫu thuật định vị kết hợp với nội soi phẫu thuật trong u sọ hầu, u tuyến yên, u nền sọ… rất hiệu quả và hiện đã triển khai thường quy. Trong lĩnh vực cột sống, chúng tôi cũng đã thực hiện phẫu thuật nội soi, phẫu thuật ít xâm lấn, thay đĩa đệm nhân tạo. Gần đây, chúng tôi cũng đã ứng dụng một kỹ thuật rất tiên tiến là có máy theo dõi thần kinh trong khi mổ để tất cả bệnh nhân mổ cột sống không sợ bị liệt hay tổn thương thần kinh. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước sử dụng thiết bị này rất hiệu quả.
Ca mổ cột sống với sự hỗ trợ của thiết bị theo dõi thần kinh giúp bệnh nhân không lo bị liệt đã được áp dụng thành công tại khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội vào cuối năm 2016.
Còn lĩnh vực thứ ba là chấn thương chỉnh hình thì hiện nay các bệnh về thoái hoá rất nhiều. Trong đó thay khớp háng ở Việt Nam rất nhiều và hiện nay chúng tôi đang triển khai thay khớp vai, khớp gối. Riêng về khớp gối hiện ở phía Bắc mới chỉ thay khớp gối toàn phần, tức là bệnh nhân chỉ bị thoái hoá 1 phần cũng phải thay cả khớp làm tổn hại đến phần khớp lành nhiều và đặc biệt là hệ thống dây chằng. Do đó, chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu để đưa vào một kỹ thuật rất tiên tiến hơn là thay khớp gối bán phần. Với kỹ thuật này, người bệnh chỉ cần thay một phần khớp hỏng và giữ nguyên phần lành, kỹ thuật mổ nhẹ nhàng, ít làm tổn hại đến xương, hầu như không làm tổn thương dây chằng, sau mổ bệnh nhân vận động tốt, chỉ 3-4 ngày sau mổ là bệnh nhân có thể đi lại được. Tuy nhiên kỹ thuật này tương đối khó, Bệnh viện đã cử bác sĩ sang Đức học và mời chuyên gia Đức là GS.TS Gunter Jens Muller đến đào tạo ngay tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội. GS. Muller là một chuyên gia Đức nổi tiếng thế giới và rất có kinh nghiệm trong phẫu thuật thay khớp với 4.000 ca. Với sự chuyển giao kỹ thuật của chuyên gia Đức, chúng tôi hy vọng sắp tới thay khớp gối bán phần sẽ được tiến hành thường quy ở bệnh viện để cho tất cả bệnh nhân đáng phải thay một phần khớp không phải cắt hết toàn bộ khớp để thay toàn phần như trước.
PV: Để tiếp tục định hướng phát triển công nghệ cao nhằm phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn, bệnh viện đặt ra những mục tiêu và biện pháp gì để thực hiện trong thời gian tới?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng: Mục tiêu thứ nhất là về mặt con người, chúng tôi phải đào tạo, tiếp tục đào tạo trong nước và thường xuyên gửi cán bộ ra nước ngoài học tập để bắt kịp và phát triển được những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Thứ hai là trang bị cơ sở vật chất, những máy nào mà nguồn lực của bệnh viện có thể mua được thì sẽ mua, còn những thiết bị quá đắt thì sẽ thuê của các hãng trang thiết bị để phát triển kỹ thuật.
Chuyên gia Đức đang chuyển giao kỹ thuật thay khớp gối bán phần cho các y bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội.
PV: Việc phát triển các kỹ thuật công nghệ cao tại bệnh viện gặp những khó khăn hạn chế gì và ông có đề xuất gì với lãnh đạo BV và Bộ Y tế?
PGS.TS. Kiều Đình Hùng: Khó khăn thứ nhất là cơ sở vật chất chật chội trong khi lượng bệnh nhân quá đông, do đó rất khó khăn để BV phát triển mở rộng vì hiện nay đã rất quá tải rồi. Thứ hai là các phương tiện kỹ thuật cao rất đắt, bảo hiểm y tế cho người dân chỉ chi trả một phần và cũng không thể mở rộng hơn vì quỹ bảo hiểm cũng chỉ có hạn. Với những bệnh nhân nghèo thì khó có khả năng chi trả cho những kỹ thuật cao này.
Để phát triển kỹ thuật cao tại bệnh viện thì yêu cầu thứ nhất là phải đào tạo nhân lực vì con người là quan trọng nhất. Tuy nhiên để đào tạo nhân lực cần nhiều thời gian, chẳng hạn để đào tạo bác sĩ mổ khớp tốt thì cần đến 10 năm. Thứ hai là cơ sở vật chất thì cũng phải mở rộng ra, vấn đề này chỉ mình trường Đại học Y Hà Nội thì rất khó giải quyết mà phải có sự phối hợp với Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội tạo điều kiện.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!