PGS.TS Chu Cẩm Thơ: 5 việc thiết thực nhà trường và phụ huynh cần phối hợp để cùng giáo dục con

 PGS.TS Chu Cẩm Thơ

PGS.TS Chu Cẩm Thơ

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

12-08-2019 09:47 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - LTS: PGS.TS Chu Cẩm Thơ là người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, chị từng có nhiều bài viết nhằm góp thêm tiếng nói đồng hành trong giáo dục học sinh. Mời độc giả theo dõi bài viết của PGS.TS Chu Cẩm Thơ về việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong giáo dục nhân dịp năm học mới đang đến gần.

Có nhiều ý kiến của phụ huynh cho rằng, nhà trường thường  kêu ca, cho rằng mình  đơn độc trong giáo dục, nhưng nhà trường không giúp phụ huynh hiểu và biết cần phải làm gì để phối hợp với Nhà trường trong việc  giáo dục con cái của họ.

Ý kiến đó  đúng. Theo một  khảo sát với  hơn 8000 người tham gia, phần lớn phụ huynh quan tâm đến con, họ có mong muốn dạy  con, hỗ trợ  thầy cô giáo của con nhưng họ không biết làm thế nào. Nhiều người còn tỏ ra hoang mang vì thấy Nhà trường như một “pháo đài”, mà phụ huynh  chỉ có thể thực hiện sự quan tâm của mình bằng “cung cấp kinh phí, ủng hộ, không chống đối những quyết sách của trường”. Đấy là chưa kể một bộ phận phụ huynh gần như không có niềm tin vào mục tiêu giáo dục, cách thức giáo dục, họ chỉ để ý đến họ, còn việc học bỏ mặc cho trường hoặc cho con đi học chỉ là có.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ

Trong khi đó nhiều giáo viên cảm thấy  chán nản, vì không nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, không ghi nhận công sức của cô giáo trong  sự thay đổi của con . Rất nhiều giáo viên  cảm  thấy áp lực vì phụ huynh  yêu cầu cao về thành tích nhưng  không chịu dạy con – đẩy tất cả lên giáo viên.  Chỉ cần người giáo viên làm gì “không vừa ý họ” thì họ sẽ chụp ảnh, ghi âm, … cho chúng tôi lên mạng,…

Nhưng  khảo sát hơn 20 trường học, có rất ít trường quan tâm và có hành động thiết thực “giáo dục phụ huynh” – cụm từ này để chỉ việc nhà trường cần tổ chức các hoạt động để phụ huynh hiểu việc Giáo dục và biết cách cùng giáo dục. Dưới đây một số việc mà nhà trường nào cũng nên làm:

1.Cùng phụ huynh xây dựng mục tiêu, kế hoạch giáo dục của toàn trường, của chính học sinh

Một số việc mà Nhà trường nào cũng nên làm, đó là cùng phụ huynh xây dựng mục tiêu, kế hoạch giáo dục của toàn trường, của chính học sinh, rồi cụ thể hóa mục tiêu ấy thành những việc học sinh cần được làm, cần được rèn luyện ở trong gia đình.

Một số giáo viên  chia sẻ rằng đây là việc mà nhà trường chúng ta đang làm yếu, đang bỏ quên. Chính các nhà trường đã cô lập việc phát triển năng lực của học sinh, khi khiến cho các em nghĩ rằng: đến trường là để học mà biết đâu rằng, có rất nhiều việc cần học ở nhà. Chẳng hạn như  ứng dụng của kiến thức trong cuộc sống (đơn giản là làm việc nhà); thái độ, lối sống; kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương; kinh nghiệm khoa học kĩ thuật, ….

2.Huấn luyện nề nếp, kỉ luật và  đánh giá học sinh

Thứ hai, nhà trường cần huấn luyện nề nếp, kỉ luật và  đánh giá học sinh. Như tại  Nhật Bản,  có giờ học mở. Trong giờ học đó, bố mẹ, cộng đồng có thể cùng tham dự để biết rằng cần phải cùng nhà trường giáo dục con thế nào, làm gương ra sao. Ở nhiều nước, những năm đầu đi học, cha mẹ bắt buộc phải tham gia các giờ học để biết cách cùng con rèn nề nếp.

Qua những cuộc khảo sát, rồi tham gia làm diễn giả cho những Hội thảo cho phụ huynh về cách nuôi dạy con tôi mới biết,  có rất nhiều  phụ huynh  không biết những việc cơ bản trong giáo dục trẻ như:
- Con nên đi ngủ và thức dậy lúc mấy giờ? (Trẻ em nên đi ngủ trước 10h00 tối và thức dậy từ 6h00).
- Nên ăn sáng ở nhà
- Rèn con làm việc có giờ giấc (hầu hết cho rằng việc đó đến trường nhờ cô làm cho).
- Đọc sách, làm việc nhà cùng nhau, có trách nhiệm.
- Biết nấu bữa ăn có đủ dinh dưỡng.
- Biết tập thể dục, chơi thể thao.
- Biết đánh giá con, để đưa kiến nghị cùng nhà trường giáo dục. Đây là lý do khi triển khai thông tư 30 sau đó là 22, nhiều phụ huynh do không được nhà trường hướng dẫn nên đã có những hiểu lầm.

