Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên (2017-2021), ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, một hiệp định nhằm hạn chế khả năng Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, ông thực hiện chiến lược "gây sức ép tối đa", bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao.
Theo Wall Street Journal, đội ngũ của ông Trump hiện đang thảo luận về một phiên bản nâng cấp – "gây sức ép tối đa 2.0" – với khả năng bao gồm cả hành động quân sự. Trong một cuộc điện đàm gần đây với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Trump nhấn mạnh, sẽ không để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân dưới nhiệm kỳ của mình.
Iran và Israel: Một cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài
Tehran phủ nhận việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, nhưng đã gia tăng tích trữ uranium làm giàu cao như một phản ứng trước việc Washington rút khỏi thỏa thuận năm 2015.
Về phía mình, Israel – nước coi Iran là mối đe dọa sống còn – đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn như Hamas và Hezbollah. Những chiến dịch này nhằm chống lại "trục kháng chiến" do Iran dẫn đầu.
Trong khi đó, Syria, một đồng minh lâu năm của Iran, vẫn chìm trong hỗn loạn sau khi các nhóm vũ trang lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad vào tuần trước. Tình hình khu vực ngày càng phức tạp, khiến nguy cơ xảy ra xung đột quy mô lớn giữa các bên gia tăng.
Kế hoạch tấn công Iran: Mỹ-Israel bắt tay?
Các cố vấn của Tổng thống Trump đang cân nhắc việc hỗ trợ Israel thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân chiến lược của Iran như Natanz, Fordow và Isfahan.
Một số ý kiến thậm chí đề xuất khả năng Mỹ tham gia trực tiếp trong các chiến dịch này, cung cấp máy bay ném bom hạng nặng và bom phá boongke để phá hủy các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tờ Times of Israel cũng đưa tin rằng chính quyền Netanyahu đang chuẩn bị kế hoạch tấn công Iran. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Israel có đủ khả năng gây ra thiệt hại đáng kể bằng kho vũ khí hiện tại hay không.
Trong năm 2024, Iran và Israel đã 2 lần tấn công trực tiếp lẫn nhau. Iran trả đũa mạnh mẽ sau các hành động mà họ cho là khiêu khích, bao gồm cuộc không kích vào lãnh sự quán Iran tại Damascus hồi tháng 4 và vụ ám sát lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh khi ông đang thăm Tehran vào tháng 7.