Xứ Đông Dương là một cuốn sách đặc biệt bởi tác giả là một người Pháp và là nhà Toàn quyền ở Đông Dương có tên Paul Doumer (1897-1902) và sau này ông trở thành tổng thống Pháp (từ năm 1931 cho đến khi bị ám sát vào ngày 7-5-1932).
Cuốn sách được dịch ra Tiếng Việt và ấn hành từ tháng 12/2015 nhưng do tồn tại nhiều lỗi dịch nên được thu hồi và hiệu đính bởi PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, tái bản vào tháng 4/2016. Chiều tối 6/4, buổi tọa đàm về cuốn sách vừa được chỉnh sửa có sự góp mặt của 3 diễn giả: PGS.TS Dương Quảng Hàm (Nguyên Viện trưởng Học viện Ngoại giao); nhà văn Nguyễn Trương Quý và ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Trung tâm hợp tác trí tuệ Việt Nam VICC
Buổi toạ đàm có sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín
Xứ Đông Dương là những hồi ức sống động của một người từng cai quản cả Đông Dương. Đây là một trong những cuốn sách đẹp nhất, giá trị nhất về xứ Đông Dương cuối TK XIX, đầu TK XX. Đặc biệt những minh họa rất đẹp trong sách cho thấy hình ảnh của nhiều địa điểm lịch sử trên khắp đất nước Việt Nam và bán đảo Đông Dương vào thời điểm đó.
Ông Nguyễn Cảnh Bình trong buổi tọa đàm chia sẻ sự ngạc nhiên và băn khoăn của mình về việc ngài Paul Doumer khi sang làm Toàn quyền, ông chỉ mới 39 tuổi. Và khi đặt chân tới An Nam (Pháp gọi Việt Nam lúc bấy giờ), ông kiên quyết chỉ 1 thầy - 1 trò đi dọc đất nước An Nam bằng ngựa, qua cả đèo Hải Vân hiểm trở với mục đích hiểu rõ địa hình, con người nhằm kiến thiết cải tạo nơi đây phục vụ mục đích khai thác thuộc địa. Ông cho rằng khó có vị Toàn quyền nào làm được như thế, dám liều như thế.
Còn nhà văn Nguyễn Trương Quý, sau khi đọc hồi ký, anh chỉ ra việc Paul Doumer đã rất tiếc nuối trước việc thực dân Pháp phá hủy thành Hà Nội chứng tỏ ông là một con người coi trọng văn hóa và coi trọng di sản. Không chỉ thế, trong hồi ký của mình, ông cho rằng nên quan tâm tới đặc tính tự do của người dân bản địa. Nhà văn cũng rất vui vẻ chỉ ra việc ngài Toàn quyền quan tâm tới kịch Việt Nam.
Cuốn hối ký Xứ Đông Dương
Nhận xét về cuốn sách PGS, TS Dương Văn Quảng viết: “Cuốn sách được viết dưới con mắt của một Toàn quyền nhằm tự khẳng định rằng mình đã “hoàn thành trọng trách lớn lao…[ở] Đông Dương tốt hơn bất kỳ ai khác” “với niềm tự hào phụng sự nước Pháp”. Hơn thế nữa con người này có một quyết tâm sắt đá là phải thành công trong việc biến xứ sở này thành tiền đồ của Pháp tại Viễn Đông.”
Tuy nhiên, có một điều gần như được đồng thuận nhất trí trong những những ý kiến đối lập khác nhau, đó là việc mọi người đều coi Paul Doumer là một gương mặt lịch sử có tầm vóc lớn, một hiện tượng lịch sử để lại nhiều dấu ấn sâu đậm đối với Việt Nam cũng như nước Pháp thời cận đại. Những chuyển biến về kinh tế-xã hội và phát triển đô thị ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cần được coi như những tiến hóa mang tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc, trong đó có vai trò và sự đóng góp lớn của Paul Doumer.
“Cuốn hồi ký này có ích rất nhiều cho những nhà sử học, dân tộc học, Việt Nam học, nghiên cứu văn học…nhất là những ai quan tâm tới giai đoạn người Pháp bắt đầu xây dựng Đông Dương để khai thác thuộc địa.” – trích lời Nhà văn – dịch giả Nguyễn Xuân Khánh.