Peru: 1 tuần 3 Tổng thống, mong manh hy vọng ổn định chính trị

19-11-2020 09:41 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ông Francisco Sagasti vừa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Peru tại một phiên họp Quốc hội đặc biệt. Đây là nguyên thủ thứ 3 của Peru trong vòng hơn 1 tuần qua sau khi cựu Tổng thống Martin Vizcarra bị Quốc hội phế truất với cáo buộc tham nhũng và người kế tiếp là ông Manuel Merino cũng phải từ chức chỉ ít ngày sau khi lên nắm quyền, trước sức ép từ các cuộc biểu tình phản đối của người dân.

Vị tổng thống thứ 3 trong tuần

Ông Francisco Sagasti giành được đa số phiếu bầu tại Quốc hội với 97 phiếu ủng hộ và 26 phiếu chống, trở thành tổng thống thứ 3 của Peru trong tuần sau khi cựu Tổng thống Manuel Merino từ chức chỉ sau 6 ngày nắm quyền.

Tổng thống mới nhất của Peru - ông Francisco Sagasti.

Tổng thống mới nhất của Peru - ông Francisco Sagasti.

Ông Sagasti năm nay 76 tuổi, từng làm Giám đốc điều hành cấp cao của Ngân hàng Thế giới, được kỳ vọng sẽ dẫn dắt Peru vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị khi những người biểu tình xuống đường để phản đối sự thiếu minh bạch trong việc luận tội cựu Tổng thống Martin Vizcarra khiến ông này phải rời khỏi Phủ Tổng thống từ ngày 10/11. Theo Hiến pháp Peru, ông Sagasti sẽ giữ chức Tổng thống cho đến ngày 28/7/2021. Người kế nhiệm ông sẽ được quyết định thông qua cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 4 năm sau.

Phát biểu trước toàn thể đất nước, nhà lãnh đạo mới nhất của Peru Sagasti hứa hẹn sẽ giúp đất nước thoát khỏi những đắng cay và “hướng tới thời khắc hạnh phúc, hy vọng”. Nhà lập pháp trung dung này đã dành những giờ đầu tiên sau khi nhậm chức để tới bệnh viện thăm hỏi những người biểu tình bị thương và hứa sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để mang hy vọng trở lại cho đất nước Nam Mỹ này.

Tuy nhiên, ở Lima, nhiều người dân Peru cho biết lạc quan một cách thận trọng rằng vị chính khách lớn tuổi này có thể đưa đất nước của họ trở lại ổn định sau 1 tuần đầy biến động. Trong khi đó, thanh niên Peru vẫn bày tỏ sự giận dữ trước một chính phủ mà họ cho là tư lợi và tham nhũng bằng cách tuần hành ở thủ đô ngay sau buổi lễ tuyên thệ của ông Sagasti.

Nhiệm vụ được coi là khó khăn hàng đầu dành cho ông Sagasti là làm việc với Quốc hội Peru - cơ quan đơn viện gồm 130 thành viên, hầu hết là những người lần đầu làm nghị sĩ. Khoảng 68/130 nhà làm luật này hiện đang bị điều tra vì các hoạt động bao gồm gian lận và các hình thức tham nhũng khác. Một nhà lập pháp thậm chí còn bị cáo buộc tội danh giết người và phiên tòa xét xử dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng này. Một người khác bị buộc tội chạy đua tranh cử bằng tên giả để che đậy rắc rối pháp lý gặp phải trong quá khứ...

Những lỗ hổng lớn

Những căng thẳng chính trị của Peru bùng phát thành xung đột công khai hồi tuần trước khi Quốc hội viện dẫn một điều khoản hiến pháp cũ để phế truất Martín Vizcarra - vị tổng thống được nhiều người dân yêu mến chỉ vỏn vẹn 5 tháng trước các cuộc bầu cử mới với lý do “không đủ năng lực đạo đức”. Ông Vizcarra chiếm được sự ủng hộ của đa số người dân Peru, nhưng lại là “cái gai” đối với phần lớn giới lập pháp khi ông là người dẫn dắt những nỗ lực nhằm thanh sạch giới cầm quyền khét tiếng nhũng nhiễu tại nước này. Dưới thời ông Vizcarra, khoảng một nửa Quốc hội nằm trong diện bị điều tra các tội danh bao gồm hối lộ và rửa tiền.

Ngay lập tức, người dân Peru thể hiện cơn giận dữ bằng cách ùa xuống đường biểu tình và ông Merino từ chức sau chưa đầy 6 ngày tại nhiệm. Hậu quả, 2 người chết do bị bắn và 112 người khác bị thương do đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.

Alexandra Ames - một chuyên gia phân tích chính trị tại Lima cho hay sự hỗn loạn trong tuần qua tại Peru chỉ là hiện tượng của một vấn đề quy mô hơn. “Sự bấp bênh trong hệ thống bầu cử và các đảng phái chính trị đã đưa chúng ta tới chỗ khủng hoảng lâu dài về tính chính danh”, bà Ames nhận xét.

Để bình ổn đất nước, chắc chắn ông Sagasti phải nhanh chóng lấy lại được lòng tin của những người dân dành cho Quốc hội - điều vốn chẳng dễ dàng gì trong hoàn cảnh chính trị hiện nay tại Peru.


H.A (Theo AP, Washington Post)
Ý kiến của bạn