Kế hoạch này được xem như một phiên bản nâng cấp của chiến lược "gây sức ép tối đa" mà ông Trump đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu.
Lần này, sự quyết liệt có thể sẽ càng gia tăng do các cáo buộc cho rằng Tehran từng lên kế hoạch ám sát ông và các cố vấn an ninh hàng đầu sau khi ông rời nhiệm sở.
Ông Trump từ lâu nổi tiếng với lập trường cứng rắn đối với Iran. Trong nhiệm kỳ đầu, ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 – một thỏa thuận nhằm kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.
Ông cho rằng thỏa thuận này chưa đủ mạnh để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran và đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt về dầu mỏ, thương mại và tài chính.
Năm 2020, ông Trump ra lệnh tiêu diệt tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds của Iran, làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Các cựu quan chức cho rằng chiến lược mới của ông đối với Iran có thể sẽ chịu ảnh hưởng bởi các cáo buộc ám sát, mặc dù Tehran phủ nhận mọi liên quan.
Mick Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, nhấn mạnh rằng ông Trump thường phản ứng quyết liệt trước những vấn đề như vậy, đặc biệt khi Iran là đối thủ.
Theo WSJ, nhóm của ông Trump đã lên kế hoạch giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, bao gồm giám sát chặt chẽ các cảng biển và truy quét các thương nhân nước ngoài giao dịch với Iran. Hiện tại, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất nhập khẩu dầu thô của Iran.
Một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết, ông Trump cũng sẽ tăng cường cô lập Iran về tài chính và ngoại giao, đồng thời khai thác các điểm yếu nội bộ của Tehran.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Đông đang chìm trong xung đột. Israel đang phải đối đầu với Hamas tại Dải Gaza và Hezbollah tại Lebanon – hai tổ chức có quan hệ chặt chẽ với Iran.
Chính phủ Iran tỏ ra thờ ơ trước những thay đổi lãnh đạo tại Mỹ. Phát ngôn viên Fatemeh Mohajerani khẳng định: "Chính sách của chúng tôi đối với Mỹ sẽ không thay đổi. Ai làm tổng thống Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân Iran".