Quyết “bẻ tên cởi giáp” để chữa bệnh cứu người
Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông (1724 - 1791) nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông mất ở quê mẹ, xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) thọ 67 tuổi. Lê Hữu Trác được sinh trưởng trong một gia đình khoa mục, cha là Lê Hữu Mưu đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ công, Triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư và mẹ là Bùi Thị Thưởng.
Lê Hữu Trác lúc nhỏ theo cha đi học ở Kinh thành Thăng Long, nổi tiếng là người thông minh học giỏi, hiểu rộng, thơ hay. Năm Kỷ Mùi (1739), cha mất, ông phải thôi học, nhưng về nhà ông vẫn tiếp tục đọc sách, sau đó thi vào Tam Trường rồi sau không đi thi nữa.
Lê Hữu Trác lớn lên giữa lúc chế độ phong kiến triều Lê đang tan rã, nhà Trịnh đoạt quyền vua Lê. Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn tranh giành quyền lực, khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi. Năm 1740, nghĩa quân Hoàng Công Chất đánh chiếm Khoái Châu, sát huyện Yên Mỹ. Lê Hữu Trác khi ấy 20 tuổi, phải lánh đi nơi khác để tiếp tục đọc sách, ông học binh pháp, rồi tòng quân. Song sống trong hàng ngũ quân Trịnh, ông tận mắt nhìn thấy sự mục nát của chính quyền phong kiến, cảnh đau thương của nhân dân. Vì vậy, khi được tin người anh ở Hương Sơn tạ thế, Lê Hữu Trác viện cớ xin về nuôi mẹ, ông quyết định ra khỏi quân Trịnh.
Về nhà ít lâu, Lê Hữu Trác bị bệnh nặng. Ông tìm đến Lương y Trần Độc ở Rú Thành (Nghệ Tĩnh) để điều trị, dưỡng bệnh ở đó hơn một năm. Ông mượn sách thuốc để đọc, lại thấy làm nghề y là có lợi thiết thực cho mình, cho người nên ông quyết chí học thuốc. Khỏi bệnh về nhà, ông mải miết đọc sách thuốc, một lần tướng Trịnh mời ông ra cầm quân, nhưng ông cương quyết chối từ. Ông xác định chí hướng làm thuốc giúp người.
Mùa thu năm Bính Tý (1756), Lê Hữu Trác ra kinh đô để học thêm nhưng không gặp được thầy giỏi, ông mua thêm sách thuốc mang về Hương Sơn nghiên cứu, đồng thời chữa bệnh cho nhân dân ở địa phương. Sau mười năm, ông đã nổi tiếng khắp vùng Hoan Châu (Nghệ Tĩnh).
Từ năm 1760, ông mở lớp truyền dạy y thuật, nghiên cứu kinh điển Trung y kết hợp với y học cổ truyền biên soạn trong 26 năm bộ sách thuốc Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, 28 tập, 66 quyển, là một bộ sách lớn về y học.
Ngày 12/1 năm Cảnh Hưng 43 (1782), Chúa Trịnh triệu Lãn Ông ra chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, Lãn Ông không muốn phải lụy về thư danh, nhưng ông vẫn phải từ biệt quê hương lên kinh đô. Thế tử uống thuốc, bệnh bớt nhưng Lãn Ông xét bệnh khó lòng khỏi, nhân có người tiến cử một lương y khác vào chữa, ông lấy cớ người nhà đau nặng xin về.
Di sản đồ sộ về cả y học và văn hóa
Sau mấy chục năm tận tụy với nghề, Hải Thượng Lãn Ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ. Tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc, kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc.
