PGS. Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường: Say mê khoa học và âm nhạc, không nệ tuổi

04-07-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà khoa học đáng kính Nguyễn Lân Cường là nhân vật tôi muốn viết từ lâu. Việc đến hôm nay mới có bài này vẫn làm tôi thấy có lỗi bởi ông xứng đáng được tôn vinh từ cống hiến cật lực của mình.

Nhà khoa học đáng kính Nguyễn Lân Cường là nhân vật tôi muốn viết từ lâu. Việc đến hôm nay mới có bài này vẫn làm tôi thấy có lỗi bởi ông xứng đáng được tôn vinh từ cống hiến cật lực của mình.

Sở dĩ nhấn mạnh sự đích thực bởi số lượng giáo sư, phó giáo sư, thạc sĩ ở Việt Nam đông mà nền khoa học thì yếu. Cũng vì chú tâm làm việc mà nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường... quên hẳn việc bảo vệ thăng hàm giáo sư (GS), dù ông thừa tiêu chuẩn. Card của ông có lẽ là tấm card độc đáo nhất Việt Nam: in hình hộp sọ. Ông chọn biểu tượng này vì đặc thù công việc là nghiên cứu, tiếp xúc với xương người.

Nhà khảo cổ Lân Cường đo sọ trong phòng thí nghiệm.

Tuổi 75 đương nhiên là ông già, nhưng khó gọi Nguyễn Lân Cường như thế. Ông vẫn phóng xe Vision Helmet màu xanh cánh chả 70cm³, tốc độ 40km trở lên, đi nhanh để luyện tay luyện mắt. Người nhỏ nhắn (1m60/50kg), săn chắc, da sạm nắng vì vẫn “lăn lê bò toài” đúng nghĩa ở các địa hình trong và ngoài nước. Vóc dáng nhanh nhẹn ấy là do ông năng động từ trí não đến thân thể, nghề của ông vất vả tổng lực, những lần phải khảo cổ dài ngày ở hiện trường đào - tìm kiếm, phục chế hài cốt còn hơn cả lao động nặng. Là chuyên gia đầu ngành cổ nhân học (chuyên nghiên cứu người cổ), ông đương nhiệm Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam. Chưa hết, hơn 6 thập niên qua ông nặng lòng với âm nhạc, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội... Không hiểu lấy đâu ra thời gian mà ông còn là ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tác giả Phi hư cấu (VANFA). Hỏi, ông cười: Vì yêu âm nhạc, yêu nghề khảo cổ, muốn cống hiến thực chất cho xã hội bằng tất cả năng lực nên cố gắng làm tốt những gì có thể và được tín nhiệm.

Điều quen gặp, quen nghe là hình ảnh và chuỗi tên đại gia đình ông: 7 anh em trai đều là nhà giáo, nhà khoa học uy tín của đất nước. Nối nghiệp cha, GS.NGND. Nguyễn Lân (1907 - 2004), 8 anh em ông đều là những nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Xã hội ngàn năm nay đều trọng 2 nghề được gọi là thầy: thầy thuốc và thầy giáo, đại gia đình ông đều có đủ.

GS. Nguyễn Lân và vợ Nguyễn Thị Tề có một con gái duy nhất - TS sinh học Nguyễn Thị Tề Chỉnh, không may mất sớm. Bảy người con trai thành đạt của GS đều kế thừa cha đạo đức làm thầy, tinh thần lao động và sống lành mạnh. Hai năm cuối đời, GS. Nguyễn Lân bị ung thư trực tràng nhưng cụ vẫn duy trì việc tập thể dục hàng ngày. Trước đó, dù tuổi đã cao cụ vẫn đi xe đạp, tắm nước lạnh. “Ba tôi thích ăn mỳ, cứ 2 giờ chiều thì cụ ăn khoai lang luộc, bữa tối ăn cháo, không ăn thịt nhiều. Ba nhất quyết không ăn nhiều dù món ngon đến mấy, vì biết sẽ giãn dạ dày. Cụ ăn uống điều độ, tuổi 90 vẫn chạy 3km/ngày”. Giống cha, PGS. Nguyễn Lân Cường không thích thịt. Ông ăn nhiều rau, cá và trái cây. Hồi trung niên, ông ăn rất khỏe, bánh mỳ gối loại 7 lạng/cái, có lần ăn đến 2 cái rưỡi. Lần khác lại ăn tới 12 bát bún (loại bát chiết yêu). Làm việc liên tục nhưng ông không làm cố, mệt là nghỉ ngay, xem tivi luôn để hình ảnh chạy qua đầu không cần nhớ, cho não thư giãn. “Khi có tuổi không nên làm cố, người mệt thở dốc, máu dồn dễ đứt mạch máu não hoặc kiệt sức”. Ông tự thú: “Ba vẫn nhắc chúng tôi nhưng chẳng ai chịu tập thể dục” (cười). Ông sợ việc lạm dụng thuốc tây, e chất độc đọng lại gan, ưa dùng thảo dược. Nhờ sự mách nước của nhạc sĩ Văn Dung, ông đều đặn dùng thuốc thông mạch. Cách đây 10 năm, nhạc sĩ Văn Dung suýt phải phẫu thuật tim. Nhờ GS.TTND. Bành Khìu cho một lọ thuốc Đông y, nhạc sĩ đã không phải phẫu thuật và sống khỏe đến nay. Tín nhiệm GS. Bành Khìu, PGS. Lân Cường đã dùng loại thuốc này (mua tại Lãn Ông), uống 4 viên sáng, 4 viên chiều hằng ngày.

