Pascal trong tư duy Pháp và tư tưởng hiện đại châu Âu

04-07-2009 08:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tuổi 20, tôi học trường Bưởi ban Tú tài, thầy dạy Triết là Foulon rất ca ngợi Pascal và cho chúng tôi học thuộc lòng một số đoạn văn của triết gia công giáo Pháp thế kỷ 17 này.

Tuổi 20, tôi học trường Bưởi ban Tú tài, thầy dạy Triết là Foulon rất ca ngợi Pascal và cho chúng tôi học thuộc lòng một số đoạn văn của triết gia công giáo Pháp thế kỷ 17 này. Mấy chục năm sau, đi chữa bệnh ở Berlin (CHDC Đức), tình cờ trong giá sách của phòng nằm, tôi gặp lại cuốn Những điều suy nghĩ tiếng Pháp của Pascal. Rỗi rãi, có thì giờ đọc toàn tập và suy ngẫm, hiểu biết thêm ít nhiều về Pascal. Ít nhiều thôi, vì đến như triết gia lỗi lạc Bergson, giải thưởng Nobel văn học năm 1928, còn phải nói là "Những máy đo lường của chúng ta quá ngắn để ước lượng được chiều sâu tư duy của Pascal", "Cùng Descartes, Pascal  đã đề ra một trong hai hình thức tư duy mà trí thức hiện đại luôn chia sẻ".

Nhà triết học Pascal. 

Hai cực tư tưởng của Pháp và có thể của con người nói chung là Descartes và Pascal. Descartes tìm một "phương pháp luận" lý tính. Đối trọng là Pascal, triết gia tôn giáo thần bí, dựa vào tâm linh mà cảm thông với cái siêu nhiên.

Bergson đánh giá hình thức tư duy của Pascal sâu đậm hơn, gần với đầu óc hiện đại hơn. Giữa hoàn cảnh đảo điên ở mọi lĩnh vực, kỹ trị, sự đối lập: khoa học, đạo đức, cuộc khủng hoảng của văn minh, phương Tây đánh giá cao Pascal: Không những văn chương lôi cuốn mà tư duy sắc bén, băn khoăn siêu hình về số phận con người trước vũ trụ và cái chết. Ông được coi là tổ sư của chủ nghĩa hiện sinh, trước cả triết gia Đan Mạch Kierkegaard (đầu thế kỷ 19).

Pascal (1623-1662) sinh ra trong một gia đình chức sắc khá giả. Tuổi trẻ đã nổi tiếng là một thần đồng khoa học, 12 tuổi đã tự tìm ra 32 tiền đề toán học của Euclide, 16 tuổi đã đưa ra định lý  mới về hình chóp, 18 tuổi đã chế tạo ra chiếc máy tính đầu tiên. Về sau, ông có những phát hiện vật lý về áp suất không khí và chân không. Ông cũng giao lưu ở các phòng khách thượng lưu nên hiểu rõ tâm lý xã hội. Đột nhiên, năm 31 tuổi, thoát chết trong một tai nạn xe cộ, ông ở ẩn, phục vụ Chúa bằng ngòi bút. Ông theo phái Jansen (Port Royal) chống lại dòng Tên quá ư chính thống và quá gắn với lý tính và trần tục. Ông dùng trước tác của mình để thuyết phục người không theo đạo thấy cái cao cả của đạo Cơ Đốc.

Tập Những điều suy nghĩ (Pensées) là một tác phẩm triết học và văn chương bậc thầy. Bên cạnh những vấn đề thần học, trước tác này nêu một cách sinh động các vấn đề về phận người (người từ đâu ra, đi đến đâu, con người đối với vũ trụ, tại sao có thiện, ác, cái chết, có hồn không? có thượng đế không? rồi ý nghĩa cuộc đời...), những vấn đề mà con người ở thời nào, nơi nào cũng phải đặt ra khi tách khỏi miếng cơm, manh áo, lợi danh và chính trị...

Một số luận điểm của Pascal nổi tiếng. Luận điểm Hai vô cực  (Les deux infinis): “con người không thể hiểu được chân lý bằng lý tính và khoa học. Con người bồng bềnh giữa 2 vô cực: so với mặt trời, vũ trụ, con người chỉ là hạt bụi, óc tưởng tượng không quan niệm nổi cái vô cực lớn đến thế nào, cũng như đối với cái cực nhỏ như nguyên tử? Không ai có khả năng nhìn thấy cái vô cực là nơi mình sẽ chìm vào".

Luận điểm Hai vô cực phù hợp với khuynh hướng khoa học hiện đại (biết giới hạn, khoa học nguyên tử và vật lý tinh cầu). Nó cũng khiến ta nhớ đến tương đối luận của Trang Tử. Luận điểm Cây sậy biết suy nghĩ (Le roseau pensant): con người yếu ớt như cây sậy, một tác động nhỏ của vũ trụ cũng đủ làm nó chết. Nhưng nó cao cả hơn cái giết nó, vì nó biết là nó chết và nó có ý thức về cái mà vũ trụ hơn nó, còn vũ trụ thì không biết tí gì về những điều ấy. Luận điểm này được sử dụng dưới hình thức ẩn dụ bởi nhiều nhà văn hiện đại (nhất là khuynh hướng hiện sinh) khi viết về con người chống lại số phận. Luận điểm Sự đánh cuộc: Lý tính không thể chứng minh là có Thượng đế. Trong khi lưỡng lự, nên đánh cuộc là có. Vì nếu thua cuộc thì chỉ mất một cuộc đời trần thế ngắn và khổ, được thì được cả Thiên đường vĩnh cửu. Khái niệm đánh cuộc có thể áp dụng cho cuộc sống hàng ngày của ta. Trước khi quyết định việc lớn hay việc nhỏ (lấy vợ, ăn gì, mặc gì, đi nơi này nơi khác) ta đều phải đánh cuộc (vì chưa biết điều gì sẽ xảy ra).

Luận điểm Giải trí (divertissement): con người luôn phải giải trí (theo nghĩa  triết học) để giải thoát trí óc khỏi  mối bận tâm về phận người (cái chết, tang tóc, sự vô lý của cuộc đời)...

Xin kể thêm vài luận điểm của Pascal: Phân biệt hai loại người đầu óc khác nhau (đầu óc hình học: esprrit de géométrie, nặng về lý tính và óc tế nhị: esprrit de finesse, nặng về trực giác, tình cảm. Luận điểm về  ân Chúa (Grace), nếu không nhờ ân Chúa thì không lên Thiên đường được, không nhất thiết cầu nguyện, làm công đức thì "ở hiền gặp lành", rồi luận điểm về Cái vô lý của cuộc đời (mà phương Tây nhấn mạnh vào thế kỷ 20).     

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn