Chemical peel có lịch sử từ rất lâu đời. Thời Ai Cập cổ đại phụ nữ đã biết dùng sữa chua đắp lên da để làm đẹp da. Phụ nữ quý tộc thì tắm bằng sữa Dê. Bản chất vấn đề là trong sữa có Axit Lactic - một AHA có tác dụng peel nhẹ.
Nhưng phải đến giữa thế kỷ 20 thì peel da mới được nghiên cứu một cách khoa học và đầy đủ. Cho đến nay, Bộ Y tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chấp nhận peel da là một kỹ thuật y khoa trong chuyên ngành da liễu.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA ) chấp nhận Peel da là một phương pháp an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên với các sản phẩm không rõ nguồn gốc và có nồng độ Axit mạnh thì cần được FDA xác thực để bảo đảm tính an toàn.
Thống kê ở Mỹ cho thấy Peel da là một trong 4 phương pháp làm đẹp không xâm lấn phổ biến nhất hiện nay theo thứ tự: Botox, Filler, Laser và Peel. Năm 2022 thị trường Mỹ chi gần 2 tỷ đô la cho các sản phẩm Peel.
Tại sao cần peel da?
Để trả lời cần hiểu về cấu trúc giải phẫu và sinh lý của da
Da gồm có 3 lớp chính: thượng bì, trung bì và hạ bì.
Thượng bì là lớp ngoài cùng. Giữa thượng bì và trung bì có một vùng gọi là màng đáy, chứa các tế bào gốc của da - Keratynocytes và các tế bào khác như tế bào sắc tố Melanocytes, các sợi collagen, fibrin...
Các tế bào này sẽ phát triển, tăng sinh, biệt hóa thành các tế bào sừng trưởng thành và phát triển ra phía ngoài. Trong quá trình tiến ra phía ngoài, tế bào bắt đầu già đi, thoái hóa và khi ra đến bề mặt da thì chỉ còn là một lớp sừng - Keratin. Lớp sừng này giống như áo giáp có chức năng che phủ bảo vệ cơ thể khỏi tác động của môi trường. Lớp sừng này sẽ chết, bong dần và các tế bào phía dưới tiếp tục phát triển lên. Đó là lý do khi chúng ta tắm, kỳ cọ thấy ghét bong ra nhiều cho dù có sống trong điều kiện rất sạch sẽ.
Thời gian để thay toàn bộ một lớp thượng bì (skin turnover time) ở người trung bình khoảng 40-56 ngày. Người càng trẻ thì thời gian thay da càng ngắn hơn. Theo nghiên cứu, trước 20 tuổi thời gian sẽ là 14-21 ngày, 20-30 tuổi là 21-28 ngày, 40 tuổi là 45-60 ngày và trên 50 tuổi là 60-90 ngày.
Do đó da của người trẻ sẽ đẹp hơn da người già.
Các yếu tố nội sinh như các bệnh lý nội khoa, các yếu tố ngoại sinh: tia cực tím, không khí ô nhiễm làm cho các tế bào sừng thoái hóa nhanh hơn, lớp da chết cũng dày hơn.
Ở một số động vật bò sát, giáp xác như rắn, cua, tôm...lớp sừng này rất chắc và không bong được nên phải trải qua qua quá trình tự lột để trút bỏ lớp sừng bên ngoài. Sau mỗi lần lột như vậy, cơ thể lại phát triển và trẻ, giá trị hơn thời điểm trước lột.
Lớp sừng ở phía ngoài có tác dụng bảo vệ cơ thể, tuy nhiên khi quá trình bong chậm lại sẽ trở nên dày, thô ráp, nhăn nheo, nhiều sắc tố sẫm màu và điều quan trọng nhất nó ngăn cản, kìm hãm không cho các tế bào gốc phía dưới, sinh trưởng và phát triển.
Việc loại bỏ thường xuyên đều đặn lớp sừng chết này là biện pháp giúp cho da tái tạo tốt hơn.
Để có được một làn da trẻ trung, khỏe mạnh bạn cần phải làm gì?
