Tại cuộc họp của nhóm G20 ở Nam Kinh - Trung Quốc, các bên đã thảo luận về khả năng cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế. Pháp đề nghị IMF mở rộng “quyền trích xuất đặc biệt” (SDR - Special Drawing Rights) đến đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc.
Tổng thống Pháp đã đề nghị kết nạp đồng tiền Trung Quốc vào rổ tiền tệ quốc tế, hiện bao gồm bốn đơn vị tiền tệ chính của thế giới là: đồng đô la Mỹ, euro châu Âu, đồng bảng Anh và đồng yen của Nhật Bản. Rổ tiền tệ còn được gọi là quyền rút vốn đặc biệt, đặt dưới sự quản lý của IMF, hiện lên tới 310 tỷ đô la. Trong rổ tiền này, đồng đô la Mỹ chiếm 41,9%; euro là 37,4%; đồng yen là hơn 9% và đơn vị tiền tệ của Anh là gần 12%.
Trong bối cảnh các luồng trao đổi tài chính trên thế giới ngày càng gia tăng, rổ tiền 310 tỷ đô la chỉ tương đương với chưa đầy 5% tổng dự trữ ngoại tệ trên thế giới. Trung Quốc lại trong hoàn cảnh dư thừa dự trữ ngoại tệ. Nước Pháp, do vậy, muốn đồng NDT của Trung Quốc tham gia vào rổ tiền quốc tế với những mục đích: Một là để tăng khả năng can thiệp của IMF trong trường hợp một quốc gia thành viên cần ngoại hối. Hai là để giảm bớt trọng lượng của đồng đô-la – qua đó là của Hoa Kỳ đối với IMF. Mục tiêu thứ ba mà Paris hướng tới là bằng một cách khéo léo từng bước buộc Trung Quốc thả nổi đồng tiền, tăng giá NDT.
![]() Kết nạp đồng tiền Trung Quốc vào rổ tiền tệ quốc tế . |
Tính toán của Paris đã được một số chuyên gia tài chính tán đồng. Trong số này phải kể đến những tên tuổi hàng đầu như người đoạt giải Nobel kinh tế năm 1999, Robert Mundell, hay chuyên gia về tiền tệ, bà Agnès Benassy Quéré, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế của Pháp CEPII. Song bản thân Trung Quốc cũng tỏ ra rất thận trọng với đề nghị của Pháp. Hoa Kỳ thì hài lòng khi thấy Paris gài Bắc Kinh vào thế phải từng bước tăng giá đồng NDT, nhưng lại dè dặt trước ý đồ muốn giới hạn tầm ảnh hưởng của đồng đô la trong rổ tiền tệ quốc tế.
Từ mấy năm nay, các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh đã bày tỏ tham vọng đưa NDT trong rổ tiền tệ để thúc đẩy niềm tin ngày càng lớn vào đồng tiền nước này. Thêm NDT vào rổ tiền tệ đồng nghĩa là sẽ công nhận quyền lực của Trung Quốc – quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất. Điều đó cho thấy NDT hoàn toàn hội nhập với thị trường. Một khi đã vào rổ tiền tệ, NDT có thể trở thành đồng tiền chính trong việc kinh doanh tại châu Á, khu vực kinh tế năng động nhất thế giới. Về lâu dài nó có thể trở thành một phần quan trọng trong dự trữ của Ngân hàng trung ương Thế giới.
G20 tìm giải pháp chống giá thực phẩm leo thang
Một vấn đề khác khiến các nhà kinh tế G20 phải bận tâm không kém. Đó là giá thực phẩm ngày càng leo thang. Trong khuôn khổ hội nghị trù bị của Bộ trưởng Nông nghiệp G20 sẽ diễn ra ngày 22 và 23 tháng 6, chín tổ chức quốc tế được giao trách nhiệm soạn thảo báo cáo sơ bộ và kiến nghị giải pháp chống hiện tượng giá thực phẩm leo thang. Theo báo cáo này, các chuyên gia khẳng định, việc giải quyết vấn đề là cấp bách dù rất khó dự báo chính xác sự biến động của giá thực phẩm trên thế giới. Báo cáo không đi sâu vào phân tích chi tiết tình hình, mà chỉ đưa ra những đề xuất.
Trung Quốc nay đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới, lại “ngồi” trên một khoản hơn 2.600 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ: đã đến lúc Bắc Kinh cần đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động để ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu. |
Hương Linh