Hội nghị năm nay có sự tham dự của 28/33 quốc gia thành viên và vùng lãnh thổ trong Khu vực TTBD, với 15 Bộ trưởng, 4 Thứ trưởng/Trợ lý Bộ trưởng cùng nhiều quan chức và các chuyên gia y tế. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế và đối tác lớn trên thế giới cũng tham dự hội nghị như: Liên minh Toàn cầu về vaccin và tiêm chủng (GAVI), Quỹ Toàn cầu (Global Fund), Tổ chức Phòng ngừa mù lòa quốc tế, Quỹ Phòng chống đái tháo đường quốc tế, Liên đoàn Dược phẩm quốc tế... Đặc biệt, bà Margaret Chan - Tổng Giám đốc WHO đã tham dự hội nghị năm nay của WHO Khu vực TTBD.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc hội nghị với tư cách Chủ tịch Hội nghị Khu vực TTBD lần thứ 63 của WHO (Hội nghị lần thứ 63 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội từ ngày 24 - 28/9/2012).
Các đại biểu dự Hội nghị WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 64. |
Bài phát biểu của Bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng sự đoàn kết và phối hợp giữa các quốc gia và các diễn đàn quốc tế, sự phối hợp liên ngành và huy động các nguồn lực cần thiết để cùng nhau giải quyết những thách thức về y tế của khu vực nhằm đạt được các mục tiêu chung. Bài phát biểu cũng đánh giá cao những tiến bộ về y tế đã đạt được của khu vực kể từ Hội nghị lần thứ 63 đến nay trên các lĩnh vực như phòng chống bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, thanh toán bại liệt, sởi, bao phủ y tế toàn dân, ứng phó khẩn cấp với thảm họa, tăng cường sức khỏe cộng đồng, phát triển hệ thống y tế, cải cách WHO... Trên cương vị Chủ tịch Hội nghị lần thứ 63, thay mặt các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của WHO, sự lãnh đạo hiệu quả của cá nhân bà Margaret Chan - Tổng Giám đốc WHO, TS. Shin Young soo - Giám đốc WHO Khu vực TTBD và mạng lưới các chuyên gia của WHO dành cho các quốc gia thành viên của WHO.
Trong bài phát biểu tham luận của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chia sẻ những định hướng và chiến lược phát triển về y tế của Việt Nam trong thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, dựa trên những chính sách định hướng chung của khu vực và những hướng dẫn kỹ thuật của WHO, trong những năm tới, Việt Nam sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, bao gồm tiếp tục thực hiện lộ trình bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, cải cách tài chính y tế, tăng cường quản lý bệnh viện, quản lý và sử dụng thuốc hiệu quả, hợp lý, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, phấn đấu đạt được các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ liên quan đến y tế đến năm 2015, củng cố và tăng cường mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế công bằng và có chất lượng cao.