Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Chu Cẩm Thơ về cách tạo lập lối đi riêng và thành công như ngày hôm nay, đặc biệt những tâm huyết của chị giúp học sinh Việt Nam được tiếp cận với chương trình toán tư duy đem lại nhiều hứng khởi và hiệu quả.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ
Phóng viên (PV) : Là người sáng lập và phát triển toán tư duy xin chị cho biết, ý tưởng nào đưa chị xây dựng chương trình dạy toán tư duy cho trẻ? Chị đã mất bao nhiêu lâu để “thai nghén” và cho ra đời POMath?
PGS.TS Chu Cẩm Thơ : Tôi đã ấp ủ nó từ khi là sinh viên. Khi chọn học sư phạm, tôi phải đối mặt với nỗi sợ của chính bản thân mình, tôi không muốn giống nhiều giáo viên khác cứ dạy lặp đi lặp lại, tôi đã nghĩ mình phải “cải tiến việc dạy”. Những trải nghiệm của bản thân mình, những kiến thức khoa học được tiếp cận khiến tôi tin rằng những gì mình được biết, được làm thì cũng có thể áp dụng với những người khác. Chính vì vậy, tôi cứ tích lũy trong giảng dạy, trong nghiên cứu, cho đến những năm tôi bảo vệ xong luận án, bạn bè đã khuyến khích tôi đưa những kết quả ấy thành sản phẩm, hành trình ra đời cũng gần 10 năm.
Năm 2011, chúng tôi cùng nhau thảo luận và chọn đối tượng chính của sản phẩm là trẻ em. Lựa chọn của tôi khiến cho các cộng sự khá bất ngờ, bởi đây là một lứa tuổi vô cùng khó. Khó cả về cách truyền tải đến thị trường. Vì ở Việt Nam, người ta quá quan tâm đến “giỏi toán” là dành cho những học sinh lớn, gắn liền với các kì thi học sinh giỏi. Việc học “trải nghiệm”, “phát triển tư duy” không được chú ý. Nhưng về mặt chuyên môn, những bước đi đầu tiên, bài học đầu tiên là quan trọng nhất, nó hình thành cách học, cách nghĩ, … Do đó, dù rất khó, tôi vẫn chọn và vẫn làm.
Thật may, quá trình thử nghiệm, sự đánh giá của phụ huynh giúp tôi tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Rất nhiều người đã hiểu suy nghĩ của tôi, dạy trẻ từ thuở còn thơ, dạy không chỉ kiến thức, dạy không vì thành tích, dạy vì sự phát triển thật, so sánh với chính đứa trẻ, lấy niềm vui bằng sự phát triển đó là động lực của việc học.
PV :Trong quá trình xây dựng POMath chị gặp những khó khăn gì và giải quyết ra sao?
PGS.TS Chu Cẩm Thơ : Khó khăn lớn nhất của tôi là sự kiên trì của bản thân mình. Trong khi xã hội đã mở ra cho tôi những con đường dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi có thể có những thành công sớm bằng cách đi lại con đường của những người thầy, những người bạn lớn. Chẳng hạn tôi có thể theo đuổi con đường dạy cho học sinh giỏi, khi đó, tôi có được kinh tế, sớm có được danh hiệu, bởi ở nơi tôi công tác là nơi quy tụ các học sinh giỏi quốc gia, là cái nôi nuôi dưỡng tài năng toán học hoặc tôi có thể trở thành một người có vị trí, bởi tôi vốn là một người có trách nhiệm, đã được thử thách. Nhưng tôi có đam mê, có mong muốn thực sự làm những điều mà mình thấy cần thiết, có ý nghĩa, trước hết với bản thân mình.
Khi bạn chọn một con đường riêng, khác biệt, đôi khi bạn thấy cô đơn, thấy việc phải tự mình đối mặt và có trách nhiệm 100% là quá sức. Vì thế khó khăn tiếp theo là phải tìm và thuyết phục được người đồng hành. Khi bạn không có gì ngoài vốn liếng là “uy tín của bản thân” thì bạn lại thấy việc nỗ lực thuyết phục chỉ được tính bằng thành quả của những việc bạn đã làm. Vì thế, tôi chỉ có cách chứng minh bằng những việc mình làm, chân thật, tận tụy. Tôi nghĩ rằng những điều đó đã thuyết phục chồng tôi, thuyết phục những người bạn của tôi, những phụ huynh của tôi, những đối tác của tôi,…
PGS.TS Chu Cẩm Thơ
PV : Theo chị chương trình POMath sẽ tác động đến trẻ như thế nào? Đặc biệt hiện nay nhiều bé sợ học toán, làm sao để trẻ yêu toán học thưa PGS?
