Vì vậy, trong một năm thời tiết bất thường như vậy dễ sinh ra khí độc (vi khuẩn). Trẻ em, người lớn nếu chính khí kém tà khí (vi khuẩn) dễ xâm nhập cơ thể và đều mắc một chứng giống nhau. Đông y gọi là bệnh thời khí.
Nếu cảm mạo thời khí nhẹ, bệnh chỉ ở da lông không vào kinh lạc, gọi là cảm phong hàn, sau một thời gian sẽ tự khỏi. Nặng gọi là cảm mạo lưu hành (bệnh cúm) thuộc loại truyền nhiễm do virus dễ biến chứng, lây truyền nhiều người thành dịch. Khi đã thành dịch, nếu sức khỏe kém có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Theo kinh nghiệm dân gian: Chứng cảm mạo lưu hành thường lây qua đường thở. Để đề phòng trước hết phải cách ly, sát trùng nơi ở theo kinh nghiệm dân gian xông giấm. Mỗi buổi sáng thức dậy dùng 100ml giấm ăn bắc lên bếp đun cho giấm sôi. Đóng kín cửa cho mùi giấm lan tỏa khắp nhà, mọi người hít vào khó chịu phải hắt hơi sổ mũi mới đạt yêu cầu. Khi mùi giấm đã tỏa ra khắp nhà thì mở hết cửa ra để cho mùi giấm lan tỏa ra ngoài trời. Nếu vào thời kỳ đó trời nắng thì mở cửa để ánh sáng lọt vào nhà tiêu diệt vi khuẩn, virus (Đông y gọi là khí độc). Do những gia đình sản xuất giấm cả gia đình không bao giờ bị cảm mạo lưu hành nên mới có sáng kiến này.
Nếu không có giấm thì dùng quả bồ kết, mỗi lần dùng 5-7 quả đốt lên xông. Tại một số vùng ở Nghệ Tĩnh, trước đây các cụ lương y còn hướng dẫn nhân dân khi bị cảm mạo, mỗi ngày người lớn ăn 20g nghệ tươi. Nghệ trong Đông y gọi khương hoàng, có vị cay đắng, tính ôn, có tác dụng hành khí thanh huyết, chống viêm, kháng vi sinh gây bệnh uống với 20ml giấm thanh (loại giấm nuôi bằng rượu 100) trẻ em dùng 1/2 liều người lớn. Ngày uống 1 lần vào buổi sáng, uống liên tục 3 ngày. Mỗi buổi sáng ngủ dậy súc miệng bằng nước muối 2%.
Nếu cảm mạo thể lưu hành truyền nhiễm thể phong hàn thì phải mặc ấm giữ kín cổ, đeo khẩu trang, xoa dầu nóng. Khi bệnh mới phát có thể cho người bệnh xông bằng các loại lá: bưởi, sả, bạch đàn... Nếu cảm phong nhiệt có mồ hôi thì không mặc nóng quá, nếu đã cách ly thì người bệnh không đeo khẩu trang, không xoa dầu nóng, không xông hơi vì để thoát mồ hôi, làm tổn thương chính khí, bệnh càng nặng thêm.
Đốt bồ kết xông khói để khử trùng, trị cảm mạo, nghẹt mũi.
Theo y học cổ truyền: Bệnh chia thành 4 loại khác nhau. Cách điều trị cũng khác nhau.
Ngoại cảm phong hàn: Bệnh thường phát về mùa đông xuân, tà khí thường xâm phạm vào biểu bì, nhưng biểu bì lại có quan hệ biểu lý với phế (phổi) làm cho phế mất công năng giáng khí, bệnh nhân có triệu chứng sốt, sợ lạnh, nhức đầu, không có mồ hôi, ngạt mũi, sổ mũi, khó thở, đau nhức mỏi tay chân, ngứa họng ho, lưỡi có rêu trắng, mạch phù. Điều trị: Tân ôn giải biểu. Bài thuốc: Kinh phong bại độc thang: kinh giới 12g, phòng phong 12g, khương hoạt 8g, độc hoạt 8g, sài hồ 6g, tiền hồ 12g, chỉ xác 6g, xuyên khung 8g, sinh khương 12g, phục linh 12g, cam thảo 4g, cát cánh 12g, bạc hà 6g. Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn. Uống 7 ngày liên tục là bệnh khỏi.
Ngoại cảm phong nhiệt: Bệnh thường phát về mùa đông xuân, nhiệt tà xâm phạm phế và vệ khí, làm phế khí mất chức năng thăng giáng, biểu bì bị vít lấp lại, nhiệt uất lại bên trong. Triệu chứng: sốt cao, sợ gió, mồ hôi ra dâm dấp, đầu đau, miệng khô, ho khan, họng sưng tấy mà đau, bệnh nhân khó thở, có trường hợp chảy máu mũi, đại tiện bí kết, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác. Điều trị: Dùng phương pháp tân lương giải biểu. Bài thuốc: Tang cúc ẩm: tang diệp (lá dâu khô) 16g, cúc hoa 12g, hạnh nhân 8g, cam thảo 6g, cát cánh 12g, lô căn 12g, liên kiều 12g, bạc hà 6g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia thêm một số vị thuốc khác. Nếu bệnh nhân ho nhiều có đờm có thể dùng bài Ngân kiều tán: kim ngân hoa 12g, liên kiều 12g, cát cánh 12g, bạc hà 6g, ngưu bàng tử 12g, cam thảo 4g, trúc diệp 12g, kinh giới 12g, đậu xị 12g. Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống liên tục 7 ngày.
Chứng phong nhiệt kiêm thử: Đã dùng thuốc điều trị chứng phong nhiệt nhưng không đỡ. Người vẫn sốt, ít mồ hôi, tâm phiền miệng khát, đau tức vùng ngực, khó thở, nước tiểu đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, mạch nhu sác. Điều trị: Thanh thử, lợi thấp. Bài thuốc: Hoàng liên hương nhu ẩm: hoàng liên 8g, hương nhu 16g, hậu phác 12g, biển đậu 12g, tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm thêm các vị khác. Cách dùng: Ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày; uống trước khi ăn 15 phút. Uống liên tục 7 ngày.
Chứng phong hàn kiêm thấp: Triệu chứng: sốt nhẹ, sợ rét, đầu nặng, tay chân mệt mỏi, tức ngực, miệng nhạt, buồn nôn, có khi nôn, bụng trướng đầy, đại tiện phân sền sệt, rêu lưỡi dày nhớt, mạch nhu. Điều trị: Giải biểu hóa thấp. Bài thuốc: Khương hoạt thắng thấp thang: khương hoạt 12g, độc hoạt 8g, xuyên khung 8g, mạn kinh tử 12g, cam thảo 4g, phòng phong 12g, cảo bản 12g. Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn. Nếu bệnh nặng thuộc dạng cảm mạo lưu hành (cảm cúm) dùng bài Hoắc hương chính khí tán: hoắc hương 12g, hậu phác 10g, tô diệp 12g, trần bì 12g, đại phúc bì 12g, cam thảo 4g, bạch chỉ 12g, phục linh 12g, bạch truật 12g, bán hạ (chế) 10g, cát cánh 12g, sinh khương 12g, đại táo 12g. Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.
Ăn uống: Nếu bệnh thuộc thể phong hàn thì người bệnh không ăn các thức ăn sống, lạnh, uống nước mát. Thể phong nhiệt thì người bệnh không ăn các thứ cay nóng, uống rượu bia. Ăn các thức ăn dễ tiêu hóa.