Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và 17 đối tác đối thoại sẽ thảo luận các vấn đề nóng ở khu vực, trong đó có vấn đề an ninh hàng hải.
Theo bản dự thảo dự kiến sẽ được thông qua tại ARF khai mạc hôm nay, hơn 20 nước châu Á đã nhất trí sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để chống lại chủ nghĩa cực đoan trong khu vực. Hãng tin Reuters cho biết, các Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN và 17 nước đối tác - đối thoại kỳ vọng sẽ hình thành một cơ chế khu vực để giải quyết mối đe dọa an ninh. Trong đó, ARF sẽ thảo luận về việc hình thành một cơ chế để tăng cường các nỗ lực về an ninh công nghệ truyền thông thông tin, vấn đề mà Nhật Bản, Malaysia và Singapore đã tình nguyện đi đầu.
Đáng chú ý, trước thềm diễn đàn ARF hôm nay, tại hội nghị Ngoại trưởng ASEAN Trung Quốc ngày 6/8, các bên đã đạt được sự nhất trí về dự thảo khung bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Giới phân tích nhận định văn kiện này sẽ giúp ASEAN và Trung Quốc tiến tới thương lượng một bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất góp phần giảm bớt căng thẳng và duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông trên cở sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ tư, trái sang) chụp ảnh cùng các Ngoại trưởng tại lễ khai mạc Hội nghị AMM lần thứ 50 ở Manila (Philippines) ngày 5/8.
Việt Nam đề nghị sớm khởi động đàm phán thực chất COC
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) đang diễn ra tại Thủ đô Manila, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị ASEAN đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc, sớm khởi động đàm phán thực chất bộ Quy tắc về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông đối với hòa bình, ổn định của khu vực. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh cần giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao; các nước cần tiếp tục ủng hộ các nỗ lực xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, việc xây dựng cách tiếp cận phù hợp, thỏa đáng về biển Đông, một mặt đóng góp thiết thực của ASEAN đối với hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực; mặt khác chính là thước đo năng lực, hiệu quả của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Đồng thuận mới có thể phát triển
Trong khuôn khổ AMM 50 sẽ diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 1 với 10 nước đối thoại (bao gồm Canada, Hàn Quốc, Australia, Nga, Trung Quốc, New Zeland, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu). Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với mỗi Đối tác Đối thoại sẽ xem xét các bước tiến trong mối quan hệ đối thoại thời gian qua, bao gồm việc thực hiện Kế hoạch hành động theo 3 trụ cột của ASEAN, mở đường cho việc hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Các Ngoại trưởng cũng trao đổi quan điểm các vấn đề quốc tế và khu vực mà các bên quan tâm chung như hợp tác an ninh hàng hải, đối phó với chủ nghĩa cực đoan, chống cướp biển...
Tại hội nghị, các nước ASEAN chia sẻ nhận thức chung về duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh hiện nay, nhất là đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Các nước nhất trí cho rằng cần đóng góp hiệu quả và thiết thực duy trì hòa bình, ổn định, thông qua kiềm chế, xây dựng lòng tin và nhất là cần tránh các hành động có thể gây phương hại tới hòa bình, ổn định trong khu vực này, trong đó có bồi đắp, tôn tạo và quân sự hóa các thực thể trên biển.
Các Ngoại trưởng ASEAN đã chia sẻ quan ngại về các thách thức an ninh chung ở khu vực, cả truyền thống và phi truyền thống. “Các nước ASEAN hối thúc Triều Tiên tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. ASEAN ủng hộ nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình, kêu gọi các bên kiềm chế, tham gia đối thoại để giảm căng thẳng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar nói.
Trong các nỗ lực chống khủng bố, Philippines - nước chủ nhà AMM 50 cho biết, hệ tư tưởng cực đoan theo Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang chiếm lĩnh tại khu vực miền Nam nước này. Chính vì thế, việc nhất trí một chiến lược an ninh chung của ASEAN chống lại chủ nghĩa khủng bố được coi là một ưu tiên lớn đặt ra hiện nay. Hãng tin Reuters cho biết, các Bộ trưởng ASEAN đã sẵn sàng hành động để ngăn chặn các đối tượng thánh chiến đang sử dụng mạng truyền thông xã hội để gieo rắc tư tưởng cực đoan, tuyển mộ và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố. Việc đưa ra một kế hoạch chung chống IS và các tổ chức khủng bố cực đoan khác cũng sẽ là một điểm nhấn tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 50 lần này.