Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa quyết định hoãn chuyến thăm 2 ngày tới Serbia nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ông Emmanuel Macron đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng do làn sóng biểu tình phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu kéo dài trong nhiều tuần qua trên khắp nước Pháp, khiến hàng trăm người bị thương và để lại nhiều thiệt hại nặng nề tại thủ đô Paris.
Trước đó, đại lộ Champs Elysees, Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris của Pháp đã rơi vào một cảnh tượng khó tin. Cảnh sát Pháp đã phải dùng tới bình xịt hơi cay, lựu đạn khói để giải tán đám đông người biểu tình “áo vàng” quá khích tìm cách phá các hàng rào an ninh. Đoàn người biểu tình ào xuống đường, ném pháo sáng, gạch đá và mang dòng chữ: “Macron từ chức” hay “Áo vàng sẽ chiến thắng”… Bộ Nội vụ Pháp đã đưa ra các con số giật mình về các vụ bạo động trên toàn nước Pháp trong ngày 1/12. Theo đó, có 136 ngàn người biểu tình xuống đường trên khăp nước Pháp trong ngày thứ Bảy. Những kẻ quá khích đã gây ra 249 đám cháy, trong đó 112 phương tiện giao thông đã bị đốt cháy. Cảnh sát Paris cũng đã bắt giữ 412 người và hiện tạm giam 378 người.
Nguyên nhân của những vụ đụng độ này bắt nguồn từ quyết định tăng thuế nhiên liệu của chính phủ Pháp vốn đã có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua. Nhưng do thời điểm thực thi cùng thời điểm giá dầu thế giới tăng, đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong người dân Pháp, đặc biệt là nông dân. Dù chính phủ Pháp cho rằng, tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện ít tiêu thụ nhiên liệu hơn từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, thế nhưng, hàng nghìn người vẫn đổ xuống các đường phố để phản đối, dẫn đến tình trạng hỗn loạn kéo dài suốt 3 tuần ở thủ đô Paris.
Biểu tình biến thành bạo động diễn ra nhiều nơi trên toàn nước Pháp
Giới phân tích cho rằng,cuộc khủng hoảng “Áo vàng” có thể bùng nổ trở thành một cơn địa chấn chính trị mới tại Pháp. Tất cả các tờ báo lớn của Pháp như Le Monde, Le Parisien, Le Courrier Internaional, France24.fr đều đồng loạt đăng tải các bài phân tích sâu về làn sóng biểu tình và bạo loạn tại Paris. Với nhan đề “Tổng thống Macron dưới sức ép 3 tuần kéo dài của phong trào Áo Vàng”, Le Parisien cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trực tiếp đến thị sát tình hình tại khu vực quanh Khải hoàn môn và các khu phố lân cận, nơi là tâm điểm của cuộc đụng độ bạo lực cũng như đập phá, cướp bóc của đám đông biểu tình trong ngày 1/12.
Tờ Le Figaro (Pháp) cho biết ông Macron đã yêu cầu Thủ tướng Pháp Édouard Philippe tổ chức ngay lập tức các cuộc gặp từ sáng hôm thứ Hai, 3/12 với lãnh đạo của các đảng đối lập có ghế trong Quốc hội Pháp cũng như các nhóm đại diện cho phong trào “Áo vàng”. Le Figaro bình luận “sức ép chính trị đang gia tăng mạnh mẽ với ông Macron. Một số đối thủ chính trị như ông Jean-Luc Mélenchon của đảng “Nước Pháp bất khuất” hay Marine Le Pen của đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” đã kêu gọi giải tán Quốc hội Pháp. Cùng lúc, đảng “Những người Cộng hoà” lại đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về các chính sách xã hội, đồng thời cảnh báo sẽ xúc tiến việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Édouard Philippe nếu không có các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn bạo lực”. Trong bối cảnh rối ren, các nhóm thuộc phe cực tả, cực hữu cũng như phi chính phủ đã nhân cơ hội kích động dư luận. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Macron trong các cuộc thăm dò đã tụt xuống mức thấp kỷ lục. Không những vậy, phản ứng cứng rắn, không khoan nhượng của ông Macron cũng đã đổ thêm dầu và lửa, khiến ông bị cáo buộc xa rời quần chúng.
Để xử lý tình hình, Tổng thống Macron đã phải cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong buổi gặp với các quan chức an ninh ngày 2/12. Hôm 4/12, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner đã trình bày trước Ủy ban pháp luật của Thượng viện tình trạng tấn công cảnh sát và phá hoại của những người biểu tình quá khích cũng như các biện pháp đối phó.
Trong hơn 1 năm đầu nhiệm kỳ, nếu như Tổng thống Pháp Macron được đánh giá là thành công trong lĩnh vực đối ngoại thì lại khá thất bại trong việc xử lý các vấn đề đối nội. Dù ông đã thực hiện khá nhiều biện pháp cải cách nền kinh tế thế nhưng đáng tiếc, các giải pháp cải cách trên vừa không hiệu quả vừa gây tranh cãi trong dư luận. Đặc biệt, quyết định về thuế hay quyết định cho phép nới lỏng các luật về thuê và sa thải người lao động, đã khiến chỉ số tín nhiệm của người dân dành cho Tổng thống liên tục giảm mạnh.
Với những gì đang diễn ra hiện nay, giới phân tích dự báo ông Macron sẽ gặp hàng loạt khó khăn trong những ngày tới. Chính sách đối nội không hiệu quả, cách xứ lý cứng rắn với người dân khiến tâm lý thất vọng lan tràn.
Với những tuyên bố cứng rắn tại thượng đỉnh G20 khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi công cuộc cải cách, trong đó có lĩnh vực năng lượng, ông Macron chắc chắn sẽ đương đầu với hàng loạt khó khăn mới. Đâu là giải pháp để các cuộc biểu tình có thể chấm dứt? Đâu là chìa khóa để người dân Pháp hai lòng? Đây là những câu trả lời khó đối với Tổng thống Pháp Macr