U tuyến giáp lành tính là bệnh khá thường gặp. Trên thế giới, tỉ lệ gặp khối u tuyến giáp lành tính có thể lên đến 50% dân số, gặp nhiều hơn ở nữ và ở lứa tuổi trên 40. Đa số những khối u này có kích thước nhỏ, không gây ra các bất thường về mặt chức năng cũng như hình thái của tuyến giáp và thường không cần điều trị. Tuy nhiên, những khối u tuyến giáp có kích thước lớn, có hoặc không có ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, gây ra các biến chứng thì cần phải điều trị.
Ngày nay, có nhiều phương pháp xử trí những khối u tuyến giáp lành tính có kích thước lớn như tiêm cồn, đốt bằng sóng cao tần (radiofrequency ablation - RFA), đốt bằng laser (laser ablation) hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phương pháp được cho là tối ưu hơn cả và đang được áp dụng rộng rãi hiện nay trên thế giới là đốt bằng sóng cao tần (RFA). Ưu điểm của đốt bằng sóng cao tần gồm: hiệu quả điều trị cao, an toàn, ít xâm lấn, không để lại sẹo, thời gian nằm viện ngắn, chi phí hợp lý…
Đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần (RFA) trên thế giới lần đầu tiên được thực hiện ở Hàn Quốc bởi GS. Jung Hwan Baek năm 2002. Từ đó đến nay, kỹ thuật này được phát triển và áp dụng rộng rãi trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Gần đây, phương pháp này đã đưa vào thực hiện ở Việt Nam, đầu tiên tại Bệnh viện Bạch Mai.
Nguyên lý hoạt động của sóng cao tần là: khi chọc kim vào khối u, dưới tác dụng của dòng điện xoay chiều truyền từ nguồn đến kim đốt, các ion trong tổ chức mô xung quanh vị trí kim bị dao động, cọ sát gây ra nhiệt. Nhiệt này có tác dụng đốt tổ chức u, gây hoại tử mô u. Nguyên lý hoạt động này cũng tương tự như đốt các khối u gan, u tử cung, u phổi… bằng sóng cao tần.
Các trường hợp u tuyến giáp lành tính có chỉ định đốt bằng sóng cao tần gồm:
• Bướu đơn nhân hoặc đa nhân có kích thước to gây ra triệu chứng: đau cổ, khó nuốt, nuốt vướng, ho, cảm giác khó chịu cho bệnh nhân…
• Bướu giáp có ảnh hưởng đến thẩm mỹ;
• Bướu nhân độc tuyến giáp (autonomously functioning thyroid nodules).
Ngoài ra, có thể đốt những khối ung thư tuyến giáp nhưng chỉ là những tổn thương tái phát, bệnh nhân không muốn phẫu thuật hoặc có nguy cơ biến chứng cao khi phẫu thuật.
Khi tiến hành đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần, bác sĩ chỉ đưa đầu kim đốt vào khối u, đường kính của kim nhỏ nên bệnh nhân chỉ có cảm giác đau nhẹ khi chọc và trong khi đốt. Bệnh nhân không cần phải gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ nên hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình làm thủ thuật. Bệnh nhân có thể được dùng ít thuốc an thần để giảm bớt lo lắng.
Nghiên cứu tại Hàn Quốc đăng trên tạp chí Eur Radiol (2008) cho thấy, thể tích của khối u tuyến giáp lành tính giảm dần sau đốt, trung bình giảm ~ 85% sau 6 tháng điều trị, tỉ lệ thành công của kỹ thuật là 91%. Trong một nghiên cứu khác trên cùng tạp chí, năm 2013, tỉ lệ thể tích giảm sau 4 năm là 93.5%. Trong tất cả các phương pháp can thiệp y học thì phương pháp nào cũng có tỉ lệ biến chứng nhất định. Trong một nghiên cứu đa trung tâm tại Hàn Quốc thì tỉ lệ biến chứng của phương pháp này là 3.3%, gồm thay đổi giọng nói, nôn, bỏng da, suy giáp… Hầu hết các biến chứng này đều hồi phục.
Ca lâm sàng: Bệnh nhân nữ, 24 tuổi, cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp do ung thư tuyến giáp thể nhú. Bệnh nhân không muốn tiếp tục phẫu thuật để cắt bỏ hạch di căn mà muốn điều trị bằng sóng cao tần.
Như vậy có thể nói, đốt u tuyến giáp lành tính bằng sóng cao tần là phương pháp an toàn, có hiệu quả điều trị cao, giải quyết được vấn đề rất đáng quan tâm của chị em phụ nữ về thẩm mỹ, không để lại sẹo. Hiện phương pháp mới bắt đầu được thực hiện ở một số bệnh viện tuyến trung ương trong cả nước, hi vọng tương lai sẽ phát triển rộng rãi sang nhiều bệnh viện tuyến tỉnh.