Ngày 29/8, 398 nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ tự do cầm quyền (DPJ) đã tìm cho mình người “thuyền trưởng” mới, người thay thế Thủ tướng Naoto Kan vừa từ chức Thủ tướng đồng thời là Chủ tịch đảng này. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản. Cuộc đua vào “chiếc ghế nóng” trên chính trường Nhật Bản lần này lại không hề dễ dàng.
Cuộc đua cam go
Ngay sau khi Thủ tướng Naoto Kan từ chức, 5 nghị sĩ của đảng DPJ cầm quyền đã chính thức tuyên bố tham gia tranh cử vị trí Chủ tịch DPJ. Đó là cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara, Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda, Bộ trưởng Nông nghiệp Michihiko Kano, cựu Bộ trưởng Giao thông và cơ sở hạ tầng Sumio Mabuchi và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Banri Kaieda. Đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên trong DPJ mà có số ứng cử viên kỷ lục từ khi đảng này được thành lập vào năm 1998, nên cuộc đấu trở nên cam go và khó dự đoán hơn.
Theo thông báo từ kết quả cuộc bầu cử ngày 29/8, Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda đã đắc cử Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản, mở đường cho ông trở thành Thủ tướng kế nhiệm của xứ sở hoa Anh Đào. Mặc dù trước đó, giới truyền thông vẫn loan báo về một cuộc đấu cam go giữa các ứng cử viên. Xong trong cuộc đua vào chiếc ghế Thủ tướng lại chỉ có hai đối thủ chính là Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Kaieda. Ông Kaieda mặc dù được sự hậu thuẫn của cựu Chủ tịch Ozawa, người lãnh đạo phái lớn nhất trong DPJ với khoảng 120 ghế nghị sĩ chỉ giành được 177 phiếu, kém xa so với ông Yoshihiko Noda giành được 215 phiếu bầu. Trước cuộc bầu cử, giới phân tích cho rằng, ứng cử viên nào nhận được sự ủng hộ của ông Ozawa, một nhân vật đầy quyền lực trên chính trường Nhật Bản sẽ giành chiến thắng. Nhưng ông Yoshihiko Noda lại nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng và Phó chánh Văn phòng nội các Yoshito Sengoku, một nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong đảng.
Ông Yoshihiko Noda năm nay 54 tuổi, tốt nghiệp Trường đại học Waseda và được bầu vào Quốc hội Nhật Bản từ năm 1993 khi còn là thành viên đảng Nhật Bản Mới. Ông Noda được coi là người có thể đảm bảo tính liên tục của những chính sách từ thời ông Kan. Ông có chủ trương tăng thuế để khôi phục tài chính công của Nhật Bản. Những hiểu biết của ông về các vấn đề tài chính phức tạp mà Nhật Bản đang phải đối mặt - từ việc huy động tiền để tái thiết phía Đông Bắc bị thảm họa kép, tới việc tái thiết hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Ông Naoto Kan (bên phải) chúc mừng ông Yoshihiko Noda. |
Thách thức đang chờ tân Thủ tướng
Nhìn vào những việc đang chờ tân Thủ tướng Nhật mới thấy “chiếc ghế” của ông quả thật quá nóng và được dư luận rất quan tâm. Trước mắt, Thủ tướng mới sẽ phải điều hành ngay một chính đảng cầm quyền đầy chia rẽ, một cuộc chiến phe phái dai dẳng nhiều năm trong nội bộ DPJ. Thêm vào đó là việc các tổ chức quốc tế như Moody tuyên bố hạ xếp hạng tín dụng của Nhật xuống mức Aa3 cũng trở thành một khó khăn không nhỏ. Các tổ chức quốc tế đang lo ngại sự thay đổi liên tục của bộ máy lãnh đạo Nhật Bản đang là cản trở chính trong việc điều hành chính sách kinh tế dài hạn của nước này, cộng thêm khoản nợ khổng lồ của Chính phủ lên tới 225% GDP hay vấn đề đồng yên tăng giá. Với số dân là 127 triệu người thì mỗi người dân Nhật Bản hiện đang phải gánh tới 7,38 triệu yên. Ngoài ra còn một loạt các vấn đề nổi cộm ở Nhật Bản thời gian qua như việc tái thiết đất nước sau thảm họa, giải quyết các vấn đề hạt nhân ở đất nước năng lượng mà điện hạt nhân đang chiếm đa số…
Chỉ trong vòng 5 năm mà Nhật Bản có tới 5 Thủ tướng và đây là lần tìm kiếm người đứng đầu Chính phủ thứ 6 của Nhật Bản. Liệu đây có phải là vị Thủ tướng sẽ tại nhiệm được hết một nhiệm kỳ và đưa Nhật Bản thoát khỏi vòng xoáy suy thoái và bất ổn trên chính trường? Ông Yoshihiko Noda, người sắp trở thành tân Thủ tướng sẽ làm được nếu ông có thể lôi kéo được sự đoàn kết trở lại trong nội bộ đảng cầm quyền và khôi phục niềm tin từ các đảng đối lập khác.
Hải Xuân (Theo Kyodo News, Japan Times)