Hà Nội

Ðột phá trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

09-03-2015 07:26 | Y học 360
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Quân y 103, Học viện Quân y đã thực hiện thành công phẫu thuật giảm thể tích phổi điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Quân y 103, Học viện Quân y đã thực hiện thành công phẫu thuật giảm thể tích phổi điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta.

Cải thiện rõ rệt tình trạng khó thở cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) đang là gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng 600 triệu người mắc bệnh. Bệnh là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ tư trên thế giới và sẽ là thứ 3 vào năm 2020. Ở các BV tuyến chuyên khoa thường gặp các bệnh nhân mắc bệnh lâu năm, bệnh ở giai đoạn muộn và có nhiều biến chứng như suy tim, suy hô hấp mạn. Viêm phế quản mạn và khí thũng phổi là hai bệnh lý chính trong BPTNMT. Khí thũng phổi gây tình trạng căng giãn phổi không hồi phục làm giảm độ đàn hồi của phổi và tắc nghẽn đường thở do tăng xẹp đường thở ở thì thở ra dẫn đến giảm lưu lượng khí thở ra. Do vậy, bệnh nhân thường xuyên khó thở và tăng lên khi vận động, chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm.

Phẫu thuật phổi (ảnh có tính minh họa)

Kỹ thuật làm giảm thể tích phổi (Lung volume reduction-LVR) chính là làm giảm thể tích vùng phổi khí thũng, do đó sẽ làm tăng độ đàn hồi của phổi và duy trì được kích thước ban đầu của vùng phổi ít tổn thương. Lợi ích của kỹ thuật là làm giảm tình trạng khó thở của bệnh nhân, cải thiện chức năng phổi, giảm đợt cấp của bệnh, tăng khả năng vận động của bệnh nhân, giảm sự tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Có 2 kỹ thuật điều trị giảm thể tích phổi: nội soi phế quản và phẫu thuật làm giảm thể tích phổi. Kĩ thuật làm giảm thể tích phổi bằng phẫu thuật (Lung volume reduction sergery-LVRS) điều trị khí thũng phổi đã được thực hiện đầu tiên từ những năm 1950. Trước đây là phẫu thuật mở nên hiệu quả của kỹ thuật thấp, tai biến, biến chứng còn cao. Từ năm 2000 trở lại đây, kĩ thuật này được phát triển nhờ có nội soi lồng ngực hỗ trợ video (Video-assisted thoracoscopy) nên hiệu quả của kỹ thuật cao, bệnh nhân hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn và tai biến, biến chứng ít. Các nghiên cứu đa trung tâm trên thế giới cho thấy những bệnh nhân BPTNMT sau phẫu thuật giảm thể tích phổi đã cải thiện rõ rệt tình trạng khó thở và chức năng hô hấp (FEV1 tăng từ 25,3% - 38,3%, thể tích khí cặn giảm 20% - 30%), khả năng gắng sức của bệnh nhân tăng và giảm các đợt cấp trong năm; ngày nằm viện trung bình chỉ khoảng 9 ngày và chỉ gặp vài biến chứng nhẹ sau mổ.

Hình ảnh phẫu phuật nội soi cắt giảm thể tích phổi (a), Xquang phổi trước phẫu thuật (b) và sau phẫu thuật 1 tháng (c) của bệnh nhân.

Hồi phục và ra viện sau một tuần hậu phẫu

Để đánh giá và lựa chọn những bệnh nhân thích hợp cho thực hiện kỹ thuật LVRS, người bệnh cần được khám bệnh và làm các xét nghiệm chuyên khoa như chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, đo chức năng hô hấp, các thể tích và dung tích phổi, điện tim, siêu âm tim... Các bệnh nhân phải được tư vấn và điều trị đợt cấp ổn định và điều trị duy trì bệnh định kì trước, trong và sau phẫu thuật nội soi làm giảm thể tích phổi. Bệnh nhân đầu tiên được thực hiện phẫu thuật nội soi làm giảm thể tích phổi là Vũ Đức Hải (62 tuổi, quê quán Nghĩa Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định). Bệnh nhân mắc bệnh khoảng 10 năm, 4 năm gần đây, bệnh nhân khó thở thường xuyên và tăng khi đi lại. Hàng năm, bệnh nhân phải nằm bệnh viện nhiều lần vì đợt cấp của bệnh. Trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy khí thũng ở cả 2 phổi và nặng nhất ở thùy dưới phổi phải. Đo chức năng hô hấp có rối loạn thông khí nặng: FEV1 23,4% số lý thuyết (SLT), thể tích cặn tăng (193% SLT), dung tích toàn phổi tăng (126% SLT). Bệnh nhân đã được điều trị và chuẩn bị trước phẫu thuật tại Khoa lao và bệnh phổi. Ngày 20/11/2014, dưới sự chỉ đạo của GS.TS. Đồng Khắc Hưng - Phó Giám đốc HVQY, PGS.TS. Hoàng Mạnh An - Giám đốc BV Quân y 103, kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt bán phần thùy giữa và dưới phổi phải qua nội soi cho bệnh nhân. Sau 1 tuần điều trị hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhân ổn định và ra viện. Kiểm tra lại 1 tháng sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe bệnh nhân được cải thiện rõ rệt: khó thở giảm nhiều, bệnh nhân đi lại thấy dễ dàng, thoải mái hơn; đo chức năng hô hấp có cải thiện rõ rệt (FEV1 tăng lên 53% SLT), bệnh nhân tăng cân so với trước phẫu thuật. Bệnh nhân được tiếp tục kiểm tra và tư vấn điều trị định kì tiếp theo hàng tháng. Đến nay, đã có 3 bệnh nhân được áp dụng thành công kỹ thuật này tại BV Quân y 103. Việc áp dụng và áp dụng thành công các kỹ thuật cao điều trị BPTNMT tại nước ta bước đầu đã mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh và đáp ứng nhu cầu điều trị hiện nay cho những bệnh nhân BPTNMT.

PGS.TS. Tạ Bá Thắng (Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y)

 

Theo ước tính của Hội Hô hấp Châu Á Thái Bình Dương năm 2003 tần suất BPTNMT ở Việt nam là 6,7%, cao nhất trong 12 nước trong khu vực. Một nghiên cứu tỷ lệ mắc BPTNMT ở một phường của Hà nội năm 2002 thấy tỷ lệ mắc BPTNMT chung cho cả 2 giới là 13,5/1000 dân, trong đó tỷ lệ mắc ở nam là 27,3/1000 dân và ở nữ là 3,6/1000 dân. Nghiên cứu dịch tễ BPTNMT toàn quốc năm 2010 cho kết quả: tỷ lệ mắc BPTNMT chung là 2,2% dân số, trong đó nam là 3,4%, nữ 1,1%. Tỷ lệ mắc bệnh ở người trên 40 tuổi là 4,2%, cao hơn rõ rệt so với nhóm tuổi <40 (4,2% so với 0,4%). Ở nông thôn tỷ lệ mắc cao hơn thành thị và miền núi (2,6% so với 1,9% và 1,6%). Miền Bắc có tỷ lệ mắc bệnh là 3,1% co hơn miền trung và nam (3,1% so với 2,2% và 1,0%).

 

 


Ý kiến của bạn