-Xây dựng 4 trung tâm cấp cứu 115 trên vùng biển đảo.
-Thành lập bộ môn y học biển tại một số trường ĐH y, dược.
-Tăng cường trạm y tế quân dân y trên biển.
Đây là một trong những nội dung được các đại biểu Bộ Y tế và Cục Quân y - Bộ Quốc phòng đưa ra tại buổi tọa đàm “Y tế biển đảo: Phát triển bền vững và hiệu quả” được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều ngày 2/7.
Thuận lợi - khó khăn cùng song hành
Nhằm tăng cường hiệu quả chăm sóc y tế cho ngư dân vùng biển đảo, ngày 7/2/2013, Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 317/QĐ-TTg. Theo PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, hơn 1 năm triển khai, đề án đã đạt được những kết quả khả quan, nhận thức của cấp ủy Đảng địa phương, nhân dân nâng cao hơn; 28 tỉnh, thành ven biển đã thành lập các ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án... Chỉ riêng trong năm 2013, các cơ sở quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức khám chữa bệnh, cấp cứu cho hàng chục nghìn bệnh nhân. Đặc biệt, từ phía Bộ Quốc phòng cũng đã điều động nhiều chuyến máy bay, tàu quân sự đưa Đoàn công tác Bộ Y tế khảo sát y tế biển đảo và vận chuyển cấp cứu nạn nhân về đất liền an toàn.
Buổi tọa đàm về phát triển y tế biển đảo.
Bổ sung thêm về vấn đề này, Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) nhận định, trong 1 năm qua, quân và dân y đã kết hợp trong công tác y tế. Đây được coi là mô hình truyền thống, có nhiều ưu việt đối với việc chăm sóc sức khỏe cho ngư dân của nước ta hiện nay. Để hạn chế các ca tử vong do thiếu kiến thức trong việc sơ, cấp cứu cho ngư dân khi gặp nạn, lực lượng quân đội và thầy thuốc đã tiến hành truyền thông cho ngư dân về kiến thức sơ cấp cứu, nhất là cấp cứu cho các trường hợp hay gặp như dị ứng, đuối nước...
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng rất thẳng thắn cho rằng, sau 1 năm triển khai, Đề án cũng nảy sinh một số khó khăn, bất cập như trang thiết bị y tế đặc thù phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo còn khó khăn và thiếu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, không đủ năng lực hoạt động khi có mưa bão chia cắt; nhân lực y tế cho các xã đảo, huyện đảo còn khó khăn, chưa có đủ đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành về y học biển. Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của Đề án 317 gắn với Chiến lược biển Việt Nam, do đó chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng với những nội dung của đề án, còn giao khoán cho ngành y tế trong việc triển khai đề án. Việc cấp thẻ BHYT cho cư dân trên đảo còn thấp, chỉ đạt gần 60%; phương thức chi trả, giá dịch vụ y tế chi việc cấp cứu, vận chuyển trên biển chưa hợp lý...
Tăng cường nhân lực - vật lực cho y tế biển đảo
Cho rằng đặc thù biển đảo khác đất liền, hơn nữa, dịch bệnh, bệnh tật kết cấu cũng khác nhau. Do vậy, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết không thể mang mô hình y tế đất liền ra áp dụng tại biển đảo, thậm chí có những thiết bị y tế mang từ đất liền ra biển cũng không phù hợp. Mặt khác, nguồn nhân lực phục vụ trong hệ thống y tế biển đảo hiện không thiếu hụt về số lượng nhưng lại thiếu hụt nhiều về kiến thức y học biển. Do đó, tới đây, nguồn nhân lực y tế phục vụ cho các lực lượng trên biển sẽ được cụ thể hóa và tăng cường chuyên môn y tế biển đảo. Hiện, Bộ Y tế đã chỉ đạo Trường ĐH Y Dược Huế, ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh xây dựng đề án thành lập Bộ môn Y học biển nhằm tăng cường cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ y tế biển đảo trên toàn quốc. Ngoài ra, ngành y tế cũng sẽ tăng cường thêm những mô hình trợ giúp y tế từ xa trong các mô hình cấp cứu trên biển. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ chuyên môn từ đất liền ra biển đảo qua vệ tinh, internet, radio... mà nhiều kíp phẫu thuật đã thực hiện thành công. Vì thế, Bộ Y tế sẽ tiến tới việc ứng dụng những công nghệ hiện đại để có thể hỗ trợ kịp thời... Trong giai đoạn 2014 - 2015 Đề án hỗ trợ KCB từ xa được triển khai tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng, sau đó sẽ triển khai tiếp tại những khu vực khác.
Theo Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, lịch sử phối kết hợp quân và dân y đã có từ lâu. Đến nay cần kết hợp nhuần nhuyễn hơn nữa để người dân biển đảo càng được chăm sóc y tế tốt hơn. Tới đây để tăng cường sự phát triển y tế biển đảo, về phía Bộ Quốc phòng sẽ tăng cường hơn nữa lực lượng quân y phục vụ trên các tàu biên phòng, tăng cường các trạm y tế quân y trên biển...
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho rằng, “Đề án phát triển y tế biển, đảo đến 2020 và tầm nhìn đến 2030” trước hết cần tăng cường y tế dự phòng cho người dân vùng biển, đảo. Trước mắt, từ nay đến năm 2015 xây dựng Trung tâm Quốc gia huấn luyện cấp cứu biển, 4 trung tâm cấp cứu 115. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn mong muốn các ban, ngành liên quan cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong việc thực hiện công tác y tế biển đảo, đặc biệt là để đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ về tài chính, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ người dân biển đảo tham gia BHYT đạt 100%.
Thái Bình
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển, Bộ Y tế đã rất thẳng thắn cho rằng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn trong việc triển khai thực hiện y tế biển đảo, trong đó đặc biệt là quan niệm mê tín dị đoan cho rằng việc mang phao cứu sinh khi đi biển sẽ mang đến điều không may nên hầu như các chủ tàu thuyền khi vươn khơi bám biển không quan tâm đến việc này. Ðiều tra bước đầu cho thấy, hầu hết các tàu cá gần bờ, xa bờ đều không có tủ thuốc, trang thiết bị sơ cấp cứu, vì thế khi có tai nạn hoặc ốm đau bất thường xảy ra trên biển không biết xử trí thế nào.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, mô hình phối hợp giữa ngành y tế với bộ đội biên phòng trong hoạt động truyền thông cho ngư dân, chủ tàu trên biển tại một số địa phương thời gian qua đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Bước đầu, nhiều tàu, thuyền đã trang bị phương tiện sơ cấp cứu, tủ thuốc thiết yếu, điều này cho thấy nhận thức của ngư dân về bảo vệ sức khỏe khi đi biển đã được nâng lên.