Hà Nội

Pakistan sẽ ngả về phía ai?

07-01-2018 16:56 | Quốc tế
google news

SKĐS - Gần một tuần sau khi Mỹ ngày 4/1 thông báo đình chỉ viện trợ an ninh cho Pakistan, nhiều dấu hiệu cho thấy Pakistan sẽ nghiêng về Trung Quốc, đồng thời khiến cuộc chiến tại Afganistan thêm bất lợi.

Các nguồn tin cho biết, số tiền viện trợ an ninh cho Pakistan bị cắt giảm khoảng 900 triệu USD. Theo một quan chức giấu tên của Mỹ, khoản viện trợ an ninh cho Pakistan nói trên được dùng để trang trải cho các vụ chuyển giao trang thiết bị quân sự và tài trợ những chiến dịch chống khủng bố của quốc gia Nam Á này.

Căng thẳng giữa Mỹ và Pakistan nảy sinh từ nhiều tháng qua sau khi Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu về chính sách đối với Afghanistan đã cáo buộc Pakistan chứa chấp các nhóm cực đoan thường xuyên thực hiện các vụ tấn công qua biên giới nhằm vào binh sĩ Mỹ và Afghanistan, đồng thời cảnh báo rằng quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ bị hủy hoại nếu điều này tiếp diễn. Trước đó, trong bình luận đầu tiên của năm 2018 trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump cho rằng việc Mỹ viện trợ Pakistan hơn 33 tỷ USD trong 15 năm qua là "ngốc nghếch". Theo Tổng thống Mỹ, Islamabad đã "lừa dối Washington và chứa chấp những kẻ khủng bố" mà Mỹ đang truy bắt ở Afghanistan.

Một tuần sau khi quyết định cắt viện trợ cho Pakistan được đưa ra, câu hỏi “Ai sẽ là người chịu thiệt hai lớn nhất?vẫn tiếp tục được đặt ra. Pakistan hay chính liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống các nhóm cực đoan tại Afganistan?

Lính Mỹ Afganistan có thể gặp nguy hiểm khi Pakistan “quay lưng” lại với Mỹ

Lính Mỹ Afganistan có thể gặp nguy hiểm khi Pakistan “quay lưng” lại với Mỹ

Trong một diễn biến mới nhất, Pakistan ra tuyên bố phản đối quyết định của Mỹ đình chỉ khoản viện trợ an ninh trị giá hàng trăm triệu USD cho nước này, đồng thời cho rằng động thái của chính quyền Washington là "phản tác dụng". Quyết định của Mỹ đã gây ra một cuộc biểu tình phản đối tại Pakistan trong ngày 5/1. Nhiều tiếng nói trong nội bộ Pakistan yêu cầu cắt tuyến đường tiếp tế trên bộ tới Afganistan, và trả đũa Washington bằng cách đóng cửa không phận với Mỹ.  Trong quá khứ, khixung đột với Washington, Pakistan đã chặn tuyến đường tiếp tế của quân đội Mỹ,  buộc Mỹ phải dựa vào con đường đắt đỏ hơn nối cảng Ban tích và Caspia thông qua Nga và Trung Á. Do đó, bình luận về động thái trên, Muhammed Umer Daudzai, cựu Bộ trưởng Nội vụ Afganistan cho  rằng, áp lực lên Pakistan thời điểm này là quá muộn. Pakistan đã phát triển được các mối quan hệ đồng minh trong khu vực, giúp Pakistan vượt qua được những cú sốc tài chính. Nhiều nhà phân tích Pakistan cho rằng bước đi của Mỹ đã đẩy Pakistan gần Trung Quốc hơn với các dự án hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng lên đến 60 tỉ USD Mỹ theo chương trình "Một vành đai- một con đường”. Thậm chí, Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Muhammad Asif còn thẳng thừng tuyên bố “Thế giới đủ rộng và nước Mỹ không nuôi ăn người dân Pakistan”. Thực tế viện trợ an ninh của Mỹ dành cho Pakistan cũng không nhiều như trước đây. Pakistan hiện có nhiều lựa chọn để thay thế”, Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình Pakistan Amir Rana nhận định.

Quan hệ Mỹ- Pakistan đang trục trặc nhiêm trọng

Quan hệ Mỹ- Pakistan đang trục trặc nhiêm trọng

Đối với Mỹ, thái độ của Pakistan được cho sẽ đe dọa đến tương lai của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống Taliban. Bởi nếu thiếu sự hợp tác của Pakistan sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến tại Afganistan cũng như trong khu vực. Pakistan được cho  rằng có sức mạnh tình báo quân sự ảnh hưởng lớn đến nhóm Taliban và nhiều nhóm khủng bố khác. Từ đó, cung cấp thông tin sớm hoặc có khả năng kiểm soát một số cuộc tấn công tại Afganistan. Một số chuyên gia phân tích cũng lo ngại, sức ép của Mỹ với Pakistan có thể làm gia tăng bạo lực tại Afganistan. Trong khi đó, đang có khoảng 2 triệu người tị nạn Afganistan đang ở Pakistan. Ngoài ra, việc Mỹ quay lưng với Pakistan có thể đẩy Pakinstan “ngả sâu hơn” vào vòng tay Trung Quốc và kích động căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ.

Nằm ở vị trí chiến lược, Pakistan  là tuyến đường tiếp tế quan trọng cung cấp tới lực lượng Mỹ tại Afganistan. Vì thế, nếu quan hệ Mỹ- Pakistan tiếp tục căng thẳng như hiện nay, tình hình Nam Á rất có thể sẽ “rất nóng” và Mỹ sẽ gánh thêm nhiều rủi ro nếu khu vực này “tăng nhiệt”.


Nhật Quang
Ý kiến của bạn