“Oscar Việt” cần sự đột phá

20-04-2018 16:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Từ năm 2003, lễ trao giải Cánh diều Vàng được Ban tổ chức thực hiện theo mô hình giải “Oscar Việt Nam” thay cho việc trao giải nội bộ như các hội văn học nghệ thuật khác.

Từ đó, ai cũng kỳ vọng đây sẽ là một “cú hích” để điện ảnh Việt Nam phát triển, khơi dậy tình yêu của nghệ sĩ. Nhưng thực tế lại có một vài đổi khác!

Cánh diều Vàng 2018 vừa khép lại và như thường lệ vẫn để lại những dư âm như những mùa trước. Năm nay, giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam có nét mới là 5 bộ phim dự Cánh diều Vàng 2018 bao gồm Bạn gái tôi là sếp (đạo diễn Hàm Trần, thực hiện từ phim ăn khách của Thái Lan), Ngày mai Mai cưới (phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Tấn Phước, dựa trên series phim hài của Indonesia), Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn, phim giành giải Bông sen Vàng 2017), Cô gái đến từ hôm qua (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) và phim Ở đây có nắng (đạo diễn Đỗ Nam) được chiếu tại phòng chiếu của Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương vào 20 giờ hằng ngày trung tuần tháng 4. Bên cạnh đó, Cánh diều Vàng 2018 nói “không” với các phim điện ảnh (chiếu rạp) được làm lại từ kịch bản nước ngoài, thay vào đó những phim này chỉ được trao các giải phụ nhằm khuyến khích các cá nhân trong êkíp thực hiện bộ phim có thêm động lực, niềm đam mê và cống hiến với nghề.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên (bên trái) trao Cánh diều Vàng phim truyện điện ảnh cho phim Cô Ba Sài Gòn, đạo diễn Kay Nguyễn (giữa) lên nhận giải.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên (bên trái) trao Cánh diều Vàng phim truyện điện ảnh cho phim Cô Ba Sài Gòn, đạo diễn Kay Nguyễn (giữa) lên nhận giải.

Trên thực tế, Cánh diều Vàng 2018 và những mùa trước luôn để lại không ít “điều tiếng” và tạo ra những dư luận trái chiều về các tác phẩm dự giải, đặc biệt hạng mục phim điện ảnh. Năm ngoái, khi phim Cha cõng con chỉ được trao Bằng khen, ngay lập tức đạo diễn Lương Đình Dũng đã trả lại giải thưởng cho Ban tổ chức vì đạo diễn “không phục”, cho rằng tác phẩm có thể được phần thưởng xứng đáng hơn. Tới giải Cánh diều 2018 vừa kết thúc, những dư âm của giải thưởng vẫn còn âm ỉ cháy từ lễ trao giải đến các vấn đề chuyên môn, hậu trường.

Trong lễ trao giải Cánh diều 2018 vừa qua, một trong những nhầm lẫn đáng tiếc mà khán giả, nghệ sĩ có mặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội cũng như khán giả theo dõi qua truyền hình trực tiếp đều nhận ra, đó là tại hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh: Nhan Phúc Vinh, phim Đảo của dân ngụ cư được đạo diễn Bùi Bài Bình và nữ diễn viên Diệu Thuần lên đọc tên đã bị nhầm lẫn cả phần tên diễn viên và tên phim thành từ ngữ nhạy cảm khiến cả khán phòng bật cười. Tuy chỉ là sự nhầm lẫn nhưng phần nào phản ánh sự chuẩn bị chưa thật sự kỹ, “ăn khớp” giữa các nghệ sĩ khi có vinh dự được lên sân khấu xướng tên tác phẩm, nghệ sĩ, diễn viên đoạt giải. Bên cạnh đó, dù là ngày hội điện ảnh của những người làm nghề, tuy nhiên nhiều nghệ sĩ, diễn viên vắng mặt trong lễ trao giải. Chính vì thế, tại lễ trao giải Cánh diều 2018,  2 giải “Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh” và “Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện truyền hình” xướng tên 2 nam diễn viên Kiều Minh Tuấn và Trương Minh Quốc Thái nhưng cả hai diễn viên này đều vắng mặt.

