Đợt thử nghiệm lâm sàng này được tiến hành trên 2.660 người trưởng thành khỏe mạnh sống trong cùng một hộ gia đình với một cá nhân bị nhiễm COVID-19 đã được xác nhận và xuất hiện các triệu chứng bệnh.
"Nếu thành công, chúng tôi tin rằng liệu pháp này có thể giúp ngăn chặn sớm được virus trước khi nó có cơ hội nhân rộng, có khả năng ngăn ngừa xuất hiện triệu chứng bệnh ở những người đã tiếp xúc với virus và ức chế sự khởi phát nhiễm trùng ở những người khác" - Tiến sĩ Mikael Dolsten, Giám đốc khoa học của Pfizer cho biết.
Thử nghiệm giai đoạn 2/3 của thuốc là một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi (không rõ người tham gia nghiên cứu thuộc nhóm điều trị hay nhóm chứng bệnh) có đối chứng với giả dược.
Những người tham gia sẽ được chỉ định ngẫu nhiên để nhận thuốc uống, được gọi là PF-07321332, cùng với liều thấp của thuốc kháng HIV ritonavir, hoặc nhận giả dược đường uống. Những người tham gia sẽ dùng thuốc 2 lần/ ngày trong 5 hoặc 10 ngày.
Thuốc này gồm có chất ức chế protease, là một loại thuốc kháng virus ức chế sự nhân lên của một số tế bào. Kết hợp các hoạt chất ngừa COVID-19 mà Pfizer bào chế cùng với ritonavir được kỳ vọng sẽ giúp làm chậm quá trình phân hủy của loại thuốc uống PF-07321332 để nó duy trì hoạt động trong cơ thể lâu hơn.
Pfizer cho biết phương pháp điều trị này được thiết kế đặc biệt, theo đường uống để có thể được kê đơn khi bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng đầu tiên hoặc ngay từ đầu khi nhận thức được khả năng tiếp xúc với người có COVID-19.
Ở giai đoạn này, cuộc thử nghiệm lâm sàng được thực hiện nhằm mục đích đánh giá cả tính an toàn và hiệu quả của thuốc trong việc ngăn ngừa COVID-19 và các triệu chứng cho đến ngày 14. Trong giai đoạn đầu thử nghiệm, thuốc kháng coronavirus đường uống của Pfizer được ghi nhận là an toàn và được dung nạp tốt.
Hiện chưa có loại thuốc uống nào được chấp thuận để điều trị sau phơi nhiễm hoặc điều trị trước đối với COVID-19.
Phòng chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp