“Nếu thực hiện miễn thi và công nhận, xếp loại tốt nghiệp THPT không nghiêm túc chắc chắn sẽ xảy ra tiêu cực”.
Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Dự thảo Một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Theo đó, có 2 phương án thi mới và một số tiêu chí miễn thi, công nhận và xếp loại đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được lấy ý kiến rộng rãi các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh cũng như đông đảo dư luận xã hội để có thể áp dụng trong năm 2014.
Ngay sau khi Dự thảo được công bố đã nhận được nhiều đóng góp từ các tầng lớp trong xã hội. Đứng ở góc độ nhà quản lý giáo dục và là Hiệu trưởng của một trường THPT, PGS Văn Như Cương chia sẻ nhiều ý kiến, trăn trở đối với Dự thảo này.
Phương án mới là bước đầu của tiến trình đổi mới thi cử
PV: Thưa PGS, ông nhận xét như thế nào khi Bộ GD-ĐT vừa đưa ra 2 phương án mới đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể áp dụng trong năm 2014?
PGS Văn Như Cương: Trong kế hoạch Năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT khẳng định vẫn giữ nguyên phương pháp thi tốt nghiệp THPT như hiện nay cho đến năm 2015. Tuy nhiên, ngày 2/1, Bộ lại bất ngờ công bố Dự thảo một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Trong đó, nhấn mạnh đến 2 phương án thi mới và một số điều chỉnh trong việc miễn thi và căn cứ xếp loại tốt nghiệp THPT.
Tôi nghĩ rằng, sự điều chỉnh bất ngờ này là hơi vội vàng và sẽ khiến học sinh rơi vào thế bị động, chưa chuẩn bị kỹ về tâm lý để thích ứng với những thay đổi trong thi và xét tốt nghiệp THPT trong năm 2014.
Đề cập tới toàn bộ của Dự thảo, tôi hoàn toàn tán thành với những phương án thi, xét tuyển và xếp loại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi vì các phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra sẽ tiết kiệm ngân sách và thời gian để tổ chức một kỳ thi cuối cấp từ 3 ngày xuống còn 2 đến 2,5 ngày cũng như giảm áp lực thi cử cho học sinh. Dự thảo là bước đầu của tiến trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT theo như Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Ngoài 2 phương án trên, điểm đặc biệt chú ý là Bộ GD-ĐT sẽ xét công nhận tốt nghiệp của học sinh không chỉ qua những môn thi nữa mà còn là cả quá trình 3 năm học THPT. Điều này sẽ khiến cho học sinh chú tâm học tất cả các môn chứ không chỉ “học lệch, học tủ” những môn đi thi trong một thời gian nhất định nào đó. Mặt khác, Dự thảo còn giúp cho học sinh có định hướng chọn nghề nghiệp và tìm kiếm trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân.
PV: Là Hiệu trưởng của một trường THPT, PGS thiên về phương án thi nào và tại sao?
PGS Văn Như Cương: Tôi ủng hộ cả 2 phương án thi. Tuy nhiên, nếu đóng góp ý kiến, tôi cho rằng, phương án khả thi nhất là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh thi 4 môn. Trong đó bắt buộc thi 2 môn Toán, Ngữ Văn. 2 còn lại môn do thí sinh tự chọn, ngoài các môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử thì nên có thêm môn Ngoại ngữ.
Như vậy, phương án này vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học theo Đề án Ngoại ngữ 2020 mà vẫn khuyến khích thí sinh học Ngoại ngữ thông qua hình thức cộng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Miễn thi không làm nghiêm sẽ xảy ra tiêu cực
PV: Trong Dự thảo đề cập đến việc Bộ GD-ĐT bổ sung đối tượng miễn thi tốt nghiệp THPT và giao cho các Sở GD-ĐT chỉ tiêu tối đa là 20%. Ý kiến của PGS về vấn đề này như thế nào?
PGS Văn Như Cương: Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, thậm chí là không chỉ dừng lại ở con số miễn thi tốt nghiệp với chỉ tiêu tối đa là 20% mà những năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT nên tăng chỉ tiêu này để tiến tới công nhận và xếp loại kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách đơn giản nhất.
Tuy nhiên, nếu như năm 2014, Bộ GD-ĐT áp dụng ngay chủ trương này thì tôi lo ngại sẽ xảy ra tiêu cực nếu như chưa chuẩn bị kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách nghiêm túc, khách quan.