Ngoài ra, công chúng và giới làm nghề tỏ ra e ngại trước số lượng phim năm nay tham gia không nhiều và đa phần là các phim chuyển thể, mua bản quyền, kịch bản từ nước ngoài. Theo thống kê, có tổng số 38 tác phẩm điện ảnh (chiếu rạp) được sản xuất trong năm 2017, tuy nhiên chỉ có 13 phim tham dự Cánh diều 2018, qua đó phản ánh các nhà sản xuất không còn mặn mà với giải thưởng này. Trong 13 phim điện ảnh dự Cánh diều 2018 thì Ban giám khảo cho biết “chỉ 1/3 phim xem được” và 2/3 tác phẩm là phim remake, có tác phẩm đạt được tiêu chí này nhưng lại thiếu tiêu chí khác mà giải thưởng Cánh diều đề ra. Trong bối cảnh “so bó đũa chọn cột cờ”, Cánh diều Vàng hạng mục phim điện ảnh được trao cho Cô Ba Sài Gòn, Cánh diều Bạc có Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua và Bằng khen cho Dạ cổ hoài lang, Mẹ chồng, Đảo của dân ngụ cư.

Việc Cô Ba Sài Gòn do Ngô Thanh Vân sản xuất giành Cánh diều Vàng năm nay cũng tạo nên những ý kiến trái chiều. Phim này được đánh giá là vừa vặn, dễ xem nhưng nếu chẻ ra về cả yếu tố nghệ thuật lẫn doanh thu thì rõ ràng không “nhỉnh” hơn một số phim khác như: Em chưa 18, Đảo của dân ngụ cư… Chưa kể, Cô Ba Sài Gòn còn vướng phải nghi án “vay mượn” ý tưởng nước ngoài khi có cách thể hiện ở một số trường đoạn được cho là khá giống với bộ phim đình đám về thời trang ra mắt năm 2006 - Devil Wears Prada. Cụ thể như tạo hình, tính cách và sự xuất hiện của Diễm My 9X trong phim rất giống với “bà trùm” thời trang Miranda Priestly trong Devil Wears Prada; hay nhân vật do Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai có nhiều điểm tương đồng về gu thời trang lẫn cách “biến hình” giống với nhân vật Andy Sachs trong Devil Wears Prada

Chưa kể vài năm trở lại đây, Cánh diều Vàng ngày càng rút ngắn số lượng giải thưởng, có mùa giải vắng bóng phim của Nhà nước như năm 2016 và 2018. Đề cập đến chuyện vì sao phim ra rạp nhiều mà phim dự giải Cánh diều lại rất khiêm tốn, nhiều chuyên gia lý giải rằng, đó không phải là câu chuyện mới xảy ra. Từ những năm trước, chính diễn viên Quyền Linh - thành viên BTC Cánh diều đã “kêu trời” vì nhiều đơn vị sản xuất không mặn mà với giải thưởng này của Hội Điện ảnh. Thậm chí, có thời điểm gần sát ngày diễn ra lễ trao giải mà số lượng phim dự giải vẫn lẻ tẻ, thưa vắng… Và một trong những lý do được các chuyên gia nhận định là do Cánh diều ngày càng kém sức hút khiến cho các hội viên không còn hào hứng tham gia.

Trong khi đó, điều đáng nói là các phim truyện điện ảnh dự giải Cánh diều đa phần là phim thương mại, nặng tính giải trí hoặc thị trường thì những bộ phim nhỉnh hơn về tính nghệ thuật nhưng có sự hợp tác với nước ngoài lại bị Cánh diều thẳng thừng nói “không”. Ở Cánh diều 2015, Hội Điện ảnh Việt Nam đã từ chối thẳng thừng việc cho phim Em là bà nội của anh, một bộ phim có doanh thu “khủng” nhất năm vì đây không phải là phim thuần Việt. Ở Cánh diều 2016 bộ phim Vệ sỹ Sài Gòn lại tiếp tục bị liệt vào danh sách cần xem xét với lý do được thực hiện bởi đạo diễn người Nhật Bản.

Làm thế nào để “Oscar” Việt lấy lại uy tín? Đây là một câu hỏi khó đối với các nhà chuyên môn, bởi điện ảnh Việt cần một quá trình dài để thay đổi. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của công nghệ, nguồn nhân lực dồi dào và sự “chịu chi”, dám nghĩ, dám làm của không ít nhà sản xuất tư nhân, nhiều người vẫn kỳ vọng phim Việt sẽ có thêm nhiều khởi sắc cũng như giải Cánh diều sẽ được nâng tầm, có sức hút hơn nữa.


Nam Phương
Ý kiến của bạn