Trước thềm năm học mới, việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh chưa được chặt chẽ

3.Định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Đây là vấn đề đã  trở nên cấp bách khi mà những số liệu khiến ai ai cũng giật mình như: năng suất lao động của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á, học sinh học xong không biết học nghề gì dẫn đến lãng phí mấy năm đại học, học sinh lêu lổng ham chơi, ….

Hiện nay,  Chính phủ yêu cầu phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trong khi cha mẹ  hoang mang vì chẳng biết cho con vào đâu (ngoài cố mà học THPT để còn được đi học cái nghề), học sinh thì  không có đam mê, nhiều em chưa biết học xong để làm gì, …

Điều  mà các nhà trường nên làm đó là thành lập câu lạc bộ cho cha mẹ mà ở đó có hoạt động hướng nghiệp. Hiện nay có một số trường dân lập đã làm rất tốt việc này như  đặt hàng những phụ huynh lành nghề đến dạy học theo lối trải nghiệm cho học sinh hoặc mời người bên ngoài vào  chia sẻ cho phụ huynh về: cơ cấu nghề nghiệp, đặc trưng, xu thế và những gì cần chuẩn bị để học/ hành nghề đó. Nhờ thế có  những phụ huynh đã chuyển rất nhanh mục tiêu: con chỉ đỗ đại học là đủ, không cần làm gì hết thành học tiếng anh giao tiếp, tốt nghiệp và thành một đầu bếp giỏi (vì vừa trùng hợp sở thích của con và tiềm năng của nghề trong bối cảnh một quốc gia du lịch, đông dân như Việt Nam).

4.Làm bạn cùng con, thấu hiểu con

Vài  năm trở lại đây,  những scandal học đường xảy ra khiến  bất cứ người lớn nào cũng thở dài vì: chẳng hiểu nổi lũ trẻ, trong khi  nhà trường thì thấy “tuổi này trường cũng khó quản” mà cha mẹ không quan tâm thì biết làm sao!!!

Nên chăng  “phải có phòng tư vấn tâm lí học đường” trong mỗi nhà trường. Hiện, rất nhiều trường chưa có được phòng tư vấn tâm lỹ cũng như  người có chuyên môn làm việc tư vấn tâm lý. Xong không phải vì thế mà chúng ta không thể giúp cha mẹ hiểu tâm, sinh lí của con để có thể giáo dục.
Nhà trường có thể  giới thiệu những sách tham khảo cho cha mẹ, để họ hiểu hơn về: sự phát triển của cơ thể con, tâm lí của con; - Mời chuyên gia là những người có kinh nghiệm: những người nuôi dạy con tốt, những thầy cô có am hiểu, … đến chia sẻ cho phụ huynh;  Tổ chức những hoạt động để cha mẹ và con cùng tham gia, học sẽ hiểu nhau hơn.

5.Huấn luyện Phụ huynh giúp con an toàn trước những xâm hại

Cả nhà trường và cha mẹ đều lo lắng và tìm cách để phòng chống xâm hại cho con, nhưng Nhà trường lại chưa chủ động hoặc không cụ thể hóa những hành động phụ huynh đang làm xâm hại đến con chứ chưa nói là “ Chống”.

Chẳng hạn, khi nói về an toàn Mạng, thì trường có thể trao đổi với phụ huynh về các việc như : Phụ huynh có dùng tên con mình làm nick facebook không?;  Phụ huynh có lập nick facebook cho con không? (mặc dù Facebook quy định phải đủ 16 tuổi mới được lập nick), ….;  Những trang mạng nào sẽ có ảnh hưởng không tốt;  Những hành vi nào là an toàn khi dùng mạng internet, …

Khi  những tai nạn, những vụ xâm hại xảy ra, chúng ta xót thương, chúng ta tìm lỗi. Nhưng hiện có rất  ít nhà trường tổ chức được những buổi huấn luyện cho phụ huynh về đảm bảo an toàn thương tích, xâm hại tình dục, lệch lạc giới tính, …

Đầu năm học thay vì chỉ biết họp phụ huynh và đơn phương “đòi hỏi”, đưa ra những yêu cầu chung chung kiểu: đề nghị gia đình phối hợp, quan tâm, …. thì mỗi nhà trường, mỗi giáo viên nên tìm cách và “huấn luyện” “hỗ trợ” chính các phụ huynh, để họ Biết, họ Hiểu, họ Làm cùng để “giáo dục là công việc chung”, để phụ huynh không chỉ là người “tham dự”. Một nhà trường, một giáo viên sẽ cảm thấy áp lực đến sợ trước mỗi scandal xảy ra, những điều không ai muốn, không lường trước được. Nhưng chắc chắn chúng ta đều lựa chọn được: có làm hay không việc “Huấn luyện Phụ huynh” để họ trở thành những người đồng hành tin cậy.


PGS.TS Chu Cẩm Thơ
Ý kiến của bạn