Paraben trong dược phẩm, mỹ phẩm ảnh hưởng đến nội tiết

04-07-2015 08:00 | Khỏe - Đẹp

SKĐS - Cục quản lý dược vừa có thông báo sẽ cấm lưu hành các sản phẩm chứa paraben kể từ 1/8/2015 và methylisothiazolinone kể từ 1/7/2015. Tại sao paraben và methylisothiazolinone bị cấm?

Một số paraben thông dụng điển hình và sẽ là các chất bị cấm trong thời gian sắp tới ở ta, đó là: isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben, pentylparaben. Nói chung, các paraben trong đó có các chất sẽ bị cấm thuộc loại chất bảo quản dùng lâu đời, được ghi nhận có độc tính cấp tính và độc tính trường diễn thuộc loại rất thấp, gần như không gây tác hại nào đáng kể. Như methylparaben dùng với nồng độ 0,05 - 0,25% gần như không gây tác hại nào, thậm chí methylparaben có trong thiên nhiên, được tìm thấy ở một số trái cây. Được dùng trong dược phẩm, đặc biệt trong bào chế thuốc tiêm với liều lượng thích hợp là methylparaben và propylparaben đã được nghiên cứu chứng minh là an toàn dùng trong dược phẩm. Một phản ứng có hại của paraben được ghi nhận là gây phản ứng dị ứng đối với da và niêm mạc trong trường hợp các chất bảo quản này được dùng trong sản phảm bôi ngoài da. Riêng methylparaben dùng trong sản phẩm bôi ngoài da khi tiếp xúc với tia cực tím của ánh nắng sẽ làm hiện tượng lão hóa da nhiều hơn. Nhiều paraben đều được ghi trong dược điển các nước như: Anh, Mỹ, châu Âu… (được ghi trong dược điển nghĩa là được chấp thuận sử dụng trong dược phẩm).

Cách đây không lâu, báo chí đưa tin Cơ quan An toàn Sức khỏe của Pháp hợp tác với nhiều hãng dược phẩm nhằm nghiên cứu về tính độc hại của các paraben vì nghi các chất bảo quản này có khả năng gây ung thư vú ở phụ nữ và vô sinh ở nam giới. Các nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa đi đến kết luận thống nhất về các paraben. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây nhất cho thấy các paraben có nguy ảnh hưởng đến hệ nội tiết cũng như gây phản ứng dị ứng nếu dùng bôi ngoài da (dùng nhiều trong kem dưỡng da) cho người sử dụng. Với nguyên tắc “cân nhắc và loại trừ nguy cơ là tốt nhất”, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã thống nhất lộ trình ngừng lưu hành các sản phẩm có chứa một trong năm paraben kể ở trên và ngày 1/8/2015 là ngày Cục Quản lý dược nước ta cấm các sản phẩm đó trên thị trường, nếu mua bán sử dụng là bất hợp pháp.

Mời xem tiếp bài 2: Methylisothiazolinone trong mỹ phẩm gây viêm da dị ứng ra ngày 5.7.2015

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

(Đại học Y Dược TP.HCM)

 

 


Ý kiến của bạn