Là chuyên gia nhân chủng học uy tín hàng đầu, PGS. Lân Cường giữ kỷ lục là người đã nghiên cứu trên 800 bộ xương người. Công tác tại Viện Khảo cổ học Việt Nam từ 1965, nghề chính của ông là nghiên cứu Cổ nhân học, nhưng từ kiến thức và tài năng nghiên cứu ông đã làm khối lượng việc hơn vô số những nhà nghiên cứu “đóng hộp” chỉ biết lý thuyết suông và cắm cúi trong phòng thí nghiệm bởi kinh nghiệm thực địa dày dặn, khó ai bì kịp. Trên 200 công trình nghiên cứu của PGS. Lân Cường là bằng chứng của sức lao động đáng khâm phục. Ngành khảo cổ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ký hợp đồng với PGS. Lân Cường 5 năm, từ 2013 đến 2017, cứ tháng 10 hằng năm đi đường bộ sang thành phố Nam Ninh giúp họ chỉnh lý và phục chế những bộ xương cổ nhân đào được. Ông là người Việt Nam duy nhất được cử sang CHDC Đức học “Phục chế lại mặt theo xương sọ theo phương pháp Gerasimov” năm 1978-1980 và tiếp tục làm thực tập sinh về nhân chủng học tại Viện Hàm lâm Khoa học Liên Xô năm 1988-1990.

Tài hoa và đầy tâm huyết, TS. Nguyễn Lân Cường đã trực tiếp vẽ những bức tranh về những bộ xương, việc mà phần mềm vi tính không giải quyết được vì có chấm hàng nghìn nốt tinh vi. Mỗi bức mất ít nhất 4 tiếng cật lực. Ông đã xong bản thảo cuốn sách Bộ xương nói với bạn điều gì. Bằng kinh nghiệm của một khảo cổ gia lão luyện, PGS. Lân Cường tiết lộ: Bộ xương cổ nhân cho ta biết nhiều điều trong quá khứ. Trước hết, để có những kết luận khoa học chính xác thì phải biết được chủ nhân của nền văn hóa đang khảo cổ, tiếp xúc trực tiếp và đo đạc (trong phòng thí nghiệm), biết các bệnh về xương, nhìn khớp sọ biết tuổi, nhìn hàm biết các bệnh viêm lợi, răng miệng, cao răng, nhổ răng. Bộ xương nam được xác định bằng xương hàm dưới gồ ghề hơn, góc xương mu nhọn, nếu có bệnh ung thư thì sẽ thể hiện qua xương, nếu từng gãy tay chân phát hiện ngay,... Tuy kế thừa phương pháp bảo vệ sức khỏe của cha, anh em ông ai cũng đều bị bệnh ít nhiều do cao tuổi như GS. Nguyễn Lân Dũng bị bệnh tim, chuyên gia nông nghiệp Lân Hùng bị đái tháo đường và gout, anh cả - nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất sống ở Novosibirsk thì mất năm 2014 vì ung thư tuyến tiền liệt. Đi nhiều nơi, dầm mưa dãi nắng thường xuyên, việc tự kiểm soát ăn uống khi xa nhà rất khó nhưng PGS. Lân Cường vẫn duy trì được 4 thứ kỵ: không thuốc lá, không rượu chè, không cờ bạc và không “bồ bịch”. Năm 2014, PGS. Lân Cường phát hiện bệnh đái tháo đường nhẹ và phải dùng thuốc, chuyện kiêng khem với ông không khó khăn.

