Opioid không phải lúc nào cũng cần thiết để giảm đau sau phẫu thuật

23-12-2021 16:38 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Opioid được dùng để giảm đau từ trung bình đến nặng, và thường kê dùng sau phẫu thuật. Nghiên cứu mới của Đại học Michigan, Hoa Kỳ cho thấy, bệnh nhân không cần dùng thuốc giảm đau opioid để kiểm soát cảm giác khó chịu sau phẫu thuật.

Các thuốc giảm đau opioid rất dễ bị lạm dụng và gây nghiệnCác thuốc giảm đau opioid rất dễ bị lạm dụng và gây nghiện

SKĐS - Các thuốc giảm đau opioid như hydrocodone, oxycodone, codeine hoặc morphine... được kê đơn sử dụng để điều trị một số loại đau cấp tính và mạn tính từ trung bình đến nặng, nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, mà đáng chú ý nhất là gây nghiện.

Lạm dụng thuốc giảm đau opioid có thể gây nghiện

Thuốc giảm đau opioid là loại thuốc có hiệu quả giảm đau cao trong nhiều trường hợp chấn thương nặng như gãy xương, bỏng, giảm đau sau phẫu thuật, ung thư… Thuốc cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng có thể dẫn đến nguy cơ lệ thuộc thuốc, nghiện thuốc...

Hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau opioid đang là một vấn nạn ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người trên toàn thế giới. Thống kê cho thấy, tại châu Âu, trong năm 2015 – 2018 có tới 81% số ca tử vong do sử dụng thuốc quá liều liên quan đến thuốc giảm đau opioid. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ít nhất 70% trường hợp tử vong ở Hoa Kỳ vào năm 2019 liên quan đến sử dụng thuốc quá liều, trong đó có khoảng 49.000 người có liên quan đến opioid.

photo-1640243081362

Thuốc giảm đau chứa opioid cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Nghiên cứu cho thấy, nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật không cần kê đơn opioid 

Phục hồi sau phẫu thuật tim có thể mang lại một số đau đớn. Thông thường phải sử dụng một số loại thuốc giảm đau trong giai đoạn này. Trung bình bệnh nhân bắc cầu hoặc sửa van phải mất ít nhất một tuần trong bệnh viện sau khi phẫu thuật. Do đó, vai trò của opioid nhằm giảm đau giai đoạn sau hậu phẫu rất quan trọng.

Tuy nhiên nghiên cứu mới tại Đại học Michigan, Hoa Kỳ, cho thấy rằng, việc sử dụng opioid lâu dài sau khi xuất viện không phải lúc nào cũng cần thiết và nhiều bệnh nhân không cần opioid theo đơn.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hơn 1.900 bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật bắc cầuphẫu thuật van tim hoặc kết hợp cả hai thủ thuật. Trong số đó có khoảng 28% bệnh nhân không nhận được đơn thuốc giảm đau opioid khi xuất viện. Bệnh nhân lớn tuổi hoặc ở bệnh viện lâu hơn sau khi phẫu thuật ít được kê đơn opioid hơn.

Kết quả cho thấy, số bệnh nhân xuất viện mà không dùng thuốc giảm đau opioid sau khi phẫu thuật tim vẫn có thể kiểm soát tốt cơn đau. Nói cách khác, việc kê đơn thuốc giảm đau cho người sau phẫu thuật là không cần thiết hoặc chỉ kê đơn trong một số trường hợp cần thiết.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có khoảng 10% bệnh nhân nghiện opioid sau khi phẫu thuật tim và điều này có liên quan nhiều đến lượng opioid mà họ được kê đơn khi xuất viện.

Trên thực tế, trong nhiều thập kỷ, các bác sĩ phẫu thuật đã vô tình góp phần đáng kể vào việc lạm dụng thuốc giảm đau chứa opioid. Thuốc opioid được sử dụng với mục đích giúp giảm đau và giảm bớt lo lắng về cơn đau. Tuy nhiên, sai lầm ở đây là do kê quá nhiều chứ không phải do kê thuốc giảm đau có chất gây nghiện.

Với kết quả này, các bác sĩ có thể yên tâm kê đơn thuốc giảm đau không chứa opioid cho bệnh nhân sau phẫu thuật mà không hề ảnh hưởng đến việc kiểm soát cơn đau. Đồng thời, việc không kê đơn thuốc opioid cũng giúp giảm nguy cơ nghiện opioid sau phẫu thuật.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà.

DS. Hoàng Vân
(Theo drugs.com, 17/12/2021)
Ý kiến của bạn