Hà Nội

PGS.TS Chu Cẩm Thơ:“LÀM ĐƯỢC” phải đi kèm với đủ năng lực “CHỊU TRÁCH NHIỆM”

08-08-2019 10:24 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong số những người khám bệnh, kê đơn thuốc cho bạn, họ khác nhau ở chỗ “được phép hành nghề” và hành nghề “không có phép” . Có thể một lúc nào đó, họ đưa ra lời khuyên cho bạn là bạn nên làm gì, uống gì, ăn gì, … Nhưng khác nhau ở chỗ, những người có phép mới đảm bảo rằng họ “ Phải chịu trách nhiệm “ khi xảy ra hậu quả tệ hại nào đó đối với bạn.

Trên đây là những dòng tự sự của chuyên gia nghiên cứu giáo dục, PGS.TS Chu Cẩm Thơ về  lựa chọn của mỗi người  trước những công việc muốn làm, định làm để đi được tới thành công. Báo Sức khỏe& Đời sống xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Chu Cẩm Thơ về vấn đề này.

Năm 2006 , tôi chính thức sắp xếp thời gian để theo học Luật một cách nghiêm túc. Mặc dù trước đó, tôi đã chọn tích lũy giá trị thông qua chữ TÍN, và luôn dẫn TUÂN TỬ, HÀN PHI TỬ khi suy nghĩ về vấn đề xã hội, về TRÁCH NHIỆM của bản thân. Nhưng đến khi nghiên cứu BỘ LUẬT HÌNH SỰ (năm đó là Luật 1999) với tư cách một người học luật,  tôi mới hiểu rõ từ “CÓ THỂ LÀM” phải đi kèm với “CHỊU TRÁCH NHIỆM”.

Nếu trước đó ai hỏi tôi: “Em có thể làm được không?”, tôi sẽ trả lời “Có” nếu tôi thấy mình muốn làm, có chút khả năng để làm, thì từ lúc đó, tôi phải suy nghĩ lại xem mình “có khả năng chịu trách nhiệm về việc mình làm hay không?”.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ

Một người bạn mà tôi rất kính trọng chia sẻ với tôi rằng: “Em biết không, vì sao chị chưa đầu tư vào giáo dục, trong khi rất nhiều người rủ chị, vì chị vẫn chưa thấy mình có khả năng chịu trách nhiệm về những gì có thể xảy ra” (mặc dù chị ấy có khả năng tài chính tốt, và đặc biệt có rất rất rất nhiều khát vọng cho giáo dục).

Bạn có biết vì sao những chiếc xe ô tô chạy trên đường, nó cùng di chuyển, nhưng rất khác nhau ở chỗ “có phép” và “không phép”. Một chiếc xe được phép kinh doanh dịch vụ vận tải, thì người lái nó không chỉ có bằng lái xe, mà còn phải được huấn luyện và vượt qua được thử thách khả năng đảm bảo an toàn cho hành khách và những chiếc xe như thế sẽ được trang bị những thiết bị, phải đảm bảo những điều kiện an toàn. Chúng rất khác nhau đấy. Vì theo thống kê, những vụ tai nạn xảy ra, thì lỗi thường chỉ nằm trong những phạm trù nguyên nhân: Xe thiếu an toàn (không đủ điều kiện kinh doanh, vận hành) hoặc người thiếu trách nhiệm, không đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.

Bạn có biết trong số những người khám bệnh, kê đơn thuốc cho bạn, họ khác nhau ở chỗ “được phép hành nghề” và hành nghề “không có phép” ở chỗ nào không? Có thể một lúc nào đó, họ cùng đưa ra lời khuyên cho bạn là bạn nên làm gì, uống gì, ăn gì, … Nhưng khác nhau ở chỗ, những người có phép mới đảm bảo rằng họ phải chịu trách nhiệm khi bạn xảy ra hậu quả tệ hại nào đó.

Với người làm giáo dục, tôi hiểu rằng: hành vi biến khách hàng của mình thành “thiếu hiểu biết” là một hành vi tồi tệ biết nhường nào.

Thế nên, tôi thực hiện, và tôi khuyên tất cả những ai hành nghề mà không có phép phải suy nghĩ, suy nghĩ thật sâu sắc về trách nhiệm của mình với nghề nghiệp:

- Một người nấu ăn ngon, nếu mai bạn muốn trở thành đầu bếp, thì bạn cần có phép, vì khi có phép là bạn đã vượt qua thử thách hiểu và biết cách làm món ăn không chỉ ngon mà còn đảm bảo an toàn.

- Một người lái xe, nếu bạn muốn thực sự thành tài xế, thì bạn cần có phép, vì khi có phép, bạn được thử thách biết xử lí ra sao để đảm bảo tính mạng cho những người ở trên xe của bạn.

- Một người có rất nhiều tiền, bạn muốn đầu tư vào đâu cũng được, cũng là điều cần thiết cho xã hội vì sự đầu tư sẽ giúp cho sự phát triển, nhưng bạn cân nhắc sự hiểu biết của mình, năng lực của mình, bạn có thể đảm bảo sự an toàn cho đồng tiền, cho cả những người sẽ dùng dịch vụ từ nó hay không. Đó là hành trình xin phép không thành văn mà tôi nghĩ những nhà đầu tư khôn ngoan đều đã vượt qua để thành công.

- Ngay cả một giáo viên, nếu bạn dạy không có phép, thì bạn cũng đang làm sai đó. Nếu bạn xin phép, bạn sẽ hiểu ra: lớp học mà mình đang dạy các bé thiếu an toàn (ánh sáng thiếu hoặc thừa cũng gây hại có mắt, điều kiện phòng cháy chữa cháy không đảm bảo thì rất nguy hiểm , …). Mà trước hết, khi xin được cấp phép, bạn mới thấy, có rất nhiều kiến thức bạn cần chứ không phải chỉ là chuyên môn bạn dạy. Người làm giáo dục, trước hết phải được giáo dục là vì lẽ đó: bạn chấp hành pháp luật để làm gương, và chứng mình mình có khả năng.

Nhưng thực tế tôi biết, có nhiều người đi dạy, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục mà không có phép, hoặc có phép nhưng dám sử dụng những người không có phép. Những lớp học ấy đang diễn ra. Những dịch vụ vẫn đang hoạt động.

- Muốn làm là có thể làm, những từ ngữ đầy tích cực ấy khuyến khích chúng ta làm. Nhưng nếu bạn thực sự “sẽ làm”  thì bạn nên ngừng lại 1 chút, để suy xét mình “có thể chịu trách nhiệm” hay không? Vì sau đó, bạn sẽ bị cuốn đi, với những tình huống đầy cám dỗ, có thể rất may, sự thuận lợi khiến bạn chưa phải chịu trách nhiệm, nhưng THUẬN LỢI không phải là THÀNH CÔNG và không có việc gì thuận lợi mãi mãi.

Chúng ta biết, sự thành công là do bạn lựa chọn, mà điều kiện cần là ở chỗ bạn có đủ khả năng CHỊU TRÁCH NHIỆM về nó - và đó là một thành phần của ĐẠO ĐỨC.


PGS.TS Chu Cẩm Thơ
Ý kiến của bạn