Tưởng niệm 10 năm ngày mất PGS. Viện sĩ Tôn Thất Bách (26/3/2004 - 26/3/2014)
SKĐS - PGS.VS. Tôn Thất Bách ra đi đã 10 năm. 10 năm thầy vắng bóng trên giảng đường, trong bệnh viện, đã để lại cho các đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò niềm tiếc thương lớn lao...
PGS. Viện sĩ Tôn Thất Bách
PGS. VS. Tôn Thất Bách rất quan tâm đến việc chăm lo đào tạo các thầy thuốc trẻ như lời dạy của GS. Tôn Thất Tùng: “Khi người tài giỏi chết đi, cái để lại trên đời không chỉ là danh tiếng, mà là thế hệ trẻ”.
Tôi tìm đến những học trò, những đồng nghiệp trẻ đã có dịp học thầy, làm việc với thầy để hỏi chuyện về người thầy đáng kính.
TS. Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai nhận lời đề nghị của tôi và hẹn gặp ngay vào giờ nghỉ cùng ngày. TS. Hùng là người rất gần gũi với PGS. Bách. Ông là thầy dạy khi TS. Hùng là sinh viên, ông là người hướng dẫn cho BS. Hùng làm luận án tốt nghiệp bác sĩ nội trú. TS. Hùng rất bận, nhưng vẫn dành giờ nghỉ để nói chuyện, vì cả hai chúng tôi cùng nhớ nhiều về thầy Bách. TS. Hùng nói: “Thầy Bách đối với tôi là một người đầy nhân cách, một người thầy, một bậc đàn anh đúng nghĩa với sự tôn kính, với sự cảm phục chân thành. Nhưng thầy Bách chỉ cho phép tôi gọi bằng anh, còn tôi có lúc gọi thầy là sếp”.
Cứu chữa bệnh nhân đến cùng
Chúng tôi vẫn thường được nhắc nhở lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.
Người thầy tận tình đào tạo bác sĩ nội trú ngoại khoa
Những năm 90 của thế kỷ trước, thầy Bách thay mặt Bộ môn Ngoại chủ trì những buổi giao ban các bác sĩ nội trú vào 16 giờ chiều thứ sáu hàng tuần. Đấy là một buổi học rất bổ ích. Chúng tôi báo cáo với thầy các công việc đã làm trong tuần, được bổ sung các kiến thức mới, phát huy những việc tốt và rút ra những bài học cần bổ khuyết khi có thiếu sót khi xử trí công việc được giao. Có lần, một bác sĩ nội trú đưa ra vấn đề mới. Dịp đó, có nhiều tai nạn giao thông, bệnh viện phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân; phòng khám gửi lên phòng mổ nhiều nạn nhân bị chấn thương sọ não rất nặng. Phòng mổ phải huy động rất nhiều nguồn lực, kíp mổ làm việc rất vất vả, chi phí lớn trong hoàn cảnh giường bệnh, thuốc men và phương tiện thiếu thốn, nhưng bệnh nhân quá nặng, không thể cứu nổi, có người tử vong trên bàn mổ, có người được săn sóc hậu phẫu, vài hôm cũng không qua khỏi. Mỗi ca mổ không cứu được người bệnh, các bác sĩ tham gia phẫu thuật buồn phiền, bứt rứt. Có ý kiến đề xuất, phải quy định tiêu chuẩn mức độ chấn thương sọ não, chọn lựa bệnh nhân có khả năng cứu chữa được thì mới đề nghị mổ. Mọi người tranh cãi rất sôi nổi.
Thầy Bách lặng lẽ ngồi nghe. Khi mọi người nói hết, ông đứng dậy, nhìn người nói hăng nhất: “Tôi hỏi các cậu điều này: Nếu người bị nạn là bố cậu, cậu có mổ không? Ai cũng biết, tỷ lệ mổ các ca chấn thương sọ não nặng không cứu được là rất cao, chỉ còn mấy phần trăm cứu được, vậy nếu là bố mẹ mình thì có mổ không?”. Chân lý và logic của thầy Bách thật rõ ràng, hãy coi người bệnh là bố mẹ mình. Thầy đã đau cái đau đớn của người bệnh. Đấy chính là phần tổng kết của cuộc thảo luận. Điều này còn đọng mãi trong tôi, mỗi năm tôi lớn lên và trưởng thành, mỗi năm phẫu thuật hàng trăm ca, thấy bố mẹ mình ngày càng tuổi cao sức yếu, cũng có lúc lâm bệnh, tôi càng thấm thía lời nói của thầy.