- Sử dụng các biện pháp ngăn ngừa tác động của môi trường tới da như che chắn bảo vệ ánh nắng mặt trời, khói bụi ô nhiễm...
- Sử dụng các thuốc, vitamin...bằng đường uống, tiêm để kích thích quá trình tăng trưởng của các tế bào da. Tuy nhiên hiện nay chưa có thần dược nào có thể cải lão hoàn đồng. Các vitamin có trong rau quả tươi có tác dụng tốt trong việc chống các chất oxy hóa và gốc tự do, tốt cho da.
- Các liệu pháp tại chỗ: skin care, thuốc bôi, các phương pháp vật lý như laser, IPL, radio frequency, siêu âm, dòng điện một chiều galvanic...mỗi liệu pháp đều có tác dụng nhất định trong việc kích thích và tái tạo lại một làn da mới.
Peel da là một phương pháp rất hiệu quả trong tái tạo và trẻ hóa da bởi các lý do:
+ Peel lấy bỏ đi lớp sừng chết trên bề mặt da, tạo điều kiện cho lớp tế bào đáy phía dưới phát triển lên thành một lớp thượng bì mới, trẻ trung và mịn màng
+ Các axit ngấm sâu xuống dưới trung bì, gây phản ứng viêm, kích thích tái tạo Collagen và Elastin. Da sau peel sẽ dần dần căng và săn chắc hơn. Lỗ chân lông thu hẹp lại.
Peel da có làm mỏng da và gây ung thư da?
Đây là một câu hỏi mà mọi người thường suy luận rằng sau khi peel, da sẽ mỏng và tia cực tím dễ gây ra ung thư da. Tuy vậy một nghiên cứu tổng quan của 42 nghiên cứu về peel da cho thấy thực tế khác hẳn. Các nghiên cứu này đều chứng minh peel da giúp giảm nguy cơ gây ung thư da. Lý giải điều này: do các tế bào tiền ung thư thường bắt đầu hình thành từ bề mặt nông của da (tiếp xúc nhiều với tia UV) sau đó mới xâm lấn xuống các lớp sâu hơn. Peel giúp loại bỏ sớm các tế bào tiền ung thư từ lúc mới hình thành.
Peel có làm mỏng da?
Thực tế các nghiên cứu về Giải phẫu bệnh cho thấy, sau peel các tế bào đáy phát triển rất nhanh tạo ra lớp thượng bì mới dầy hơn trước.
Như vậy suy luận peel da gây mỏng và ung thư da là không có cơ sở khoa học.
Peel như thế nào thì đúng?
Như trên đã nói peel tuy an toàn nhưng phải đúng chỉ định bệnh lý cũng như mức độ nông sâu và phải được các thầy thuốc có kinh nghiệm tiến hành. Nếu sai chỉ định thì sẽ gây các biến chứng.
Peel da có 3 mức độ: nông, trung bình và sâu. Tùy từng bệnh lý da mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định.
Một điều cực kỳ quan trọng trong peel đó là típ da liên quan chặt chẽ với kết quả peel.
Người châu Âu thường là da típ 1 và 2. Với típ da này rất hiếm có tình trạng tăng sắc tố sau peel. Do vậy peel là một chỉ định tuyệt vời cho người da trắng.
Người châu Á thường là típ da 3 và 4 thậm chí là 5. Với những típ da này, sau khi peel, kể cả được chống nắng tốt vẫn gây tăng sắc tố sau viêm - tăng sinh melanin gây nám da. Vì vậy tăng sắc tố sau peel là trở ngại lớn nhất và hạn chế kỹ thuật peel phát triển ở châu Á.
Để khắc phục điều này, một số Spa sau peel cho bệnh nhân bôi kem có trộn Corticoid để ức chế quá trình sinh ra hắc tố, hậu quả đưa đến teo da, giãn mạch, dị ứng.... vì vậy peel bị 'mang tiếng' là làm hỏng da.
Để hạn chế đen da sau peel có nhiều cách: chống nắng, sử dụng các thuốc ức chế tạo sắc tố trước khi peel như hydroquinone, Azelaic acid, peel nhẹ với nồng độ axit loãng...