Bàn tay ông không chỉ cầm xương và hộp sọ mà còn cầm bút viết nên những bản hợp xướng (HX). Từ 50 năm trước, ông chỉ huy HX Tiếng ca trên bè gỗ cho Trường phổ thông 3A Lý Thường Kiệt (nay là trường PTTH Việt Đức), HX có dàn kèn đệm, trong đó Phú Quang chơi kèn Cor. Vậy mà từ đầu năm đến giờ ông đang lo cho đêm nhạc riêng đầu tiên của đời mình, chỉ khiêm tốn nhận mình là nhà khoa học chơi nhạc, live show Dòng nhật ký trên khóa Sol sẽ diễn ra tối 23/12/2015. Live show cuộc đời ông tới đây sẽ là chương trình đan xen những thước phim về nhà khoa học và 15 ca khúc - HX hay nhất của ông. Âm nhạc chính là liều thuốc bổ làm cho tâm hồn và con người ông trẻ lâu. Mỗi khi thấy anh em ông, đặc biệt là TS. Nguyễn Lân Cường trên tivi, báo in là tôi xem ngay bởi những kiến thức và thông tin bổ ích, quý giá mà ông đem đến. Tên và con người ông là một xác tín và không thể thờ ơ với ai trọng nhân tài, khác với sự ồn ào, danh ảo.

PGS. Nguyễn Lân Cường trên đường đi công tác Sơn La.

Nhà khoa học tận tụy ấy bao năm viết nhạc bằng tay từ cây đàn organ, đến năm 2013 khi Đèn đỏ đèn xanh được giải Nhất sáng tác ca khúc về An toàn giao thông của Ủy ban ATGT Quốc gia ông mới có cây đàn piano Đức mua bằng tiền giải thưởng và chép nhạc bằng máy tính. Rất nhiều năm ông đã dàn dựng và chỉ huy nhiều HX chuyên - không chuyên tại các hội diễn và bản thân ông đã nhận 15 giải thưởng cá nhân về âm nhạc. Hơn 4 năm qua ông cùng nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa và NSƯT Bích Việt dạy miễn phí thanh nhạc HX tại Hội Âm nhạc Hà Nội, 19 Hàng Buồm.

Sống trên phố mang tên nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, PGS. Lân Cường nuôi dưỡng tình yêu văn nghệ không để “cho vui” mà là đam mê. Ông chụp ảnh không khác gì tay máy chuyên nghiệp và chơi rất thân với danh ca Lệ Quyên và Ái Vân từ ngày họ còn trẻ là những ngôi sao nhạc nhẹ, họ cũng hứa sẽ thu xếp để về ủng hộ live show của ông. Ông trẻ trung còn vì yêu trẻ con, sau tuyển tập 60 ca khúc cho tuổi mẫu giáo (NXB Dân Trí, 2014) và đang sưu tầm biên tập những ca khúc thiếu nhi hay của thế kỷ XX. Bộ tổng tập Giai điệu tuổi thần tiên này gồm 3 tập (mỗi tập 5 cuốn) các bài hát nhạc sĩ viết cho thiếu nhi, chia tập theo theo lứa tuổi nhạc sĩ, từ Nguyễn Xuân Khoát đến nhạc sĩ thế hệ 6X. Đấy là những bài có sức sống qua nhiều thế hệ nhưng không phải ai cũng thuộc lời, nhớ tên tác giả. Ngổn ngang việc, ông vẫn hoàn tất cuốn sách cá nhân thứ ba, một công trình khoa học tầm vóc, Nhân học hình thể (250 trang in, khổ A4, NXB Tri thức) do chính ông đánh máy, tự trình bày và ý tưởng bìa. Đây là giáo trình quý cho Khoa Sinh của Đại học Tự nhiên và các trường đại học y.

Riêng tháng 6, ông đã có mấy chuyến công tác nghiên cứu về xác ướp nhà sư tại Quảng Ngãi và Thái Lan. Quan sát thực tế, chụp ảnh để đưa vào cuốn Bí mật sau nhục thân các vị thiền sư sẽ tái bản, ông có thêm tri thức quý về kỹ thuật ướp xác. Đã đi công tác đến 16 quốc gia thuộc châu Âu và châu Á, PGS. nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường vẫn hăm hở say mê những công trình nghiên cứu và sáng tác nhạc, bởi với ông khoa học và nghệ thuật không có tuổi - Đấy chính là đạo đức căn bản của một nhà khoa học, nghệ sĩ chân chính.

VI THUỲ LINH

 

 

 


Ý kiến của bạn