Hà Nội

Ông Tập Cận Bình: “Trung Quốc phải tăng cường phòng thủ biên giới”

30-06-2014 11:10 | Quốc tế
google news

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc phải tăng cường bảo vệ các đường biên giới trên bộ và trên biển, vào lúc vấn đề Biển Đông gây thêm căng thẳng

Theo RFI, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc phải tăng cường bảo vệ các đường biên giới trên bộ và trên biển, vào lúc vấn đề Biển Đông gây thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng.

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình tuyên bố như trên trong một cuộc họp toàn quốc vào ngày hôm 27/06/2014, với sự tham gia của các lãnh đạo khác của Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Lý Khắc Cường và Ngoại trưởng Vương Nghị.

Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình nhắc lại rằng, "chính sự yếu kém của quốc gia trong quá khứ đã giúp những kẻ ngoại xâm phá vỡ phòng thủ biên giới trên bộ và trên biển của Trung Quốc hàng trăm lần, đẩy đất nước Trung Quốc đến tận cùng của tai họa".

Ông kêu gọi người dân Trung Quốc "không được quên quá khứ nhục nhã đó và xây dựng biên giới vững chắc".

Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc còn kêu gọi các lực lượng bảo vệ biên giới phải giám sát chặt chẽ và kiểm soát đường biên giới và sẵn sàng có hành động để bảo vệ quyền trên biển của Trung Quốc.

Từ khi lên cầm quyền cho đến nay, ông Tập Cận Bình vẫn kêu gọi Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự hòng để có thể "trăm trận trăm thắng".

Theo Tân Hoa Xã, trong bài phát biểu hôm 27/6, ông Tập Cận Bình đã thúc giục các lãnh đạo dân sự và quân sự phải giữ sự cân bằng giữa phòng thủ biên giới và phát triển kinh tế. Tuy vẫn tìm cách kích động tinh thần dân tộc, giới lãnh đạo Bắc Kinh thừa hiểu rằng sự ủng hộ của người dân là tùy thuộc chủ yếu vào thành công kinh tế của Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc công bố bản đồ mới không chỉ vẽ đường biên giới bao phủ gần như toàn bộ vùng Biển Đông, mà còn bao gồm luôn cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, khiến thủ hiến của bang này phải lên tiếng phản đối.

Theo báo chí Ấn Độ hôm 28/06/2014, thủ hiến bang Arunachal Pradesh, Nabam Tuki đã tuyên bố rằng: "Hành động này của Trung Quốc không có gì là mới. Chúng tôi phản bác và lên án yêu sách chủ quyền của họ trên vùng Arunachal Pradesh". Ông Tuki cho biết sẽ yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi can thiệp trong vụ này.

Theo Bizlive

 

 
Giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Xung quanh việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam
(cập nhật liên tục)
Diễn biến

 


Ý kiến của bạn