Parkson Keangnam Landmark đơn phương đóng cửa: Hộ kinh doanh hoang mang!

09-01-2015 07:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Những ngày qua, việc Trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Keangnam Landmark đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê điểm bán hàng và yêu cầu các chủ kinh doanh ở TTTM này phải di dời đã khiến dư luận xôn xao.

Những ngày qua, việc Trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Keangnam Landmark đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê điểm bán hàng và yêu cầu các chủ kinh doanh ở TTTM này phải di dời đã khiến dư luận xôn xao.

Ảnh hưởng quyền lợi người thuê lại?

Việc Parkson Keangnam Landmark đơn phương đóng cửa đã gây ảnh hưởng đến việc buôn bán - đó là ý kiến của nhiều hộ đang thuê mặt bằng kinh doanh tại địa điểm này. Chị Nguyễn Thị Diễm Châu - chủ cửa hàng BBQ Chicken tại hầm B1 của TTTM này than phiền: “Giữa tháng 7/2013, chúng tôi đã ký hợp đồng để thuê mặt bằng với Công ty CP Thực phẩm gia đình (FFJS) là đơn vị điều hành trung tâm ăn uống tại tầng B1 của tòa nhà. Tại điều 8 của hợp đồng có quy định rõ các trường hợp kết thúc hợp đồng trước thời hạn: Khi bên thuê vi phạm các điều khoản về thanh toán, sử dụng diện tích thuê sai mục đích và không đúng cam kết. Bên cạnh đó, điều 9 của hợp đồng cũng nêu rất cụ thể: Bất kỳ thông báo nào cần được gửi cho một bên trong hợp đồng sẽ được lập thành văn bản… gửi trực tiếp bằng thư tay hoặc thư bảo đảm cho bên kia. Mặc dù quy định như vậy, chúng tôi cũng không vi phạm bất cứ điểm nào trong số các quy định trên và thời hạn thuê mặt bằng kinh doanh kéo dài tới hết năm 2015 nhưng vẫn bị đuổi ra ngoài mà không rõ lý do. Việc di dời cửa hàng cũng chỉ được truyền đạt bằng miệng, không có văn bản gửi từng cửa hàng. Điều đó cho thấy quyền lợi khách hàng đang bị xâm phạm.

Hợp đồng không rõ ràng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tiểu thương.

Những hộ kinh doanh đồ lưu niệm, văn phòng phẩm cũng có ý kiến tương tự. Anh Nguyễn Đức Quân - chủ gian hàng bút cao cấp Luc Parker cho biết, anh rất bất ngờ khi trưa 2/1 nhận được quyết định dừng bán hàng vì lý do Parkson Keangnam Landmark và các hộ kinh doanh tại đây đang thua lỗ. “Thế nhưng doanh số của tôi hiện luôn đứng thứ hai trong chuỗi các TTTM. Quan trọng hơn, cách đây hơn 2 tháng, tôi vừa ký hợp đồng thuê địa điểm dài hạn 3 năm. Việc Parkson đột ngột đóng cửa không thông báo trước gây thiệt hại cho đơn vị tôi khi khách hàng tìm cửa hàng khác để mua sản phẩm”, anh Quân than phiền.

Liên tục kêu lỗ

Được biết, TTTM này do Công ty TNHH Parkson Hà Nội thuê diện tích mặt bằng tòa nhà Keangnam Landmark Tower, sau đó cho các đối tác của mình thuê lại mặt bằng. Do vậy, việc yêu cầu đóng cửa hay tiếp tục hoạt động các quầy hàng là quyền thuộc về phía Công ty TNHH Parkson Hà Nội. Trong thông báo đóng cửa mà TTTM này gửi đến các khách hàng, ông Tung Chee Sung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Parkson Hà Nội lý giải: “Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa khi nào đạt doanh thu như kế hoạch đề ra. Và chúng tôi nhận thấy các quầy hàng của quý đối tác cũng đang phải chịu những khoản lỗ lớn. Vì vậy, toàn bộ Trung tâm sẽ ngừng hoạt động vào ngày 2/1, các đối tác có quầy hàng trong TTTM phải dọn trong hai ngày 3 và 4/1”. Tuy nhiên, ngày 5/1, một thông báo lại được đưa ra với nội dung Parkson Keangnam Landmark sẽ đóng cửa đến hết ngày 7/1 để kiểm kê, sắp xếp hàng hóa. Thông báo này khiến nhiều chủ quầy hàng trong TTTM đã dọn đồ ra ngoài hoang mang không biết có thực sự được kinh doanh trở lại vào ngày như thông báo hay không.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội ngày 6/1: Đại diện Công ty TNHH Parkson Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở để giải trình. Trong đó, Parkson Hà Nội nêu rõ, việc phải đóng cửa TTTM này là bởi Parkson Hà Nội đang có mâu thuẫn với chủ đầu tư tòa nhà Keangnam trong quá trình điều đình giá thuê mặt bằng. Theo đó, Parkson Hà Nội kiến nghị Keangnam giảm giá nhưng chưa được Keangnam chấp nhận. Bên cạnh đó, do kinh doanh thua lỗ, một số hộ kinh doanh tại TTTM chưa thanh toán tiền thuê mặt bằng nên Công ty đang nợ Keangnam tiền thuê địa điểm kinh doanh. Điều này khiến Keangnam “có ý kiến” sẽ niêm phong hàng hóa đang bày bán tại TTTM Parkson Keangnam Landmark, khi nào Parkson Hà Nội trả nợ mới gỡ niêm phong. Tuy nhiên, phần lớn số hàng này không thuộc quyền quản lý của Parkson Hà Nội. Để đảm bảo quyền lợi cho các hộ kinh doanh tại đây, Parkson Hà Nội đã ra quyết định đóng cửa TTTM và yêu cầu các hộ kinh doanh di chuyển hàng hóa khỏi TTTM này. Trước thắc mắc việc Parkson Hà Nội ra thông báo chỉ đóng cửa TTTM đến hết ngày 7/1, đại diện Parkson Hà Nội cho biết: Ngày 7/1, lãnh đạo Parkson tại Malaysia và Keangnam Hàn Quốc sẽ có buổi thương thuyết về giá thuê mặt bằng kinh doanh và hy vọng trong buổi làm việc này, Keangnam sẽ giảm giá thuê, nhờ đó, TTTM Parkson Keangnam Landmark sẽ mở cửa hoạt động trở lại.

Việc TTTM Parkson Keangnam Landmark đột ngột đóng cửa hàng buôn bán không phải là trường hợp đầu tiên. Vào năm 2013, TTTM Grand Plaza (quận Cầu Giấy) cũng diễn ra tình trạng tương tự. Để đảm bảo quyền lợi người thuê lại điểm kinh doanh, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cơ quan quản lý Nhà nước nên siết việc thành lập TTTM. Bên cạnh đó, các tiểu thương cần yêu cầu DN cho thuê địa điểm phải làm hợp đồng rõ ràng, đặc biệt là các quy định khi đóng cửa điểm bán hàng, người thuê sẽ được hưởng những quyền lợi như thế nào.

Lưu Định

 

 


Ý kiến của bạn