Khi Bộ đưa ra chủ trương trên, nếu trường học nào thực hiện nghiêm túc trong việc chọn lựa 20% học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc nhất để được miễn thi tốt nghiệp THPT thì là điều không cần phải bàn cãi.
Thế nhưng, tôi lo ngại rằng, nếu Bộ GD-ĐT không có sự kiểm tra chất lượng giảng dạy-học tập của trường học và học sinh một cách sát sao thì chắc chắn sẽ xảy ra gian lận như: phụ huynh “chạy” điểm thầy cô giáo để con mình có học bạ đẹp, nhà trường chạy theo thành tích để có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao, trường THPT dân lập không tuyển được học sinh cố bằng mọi cách để có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thuyết phục với mục đích thu hút người học…
Tôi còn nhớ, bất cập này đã từng xảy vào khi vào những năm 1996, 1998, Bộ có chủ trương cho học sinh THCS đạt điểm cao được vào thẳng các trường THPT. Học sinh THPT xếp loại học lực Giỏi được vào thẳng ĐH, CĐ.
Để được vào thẳng các trường THPT, ĐH, CĐ, nhiều cán bộ công chức, phụ huynh học sinh đã tìm đủ mọi cách để “chạy” điểm cho con. Đây là một “thảm họa” lớn đối với ngành giáo dục và cũng gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian đó. Tôi nghĩ rằng, đây là bài học đắt giá mà ngành giáo dục cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện chủ trương miễn thi và công nhập, xếp loại tốt nghiệp THPT.
Chưa nên công nhận xếp loại tốt nghiệp trong năm 2014
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, để kiểm định việc miễn thi tốt nghiệp của các trường, chúng ta nên giao việc này cho những cơ quan ngoài ngành giáo dục sẽ khách quan, trung thực hơn. Phương án này liệu có khả thi không, thưa PGS?
PGS Văn Như Cương: Tôi không nghĩ là như vậy vì khi giao cho cơ quan ngoài ngành giáo dục thẩm định, kiểm tra và đánh giá thì sẽ dẫn đến tình trạng họ phải làm những việc không đúng chuyên môn và không biết phải thực hiện từ đâu, như thế nào.
Quan điểm của tôi là, chính Bộ GD-ĐT phải thực hiện việc làm này. Trước tiên, chúng ta cần phải xây dựng một khung tiêu chuẩn, trình độ chung để các trường THPT lấy đó làm căn cứ xét miễn cho học sinh thi tốt nghiệp THPT. Dứt khoát không được để cho các trường tự xác định chỉ tiêu.
Trong năm 2014, Bộ GD-ĐT có thể áp dụng phương án khả thi nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, sau khi trưng cầu ý kiến của dư luận xã hội.
Tuy nhiên, nếu Bộ chưa có đủ đội ngũ, nguồn lực để kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường học thì trong năm 2014, chưa nên áp dụng chỉ tiêu miễn thi cho các địa phương.
Ngoài ra, trong năm 2014, Bộ GD-ĐT chưa thể thực hiện việc công nhận tốt nghiệp thông qua đánh giá cả quá trình học THPT của học sinh. Bởi vì quá trình giảng dạy-học tập và kỳ thi tốt nghiệp THPT từ trước đến nay vẫn được dư luận xã hội đánh giá là chưa thực sự khách quan, trung thực. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở các tỉnh, thành phố lớn và những vùng, miền khó khăn gần như tương đương nhau.
Để công nhận và xếp loại tốt nghiệp THPT một cách khách quan, thực chất, ngay từ bây giờ, chúng ta cần sự thay đổi của không riêng gì ngành giáo dục mà từ trong tư duy của người dân, phụ huynh và học sinh.
PV: Xin cảm ơn PGS Văn Như Cương!./.
2 phương án thi tốt nghiệp THPT có thể áp dụng trong năm 2014:
Phương án 1: Thí sinh thi 4 môn gồm: 2 môn thi bắt buộc (Toán và Ngữ văn), 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Học sinh có thể đăng ký môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN). Dự kiến, bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.
Phương án 2: Thí sinh thi tốt nghiệp THPT gồm 5 môn: 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ); 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Với môn Ngoại ngữ, thí sinh thuộc hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục THPT không học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn nói trên./.