Thầy đã viết bài đăng trên báo Nhân dân cảnh báo về tai nạn giao thông, thầy cho chụp ảnh in hình cỡ lớn những chấn thương của người bị tai nạn rất đáng thương cho trưng bày ảnh tại một tủ kính ở trên hè phố Phủ Doãn để tuyên truyền. Thời ấy, thầy Bách rất gương mẫu đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy từ nhà đến bệnh viện chỉ hơn 1km và chính nhờ có mũ bảo hiểm mà thầy chỉ bị chấn thương cánh tay khi một xe máy đi ẩu đã xô thầy ngã trên đường phố.
Trong việc cứu chữa người bệnh, thầy rất quyết liệt. Bất kể ngày đêm, bất kể giờ giấc. Khi thầy có quyết định phải mổ ngay để cứu bệnh nhân kịp thời, tất cả ê-kíp, có người chuẩn bị ăn hoặc đang ăn đều phải ngừng lại khi thấy chiếc xe cáng đưa bệnh nhân vào phòng mổ. Rất khẩn trương, tất cả sẵn sàng vào cuộc chiến mới...
Nghiêm khắc trong chuyên môn
Tôi có một bạn học, thân nhau từ nhỏ, bị xuất huyết tiêu hóa nặng phải vào bệnh viện mổ cắt 2/3 dạ dày, tôi cũng tham gia phụ mổ trường hợp này. Sau một ngày, sức khỏe của bạn tôi khá lên, bố bạn tôi yên tâm, đã mời tôi ra căng tin bệnh viện, kéo ghế ngồi bên bàn nhỏ chia nhau uống chung một chai bia. Thầy Bách đi qua nhìn thấy.
Chiều thứ sáu tuần đó, vẫn trong buổi giao ban nội trú, thầy phê bình luôn: “Cậu Hùng đã ngồi uống bia trong giờ làm việc. Tôi cấm các bác sĩ nội trú uống bia, rượu trong giờ làm việc. Tôi không cần biết lý do, chỉ biết anh đang mặc áo công tác. Uống xong, với men bia, hơi rượu, anh khám cho bệnh nhân có còn minh mẫn không? Đừng anh nào vi phạm việc ấy một lần nữa. Còn nếu uống thì nghỉ làm buổi ấy luôn”. Điều căn dặn này, tôi nhớ đời, nhớ đến tận bây giờ.
Đi thăm bệnh nhân sau mổ thấy ống dẫn lưu dịch màng phổi đặt sai. Thầy truy ra một bác sĩ nội trú lớp trên đã làm không tốt việc này. Thầy yêu cầu bác sĩ đó phải xuống nhà đại thể, làm thực nghiệm khi có mổ tử thi. Phải xem đặt ống dẫn lưu ở điểm nào thì phù hợp, tính đúng chiều dài ống dẫn, cắt đầu ống cho chính xác. Phát hiện có bệnh nhân bị biến chứng vì mổ chậm. Thầy yêu cầu bác sĩ được phân công mổ giải trình. Anh này nêu lý do, phòng mổ đông, bệnh nhân phải chờ đến lượt. Thầy cho kiểm tra các công đoạn xem có đúng như lời anh ta báo cáo. Còn ai nói dối, có lỗi mà không nhận khuyết điểm thì thầy mắng cho te tát.
Thầy nói: “Cái mà cha tôi để lại cho tôi: trước hết là sự trung thực, trung thực từ những việc nhỏ nhất cho tới việc nghiên cứu khoa học. Một người làm cái việc mổ xẻ mà không trung thực thì không ai có thể phát hiện ra được. Mà đã không trung thực rồi, đã nói dối một lần là sẽ nói dối các lần khác...”.