PGS.TS Chu Cẩm Thơ : Ở POMath, tôi tập trung vào sáng tạo, hoàn thiện một cách hệ thống cả nội dung và cách dạy. Trước hết, tôi viết các bài học theo lối trải nghiệm. Tức là, trẻ sẽ được trải qua các hoạt động toán học gắn liền với đời sống thực, với thực tiễn của các em thông qua các trò chơi, các tình huống có vấn đề, để từ đó các em có thể tự tin tiếp nhận kiến thức đã được hình thành khi các em trải nghiệm.
Để làm được điều đó, các giáo viên cần được đào tạo lại cách dạy. Đây là việc khó nhất, bởi các giáo viên Việt Nam đã quen với những cách dạy truyền thống, họ cần phải được truyền động lực và chỉ dạy, thực hành thật cụ thể những kĩ thuật dạy học để giúp từng trẻ em tự tin. Giáo viên phải học lại cách chơi, cách nghĩ, cách làm, ….
Một điểm khác biệt nữa là chương trình cho mỗi em phải vừa sức, vì thế POMath phải áp dụng các kết quả đánh giá tiên tiến để phân hóa năng lực và lập ra kế hoạch học tập cho mỗi em khác nhau. Tôi rất vui vì trong gần 7 năm qua, POMath đã làm được rất nhiều. Có hàng chục nghìn trẻ em đã từng theo học các khóa học của POMath ở các trung tâm, ở các trường học là đối tác của chúng tôi. Chúng tôi thu nhận được những phản hồi rất tích cực, những niềm tin khiến chúng tôi cảm thấy mình thật mạnh mẽ.
Có những người thầy của tôi đã gửi cháu đến học. Họ nói với tôi: cách làm của em thật sự khác biệt, thầy tin nó có ích cho cháu của thầy. Mỗi ngày tôi quan sát việc học của các trẻ em, thấy các em tự tin, thấy các em được học vui như thế, mà hoàn toàn là các em tự học, tự làm, tôi thấy rằng chúng tôi đã làm tốt.
Ngoài ra, Pomath còn xây dựng dựng một hệ sinh thái bao gồm thay đổi nhận thức và hành vi của cha mẹ, người dạy, người học. Chúng tôi viết hơn 20 cuốn sách rồi, ra được các tập san, các bài báo, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, hàng chục ngày hội trải nghiệm quy mô toàn quốc và đến rất nhiều trường học. Tôi không nhớ hết , nhưng đến đâu, làm được, chúng tôi đều thấy sự thay đổi, sự lan tỏa tốt đẹp.
Toán tư duy rất hấp dẫn đối với trẻ em
PV : Mô hình giáo dục trải nghiệm đang rất phát triển trên thế giới, nó khiến trẻ tăng khả năng khám phá, sáng tạo. Chị đánh giá thế nào về cách dạy và học nói chung ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt đối với môn toán? So với các nước trên thế giới mà chị đã từng đi qua, chắc sẽ có khoảng cách trong giáo dục ?
PGS.TS Chu Cẩm Thơ : Tôi là người được đào tạo hoàn toàn ở trong nước. Vì thế khi đi nhiều, làm việc nhiều, tôi nhận ra những điều mình nhận thức và tâm niệm hành động từ trước đến nay không hề lạc hậu. Trong giáo dục, không có mô hình tuyệt đối, không có sự thay đổi nhanh chóng theo kiểu một sớm một chiều. Giáo dục là một quá trình đòi hỏi sự phù hợp với nền tảng văn hóa, với sự thích nghi của từng người. Vậy nên, khoảng cách lớn nhất nếu có chính là sự “nhận thức” về tạo cơ hội thúc đẩy giáo dục tự thân chứ không phải là những điều kiện cơ sở vật chất, những chương trình hoành tráng.
PV: Để phát triển trí thông minh cũng như tư duy logic ở trẻ, cha mẹ nên có định hướng và làm như thế nào cho con theo từng độ tuổi, thưa PGS?
PGS.TS Chu Cẩm Thơ : Các nghiên cứu của tôi cho thấy giáo dục gia đình là nền tảng quan trọng nhất. Trong gia đình, cha mẹ cần tạo cho con môi trường trải nghiệm, rèn luyện sức khỏe, cách học, cách làm qua thực tế làm cùng nhau. Trước 7 tuổi, các em học qua tương tác với người thân. Vì thế đọc sách cho con, khám phá cùng con, dạy con làm việc nhà, chia sẻ với con về cách cư xử, … là việc không ai có thể làm tốt hơn cha mẹ của các em. Ở độ tuổi đến trường, các em cần học phù hợp với trình độ bản thân trong một môi trường có sự tôn trọng và thử thách vừa phải. Để trẻ phát triển tư duy thì việc học của các em bao gồm cả việc học cần được xây dựng trên cơ sở thể chất khỏe mạnh, các giác quan được rèn luyện, đặc biệt là quan sát, tưởng tượng và được thử làm để giúp các em tự tin.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.