Với kiến thức rộng, chuẩn bệnh, kê đơn thận trọng nên Hải Thượng Lãn Ông đã chữa khỏi nhiều trường hợp khó mà người khác chữa mãi không khỏi. Tên tuổi ông vì thế lan rất nhanh khắp vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, ra tới tận kinh thành Thăng Long. Cũng trong thời kỳ này, cùng với việc chữa bệnh, cứu người, Hải Thượng còn mở trường đào tạo thầy thuốc. Người quanh vùng và các nơi xa nghe tiếng đều tìm đến học rất đông. Ngoài ra, ông còn tổ chức ra Hội y, nhằm đoàn kết những người đã học xong ra làm nghề và để có cơ sở cho họ liên lạc, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Vừa chữa bệnh, vừa dạy học, Hải Thượng Lãn Ông vừa biên soạn sách. Bộ sách ‘Y tông tâm lĩnh’ (những điều đã lĩnh hội được của những thầy thuốc trước) được Hải Thượng Lãn Ông công phu biên soạn trong gần 10 năm trời, bắt đầu vào lúc ông đã 40 tuổi (1760) và căn bản hoàn thành khi ông tròn 50 tuổi (1770). Nhưng từ đó cho đến một năm trước khi ông mất, nghĩa là trong vòng 20 năm sau, Hải Thượng còn viết bổ sung thêm một số tập trong ‘Y tông tâm lĩnh’ như ‘Y hải cầu nguyên’ (1782), ‘Thượng Kinh ký sự’ (1783), ‘Vận khí bí điển’ (1786). Sách của ông được truyền bá rộng rãi khắp mọi nơi và được nhiều học trò tín nhiệm nhưng tất cả đều không được in.
Mãi đến một thế kỷ sau, vào năm 1885, năm trị vì đầu tiên của Vua Hàm Nghi, may mắn thay, hậu duệ và các thế hệ học trò cùng những người làm nghề y học cổ truyền ở nước ta mới sưu tầm được tương đối đầy đủ và nhờ nhà sư Thanh Cao (trụ trì ở chùa Đồng Nhân, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũ) đem khắc ván và in. Nhờ vậy, đến nay, chúng ta mới được thừa hưởng một tài sản vô giá của nền y học cổ truyền Việt Nam gọi là ‘Hải Thượng Y tông tâm lĩnh’ gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh…
Các tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Ông đã tạo nền móng phát triển cho ngành Đông y Việt Nam. Phần quan trọng nữa của những bộ sách phản ảnh sự nghiệp văn học và tư tưởng của Hải Thượng Lãn Ông. Tác phẩm “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” đã chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được coi là "Bách khoa thư" y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại được Việt Nam và các cuốn như “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh ký sự” không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.
Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư. Ông là người có chí lớn, học rộng, tài cao, đã xây dựng sự nghiệp vĩ đại trong nền y học, lấy phương châm phục vụ sức khỏe nhân dân làm sứ mạng của mình. Chẳng những chữa bệnh mà cụ còn nêu các phương pháp phòng bệnh.
Suốt 40 năm làm thuốc, Hải Thượng Lãn Ông đã đem hết tinh thần, nghị lực để xây dựng nền đông y Việt Nam toàn diện. Vừa có lý luận, phương pháp và thực tiễn về trị liệu, dùng các cây thuốc Việt Nam phù hợp với bệnh tật của người Việt Nam.
Ngày nay, để ghi nhận công lao to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác, hằng năm Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ban ngành, các địa phương, tổ chức, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để tỏ lòng biết ơn vì những đóng góp của ông đối với nền y học nói riêng và nền văn hóa Việt Nam nói chung.
Với tinh thần không chỉ tri ân, học tập, tôn vinh, mà hơn thế nữa, tiếp thu và phát huy giá trị của di sản Hải Thượng Lãn Ông trong thời đại ngày nay, Bộ Y tế đã từng ra Quyết định về việc quy định "Đạo đức hành nghề Y Dược", lấy 9 điều trong Y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông làm "Đạo đức hành nghề Y Dược"; từng lấy ngày mất của ông làm ngày truyền thống y dược; từng ban hành Quy chế "Xét tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác Y Dược" Việt Nam;...
Thực hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam, nhằm tri ân những, công lao, đóng góp, cống hiến của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn học, văn hóa của dân tộc Việt Nam, Bộ Y tế và UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2024.