Người thầy có tấm lòng nhân ái
TS. Hùng kể tiếp: Có một lần, chúng tôi tiếp nhận một bé gái 8 tuổi là nạn nhân bị xâm hại tình dục từ địa phương chuyển tới. Bé vừa bị đau, vừa hoảng loạn tinh thần. Một số phóng viên báo đến chụp ảnh, phỏng vấn gia đình rồi đưa tin rất ồn ào, tiếp theo có nhiều tổ chức và người làm từ thiện đến thăm hỏi, an ủi, cho quà, cũng chụp ảnh để tuyên truyền. Thầy Bách biết chuyện, thầy rất phẫn nộ. Thầy ra lệnh: “Chấm dứt cảnh cho mọi người đến gặp đứa bé tại bệnh viện. Đây là một nỗi đau, các người làm như vậy, cháu bé ra viện về nhà, có còn dám đi học không, cháu làm sao hòa nhập được với bè bạn cùng trường. Rồi sau này, cháu lớn lên sẽ như thế nào? Quan tâm đến việc trên, đại biểu Quốc hội Tôn Thất Bách đã liên hệ với lãnh đạo một tỉnh phía Nam, cho mẹ con cháu được chuyển vùng, thay đổi nơi cư trú, để năm tháng, nỗi đau sẽ qua đi.
Thầy cho rằng nên trừng trị kẻ xấu thật nghiêm khắc nhưng không nên đưa tên, tuổi, địa chỉ người bị hại ra công luận. Đó là tấm lòng đầy nhân ái của thầy Bách.
Văn hóa phong bì
TS. Hùng tiếp tục: Những năm đầu 90, chúng tôi tốt nghiệp bác sĩ nội trú, thầy có gặp chúng tôi, giao nhiệm vụ, định hướng con đường phải phấn đấu tiếp theo. Thầy yêu cầu vẫn phải tiếp tục học, đọc thêm về chuyên môn và rèn luyện đạo đức. Nói về văn hóa phong bì, quan niệm của thầy rất đúng. Thầy dặn chúng tôi: “Các cậu cứ làm tốt, mổ tốt, hãy cứu được nhiều người bệnh, khi ra viện bệnh nhân có cảm ơn các cậu phong bì, hay nhiều hơn là tặng cả cái nhà tôi cũng đồng ý cho nhận. Cái phong bì nó chả có tội tình gì, nhưng nó có thể làm thân tàn danh liệt, cần phân biệt phong bì cảm ơn và phong bì bôi trơn, chạy chọt, vụ lợi”.
Trong một lần nói chuyện với một nhà báo, thầy Bách đã nói: ông rất đau lòng khi chiếc áo trắng của người thầy thuốc bị hoen ố. Được chữa khỏi bệnh, không người bệnh nào quên ơn thầy thuốc. Tùy hoàn cảnh, người bệnh sẽ có cách cảm ơn, chứ còn nếu ai đó mặc cả, tính toán với người bệnh thì đấy là điều xấu hổ của người cán bộ. Chúng ta cần thuyết phục người bệnh là họ được bảo đảm chữa bệnh tốt, bệnh nhân phải tin vào điều đó và không nên làm điều gì để người thầy thuốc mắc lỗi. Chúng ta kiên quyết không để xảy ra hiện tượng biếu xén trước khi được khám chữa bệnh. Nhưng chúng ta cũng đừng hiểu sai một cái nết rất đẹp của người Việt Nam là sau khi ra viện, người bệnh tặng hoa, có quả trứng, con gà, hoa quả, thậm chí bây giờ là phong bì, chai rượu để cảm ơn những bác sĩ, y tá đã tận tình lo cho họ. Có cán bộ nhận trước phong bì hoặc quà biếu của người bệnh, nhưng cũng có nhiều thầy thuốc mang tiền của mình cho người bệnh nghèo hoặc có người nhận phong bì cảm ơn nhưng rồi trả lại, nói họ dùng tiền đó để chăm nom thuốc thang cho người bệnh. Có người chỉ nhận chút quà cho bệnh nhân yên tâm là người giúp họ đã nhận cảm ơn rồi.
Chuyện phong bì đưa trước là hiện tượng xã hội, Nhà nước cần có giải pháp đồng bộ cho tất cả các cơ quan công quyền, trong đó có ngành y.
10 năm chúng tôi không có thầy để được thầy chỉ bảo, hay có lúc còn bị thầy quát mắng, nhưng những kỷ niệm rất sâu sắc với thầy không thể tả hết được, không bao giờ quên được. Thầy Tôn Thất Bách vẫn ở bên chúng tôi, mãi mãi với chúng tôi trong sự nghiệp rất vất vả và vinh quang của ngành y, chữa bệnh cứu người.
Trần Giữu