Ðột ngột cai rượu - Coi chừng hậu quả xấu

23-03-2015 07:29 | Y học 360
google news

SKĐS - Uống rượu đôi khi là một nét văn hóa nhưng uống quá nhiều và kéo dài sẽ dẫn đến nghiện và phụ thuộc vào rượu.

Uống rượu đôi khi là một nét văn hóa nhưng uống quá nhiều và kéo dài sẽ dẫn đến nghiện và phụ thuộc vào rượu. Nghiện rượu gây nhiều biến chứng nguy hiểm về thần kinh cũng như về tiêu hóa. Hội chứng cai rượu là một loạt các triệu chứng xuất hiện sau khi bỏ rượu hoặc uống giảm số lượng đáng kể so với trước ở người nghiện rượu. Hội chứng cai rượu biểu hiện ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, thậm chí rất nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Cơ thể không kịp thích nghi khi đột ngột cai rượu

Bên cạnh việc chủ động bỏ rượu (chỉ ở một số rất ít người), có nhiều yếu tố khiến cho người nghiện bỏ rượu đột ngột dẫn đến xuất hiện hội chứng cai rượu như bệnh nhân bị sốt virut, nhiễm khuẩn (hay gặp viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết...), xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan rượu, chấn thương sọ não, tụ máu dưới màng cứng mạn tính, các stress trong gia đình và xã hội... Các yếu tố này có thể cộng hưởng với nhau khiến cho bệnh nhân đang uống một lượng rượu rất lớn đột ngột phải dừng khiến cho cơ thể không kịp thích nghi.

Ngưng rượu đột ngột khiến cho bệnh nhân bồn chồn, mất ngủ, nhức đầu, nôn; thậm chí có thể gặp hiện tượng sảng run, biểu hiện bằng lú lẫn; ảo giác và ảnh ảo.

Các triệu chứng của hội chứng ngưng rượu có thể xuất hiện ngay sau cai rượu 6 giờ, tùy từng giai đoạn của hội chứng ngưng rượu mà bệnh nhân có các biểu hiện từ nhẹ đến nặng như run tay; lo lắng, cáu gắt, mất ngủ; nôn, ăn kém; nhịp tim nhanh, tăng nhẹ huyết áp, tăng tiết mồ hôi; động kinh toàn bộ cơn lớn, trường hợp nặng có thể gặp hiện tượng sảng run, biểu hiện bằng lú lẫn; ảo giác và ảnh ảo; mất ngủ, đảo ngược nhịp ngày đêm; kích thích, rối loạn nhân cách; cơn động kinh; sốt; tăng nhịp tim, hạ huyết áp; mồ hôi nhiều; khát, nếp nhăn da... tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 15% do trụy tim mạch, tự sát hay tấn công người khác...

Các mức độ của hội chứng ngưng rượu

Mức độ 1: Tăng hoạt động của hệ thần kinh tự quản, xuất hiện sau 6 - 12 giờ ở tất cả bệnh nhân cai rượu đột ngột với các biểu hiện mất ngủ, run rẩy, bồn chồn, nhức đầu, nhịp tim nhanh, rối loạn dạ dày - ruột (nôn, buồn nôn, chán ăn).

Mức độ 2: Ảo giác, thường là ảo giác thị giác, đôi khi ảo giác thính giác và ảo giác xúc giác, xuất hiện sau nửa ngày đến 1 ngày với tần suất 10 - 25% bệnh nhân.

Mức độ 3: Cơn co giật toàn thân xuất hiện trong 12 - 48 giờ với tỉ lệ 15% người mắc. 30% bệnh nhân sẽ tiến triển sang giai đoạn 4.

Mức độ 4: Sảng run, thời gian xuất hiện sau 2 - 5 ngày với tần suất 5%. Tỷ lệ tử vong 15% (dù điều trị hay không). Một số yếu tố nguy cơ như tuổi trên 30, nhịp tim nhanh, bệnh nhiễm khuẩn, tiền sử có cơn co giật do ngưng rượu hoặc sảng, chấn thương, can thiệp ngoại khoa.

Nếu bệnh nhân có triệu chứng của hội chứng ngưng rượu cần đưa đến bệnh viện điều trị. Trong thời gian nằm viện, bệnh nhân cần được theo dõi sát ý thức, mạch, tần số thở mỗi 2 giờ; theo dõi nhiệt độ mỗi 6 giờ đồng thời cần làm xét nghiệm công thức máu - hematocrit; xét nghiệm hóa sinh máu (điện giải đồ, glucose, protein, chức năng gan, thận); chụp phổi; siêu âm ổ bụng; chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não nếu có nghi ngờ chảy máu não...

Điều trị thế nào ?

Dù trong bất cứ trường hợp nào, khi đã có hội chứng cai sau khi giảm hoặc dừng uống rượu đều chứng tỏ bệnh nhân đã nghiện rượu một thời gian rất dài hay nói khác đi, bệnh nhân đã bị “ngộ độc rượu mạn tính” và các cơ quan trong cơ thể đã bị tổn thương nặng nề do rượu. Vì vậy, việc điều trị hội chứng cai rượu sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Đầu tiên, các thuốc điều trị triệu chứng sẽ được sử dụng như chống kích thích, co giật, run bằng thuốc nhóm benzodiazepin: diazepam, lorazepam hoặc phenytoin… uống hoặc tiêm (bắp hoặc tĩnh mạch). Trong trường hợp bệnh nhân có hoang tưởng, ảo giác có thể cho thêm haloperidol uống và co giật nhiều thì phối hợp thêm carbamazepine. Một số các thuốc khác cũng được sử dụng phối hợp điều trị như barbiturates, clonidine, flumazenil, cafein và thậm chí cả... rượu (với mục đích làm giảm triệu chứng thiếu rượu, sau đó sẽ giảm dần liều) trong một số ca nặng. Bên cạnh đó, hết sức cần thiết đảm bảo cho bệnh nhân một chế độ dinh dưỡng tốt qua ăn uống hoặc truyền dịch, bồi phụ đủ các chất điện giải như kali, natri, canxi, các yếu tố vi lượng, các vitamin như B1, B6, B12... Và điều trị những bệnh lý kèm theo như nhiễm khuẩn, chấn thương, tai biến mạch não, cơn tăng huyết áp, hội chứng não gan.

Việc dự phòng hội chứng cai rượu tập trung vào việc bỏ rượu chủ động với số lượng ít dần và có phối hợp với sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thần kinh - tâm thần - chống độc. Ở người nghiện rượu, nên chú ý phòng chống các yếu tố nguy cơ như đã mô tả ở trên và khi xuất hiện các biểu hiện của hội chứng cai nên khẩn trương đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và xử trí kịp thời.

BS. Vũ Phương Anh

 

 

 


Ý kiến của bạn