Parkinson là một bệnh thần kinh mạn tính thường kết hợp với rối loạn tâm thần, gặp chủ yếu ở người cao tuổi (NCT). Theo thống kê thì độ tuổi khởi bệnh Parkinson trung bình vào khoảng trên 60 tuổi, với tỷ lệ mắc là 90 - 100/100.000 dân và tỷ lệ mới mắc là 20/100.000 dân/năm, hiếm gặp các trường hợp khởi bệnh trước 40 tuổi... Khoảng 45% bệnh nhân Parkinson bị trầm cảm và 30 - 60% bị sa sút tinh thần. Phòng và điều trị bệnh vẫn còn gặp khó khăn, bên cạnh đó, bệnh Parkinson có thể dẫn đến một số biến chứng.
Parkinson là bệnh gặp chủ yếu ở người cao tuổi. |
Nguyên nhân gây bệnh Parkinson chưa được xác định, một số tác giả cho rằng bệnh Parkinson do các tế bào não kiểm soát vận động cơ bắp bị thoái hóa dần. Những tế bào này sản sinh chất dopamin. Dopamin là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng nên những sự thay đổi của nó sẽ dẫn đến nhiều thay đổi khác nhau của sức khỏe con người. Đây là chất có vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu giữa các tế bào. Khi tế bào não chi phối vận động cơ bị thoái hóa thì lượng dopamin sinh ra sẽ giảm dần trong cơ thể người bệnh, dẫn đến các triệu chứng Parkinson. Nguyên nhân của hiện tượng thoái hóa tế bào thần kinh trung ương (tế bào não) vẫn chưa được khẳng định. Một nghiên cứu gần đây phát hiện ra có một gen đột biến ở trong nhóm người mắc bệnh Parkinson. Mặc dù gen đột biến này không phải là nguyên nhân của tất cả những trường hợp bệnh nhưng phát hiện này đã mở ra cơ hội cho các nhà khoa học thực hiện thêm các nghiên cứu trên động vật để tiếp cận sâu hơn nữa đối với bệnh Parkinson. Tuy nhiên, có một số giả thuyết cho rằng nguyên nhân gây bệnh Parkinson không chỉ duy nhất một tác nhân mà có sự kết hợp của hai tác nhân mang tính chất di truyền và những tác động xấu gây ra bởi môi trường xung quanh (môi trường ô nhiễm chất độc hại, tiếp xúc thường xuyên với một số hóa chất độc hại...). Hiện nay, có một giả thuyết đưa ra về sự ôxy hóa. Người ta cho rằng các gốc hóa học tự do là nguyên nhân của bệnh Parkinson, tất nhiên, để đi đến kết luận cần có thời gian. Một số nhà chuyên môn khuyến cáo cần phân biệt với tác dụng phụ của một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc sử dụng để điều trị một bệnh thần kinh nào đó cũng có thể dẫn đến xuất hiện các triệu chứng của bệnh Parkinson.
Hình ảnh não người bình thường và của người bệnh Parkinson. |
Biểu hiện chính của bệnh
3 triệu chứng điển hình xuất hiện ở bệnh nhân Parkinson là run (lắc, vẫy) khi nghỉ ngơi, cứng khớp và chậm chạp khi bắt đầu một cử động nào đó. Run thường được bắt đầu ở một tay, run khi nghỉ ngơi, tăng lên khi có tác động tinh thần (stress) nhưng khi ngủ có thể hết run, sau một thời gian dài (vài tháng, vài năm) bắt đầu run giật cả 2 tay nhưng không đối xứng. Song song với các triệu chứng chính của bệnh thì sự mệt mỏi, ăn kém, rối loạn giấc ngủ, hay ngủ ban ngày luôn thường trực. Cứng khớp có thể thấy rõ ràng hơn khi có những cử động cố ý của chi đối bên. Chậm chạp không chỉ thể hiện khi vận động, di chuyển mà còn thể hiện cả khi nói, thể hiện cả ở nét mặt hoặc động tác giảm chớp mắt, hạn chế nhìn lên và tiếng nói nhỏ hơn bình thường. Ngoài 3 triệu chứng này thì ở người bệnh Parkinson còn có thể mất dần phản xạ thăng bằng (đứng không vững). Đây cũng là một triệu chứng của bệnh vì thường xuất hiện muộn và khó chữa trị. Bên cạnh đó có thể xuất hiện các triệu chứng thay đổi về tâm thần, trầm cảm, giảm trí nhớ, lú lẫn, hạ huyết áp, rối loạn tình dục, ra nhiều mồ hôi. Hậu quả của bệnh Parkinson là đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt. Chẩn đoán bệnh Parkinson thấy xuất hiện 2 trong 3 triệu chứng chính (run rẩy, cứng khớp, chậm chạp). Tư thế không vững là triệu chứng thứ tư, tuy nhiên, nó chỉ xuất hiện muộn. Vì vậy, người ta còn gọi bệnh Parkinson là một bệnh rối loạn thoái hóa của hệ thần kinh trung ương làm suy yếu khả năng vận động, lời nói và các chức năng khác. Biến chứng thường gặp của bệnh Parkinson là những rối loạn về khả năng đi đứng của người bệnh ngày càng gia tăng, một số trường hợp gặp phải chứng loãng xương do mất calci, bí tiểu tiện, táo bón, nuốt khó gây nghẹn khi ăn, khi uống, khi nuốt nước bọt hoặc bị sặc.
Chăm sóc người bệnh Parkinson
Khi một người được bác sĩ chuyên khoa thần kinh khám bệnh và xác định là mắc bệnh Parkinson thì người thân (gia đình, bè bạn, cơ quan) nên động viên khích lệ người bệnh. Bởi vì trong thời kỳ đầu của bệnh, người bệnh thường rất mệt mỏi, chán chường, lo lắng hoặc có thể bị trầm uất, cho nên sự động viên về mặt tình cảm của người thân và tổ chức tập thể là rất cần thiết. Với người bệnh thì không nên quá lo lắng hoặc quá bi quan mà phải vươn lên để tự điều chỉnh hoạt động của bản thân mình. Cần vận động cơ thể bằng hình thức tập thể dục hàng ngày tùy theo điều kiện và sức khỏe của mỗi người như đi bộ. Tuy nhiên, mỗi một ngày cũng chỉ nên vận động cơ thể (khoảng 60 phút là vừa) và nên chia thành 2 - 3 lần, mỗi lần từ 15 – 20 phút. Về sau, khi bệnh tiến triển nặng hơn thì mọi sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh cá nhân, đi lại cần có sự hỗ trợ của gia đình. Bên cạnh sự chăm sóc thì việc uống thuốc điều trị cũng rất cần có sự quan tâm của người thân, nhất là khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn trầm cảm, lú lẫn hoặc có biến chứng.
PGS.TS. TTƯT. Bùi Khắc Hậu