1. Bệnh thấp tim có thể gây tử vong
Bệnh thấp tim là một bệnh lý xuất hiện sau khi bị nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A mà không được điều trị đầy đủ, đúng cách. Có khoảng hơn 39 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh thấp tim, một tình trạng trong đó các van tim bị tổn thương vĩnh viễn.
Hầu hết các trường hợp thấp tim là ở những người sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi bệnh thấp tim thường được chẩn đoán sau khi bệnh van tim nặng hoặc các biến chứng tim mạch khác đã phát triển, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn và tuổi thọ thấp hơn.
Bệnh thấp tim có thể gây ra những biến chứng nặng nề ở tim, khớp, não và da. Thấp tim có thể gây viêm tim, tổn thương van tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.
Bệnh thấp tim có thể gây ra những biến chứng nặng nề ở tim, khớp, não và da.
2. Penicillin tiêm điều trị thấp tim có thể gây nhiều bất lợi hơn
Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, một số người có phản ứng dị ứng với penicilin tiêm, một phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh thấp tim.
Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh thấp tim được khuyến nghị là tiêm bắp benzathine penicillin G cứ ba đến bốn tuần một lần trong một thời gian dài (10 năm, đến 40 tuổi hoặc suốt đời). Việc điều trị bằng tiêm bắp benzathine penicillin G đối với bệnh thấp tim đã bị hạn chế một phần do lo ngại về phản ứng dị ứng nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ, mặc dù nguy cơ sốc phản vệ sau khi tiêm benzathine penicillin G là thấp.
Tuy nhiên, gần đây, các ca tử vong trong vòng vài phút và vài giờ sau khi tiêm benzathine penicillin G được nghi là do sốc phản vệ đã được báo cáo có liên quan đến các phản ứng tim mạch. Do đó, cần thiết phải có các chiến lược khác nhau để ngăn ngừa hoặc ngừng các phản ứng này.
Các dấu hiệu của phản ứng tim mạch thường xảy ra ngay sau khi tiêm bắp benzathine penicillin G: Huyết áp thấp, nhịp tim chậm và ngất xỉu… tất cả đều có thể dẫn đến lưu lượng máu đến tim thấp, nhịp tim không đều và đột tử do tim. Mặt khác, các dấu hiệu của sốc phản vệ sau khi tiêm benzathine penicillin G thường hơi chậm, sau khoảng một giờ, bao gồm ho, suy hô hấp, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp không đáp ứng với sự thay đổi tư thế, ngất xỉu, ngứa và đỏ ở chỗ tiêm.
Nguy cơ phản ứng tim mạch với benzathine penicillin G cao nhất ở những người bị hẹp van hai lá nặng, hẹp eo động mạch chủ, suy động mạch chủ hoặc giảm chức năng tâm thu thất trái (phân suất tống máu <50%) và những người có các triệu chứng đang hoạt động của bệnh thấp tim.
3. Làm gì để giảm nguy cơ sốc phản vệ với tiêm penicillin?
Các chuyên gia khuyên, những người có nguy cơ phản ứng tim mạch thấp và không có tiền sử bị dị ứng với penicillin hoặc phản vệ nên được kê đơn tiêm benzathine penicillin G để điều trị và phòng ngừa bệnh thấp tim. Tiêm benzathine penicillin G đã được chứng minh là phương pháp điều trị tốt nhất để ngăn ngừa sốt thấp khớp tái phát. Đối với những người có nguy cơ tim mạch cao như bệnh van tim nặng hoặc suy tim, có thể dùng penicillin bằng đường uống.
Có thể dùng penicillin dạng uống cho người nguy cơ cao mắc thấp tim.
Đối với tất cả bệnh nhân đang điều trị tiêm benzathine penicillin G, cần khuyến cáo:
- Giảm đau khi tiêm và sự lo lắng của bệnh nhân, cả hai đều là những yếu tố nguy cơ gây ngất do tiêm. Các phương pháp giảm đau bao gồm ấn mạnh vào chỗ tiêm trong 10 giây, chườm đá hoặc sử dụng thuốc giảm đau (như acetaminophen, ibuprofen hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác).
- Bệnh nhân cần được uống đủ nước trước khi tiêm. Uống ít nhất 500 ml nước trước khi tiêm để ngăn ngừa ngất xỉu do phản xạ.
- Ăn một lượng nhỏ thức ăn rắn trong vòng một giờ trước khi tiêm.
- Tiêm thuốc khi đang nằm, có thể làm giảm nguy cơ tụ máu ở tứ chi.
- Cần hướng dẫn cách nhận biết và điều trị nhanh các triệu chứng như huyết áp thấp, nhịp tim thấp hoặc ngất xỉu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chủ quan trước những triệu chứng hậu COVID-19, người bệnh tái nhập viện cận Tết.