Làng VĐV tại thành phố Saint-Denis, ngoại ô Paris, tòa nhà D5, tầng 9-10, là nơi đoàn Việt Nam được phân 4 căn hộ để lưu trú trong thời gian diễn ra Paralympic 2024. Ngoài ban công, một số VĐV nam đang loay hoay treo những lá cờ đỏ, sao vàng để quảng bá sự hiện diện của Việt Nam. Trong phòng ngủ của mình, VĐV Đặng Thị Linh Phượng đang sắp xếp lại đồ đạc. Căn phòng được bài trí đơn giản, với những đồ vật tối thiểu như giường, tủ, chăn, gối. Tại phòng sinh hoạt chung, các thành viên khác của đoàn đang ngồi nói chuyện, hàn huyên vui vẻ. Mỗi người một việc, nhưng dường như ai cũng trong tâm trạng hưng phấn và hồi hộp, mong chờ các cuộc thi đấu sắp tới.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, VĐV Nguyễn Bình An cho biết trước khi tham gia đại hội anh đã nhận được sự cổ vũ rất nhiều từ gia đình, bạn bè và các cổ động viên trong nước, nên anh luôn cố gắng đảm bảo giữ gìn sức khỏe để đạt thành tích tốt. Anh cho biết dù đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để sang thi đấu, nhưng đến nơi cũng thấy mọi điều kiện đều rất ổn, từ chỗ ở đến bữa ăn. Tuy nhiên để kiểm soát trọng lượng cơ thể, anh chỉ duy trì ở mức 60% so với sức ăn của mình để giữ hạng cân. Còn VĐV Châu Hoàng Tuyết Loan thì cho rằng đồ ăn tại đây ngon và phong phú, do chị vẫn trong giới hạn mức cân nặng cho phép được ăn nhiều, nên rất muốn ăn cơm vì đó là món giúp lên cân nhanh nhất. Chị cũng thường bổ sung sữa vào khẩu phần ăn hằng ngày của mình.
VĐV Đặng Thị Linh Phượng bày tỏ mục đích tham dự Paralympic Paris 2024 là để "giành được HCĐ giống như thành tích đã đạt được tại Thế vận hội người khuyết tật Rio 2016". Chị đồng thời cho rằng đây là cơ hội tốt để cải thiện điều kiện kinh tế bản thân, đồng thời để người khác "không thể xem thường mình". Tâm sự về cơ duyên đến với môn cử tạ, chị cho biết gia đình từng không muốn cho chị chơi môn thể thao này và bản thân chị đôi lúc cũng muốn buông bỏ vì sự vất vả, cực nhọc và khổ luyện, nhưng rồi với ước vọng đổi đời, với mong muốn được ra thế giới để quan sát, học hỏi và mở rộng tầm mắt, cùng sự động viên và tạo điều kiện của Hiệp hội và Ủy ban Paralympic Việt Nam, tất cả những điều đó đã trở thành động lực thúc đẩy chị vươn lên, đạt nhiều thành tích tốt không chỉ ở đấu trường trong nước, mà cả trong khu vực và trên thế giới.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam - cho biết Ban tổ chức đã bố trí điều kiện ăn ở và tập luyện rất tốt cho các VĐV Việt Nam, cũng như cho các đoàn khác. Nhà ăn mở cửa 24/7, các món ăn phong phú và hợp với khẩu vị các VĐV. Hiện tinh thần và thể trạng của các VĐV Việt Nam đang rất tốt và họ đang tích cực tập luyện để chuẩn bị cho những ngày thi đấu sắp tới.
Ông Nguyễn Hồng Minh bày tỏ: "Đoàn mong muốn các VĐV sẽ đạt được huy chương ở kỳ Paralympic lần này. Hy vọng với thái độ tập luyện nghiêm túc, các em sẽ phấn đấu để đạt được mục tiêu mà mình đề ra". Trong khi đó, ông Huỳnh Vĩnh Ái - Chủ tịch Ủy ban Paralympic Việt Nam - đánh giá cao tinh thần dân tộc của đoàn Việt Nam, luôn mặc đồng phục và giương cao cờ Việt Nam mọi nơi, mọi lúc. Ông chia sẻ: "Cả dân tộc giao sức nặng và nhiệm vụ cho các VĐV và các anh em đều hiểu điều này. Chúng tôi cũng động viên anh em cố gắng đạt thành tích và họ cũng đã hứa vì lòng tự hào dân tộc của mỗi người".
Theo lịch thi đấu, trong ngày 1/9, các VĐV Đỗ Thanh Hải và Lê Tiến Đạt sẽ tham dự vòng loại 100m bơi ếch. Ngày 5/9 sẽ là vòng đấu loại của VĐV điền kinh Phạm Nguyễn Khánh Minh (cự ly 400m), và các trận tranh huy chương của các VĐV cử tạ Lê Văn Công (hạng 49kg nam), Nguyễn Bình An (54kg nam), Đặng Thị Linh Phượng (50kg nữ) và Châu Hoàng Tuyết Loan (55kg nữ). VĐV Nguyễn Bình An bày tỏ mong muốn sẽ được thấy sự cổ vũ của đông đảo cộng đồng người Việt tại Pháp trên các khán đài, vì đó sẽ là sức mạnh giúp cho các VĐV "bùng nổ để thi đấu hết sức mình".
Với các điều kiện ăn, ở và tập luyện thuận lợi, với tinh thần lạc quan, hy vọng các VĐV khuyết tật Việt Nam sẽ đạt thành tích tốt nhất trong các cuộc thi đấu sắp tới.