Trong cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Bá Thanh (Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng) rất gần gũi, giản dị và được nhiều người dân yêu mến, kính trọng như người thân trong gia đình. Nhắc tới ông Thanh, chắc chắn không thể không nhắc tới những thành tựu mà ông đã mang tại cho thành phố Đà Nẵng, từ xuất phát điểm lạc hậu, kém phát triển trở thành thành phố đáng sống nhất với nhiều công trình hiện đại cùng lối sống văn minh bậc nhất cả nước.
Người lãnh đạo cùng những chính sách lạ lùng
Trong thời gian làm việc tại Đà Nẵng, ông Thanh nổi tiếng với nhiều sáng kiến, cách làm rất lạ lùng nhưng hiệu quả. Với người dân, điều mà ông Nguyễn Bá Thanh để lại cho thành phố là chính sách “5 không” và "3 có". Cụ thể của "5 không" là: không có người lang thang xin ăn; không có giết người cướp của; không có người mù chữ; không có người nghiện trong cộng đồng; không có hộ đói. Và "3 có” là: người dân có nhà ở, có việc làm ổn định, có nếp sống văn minh đô thị.
Tâm sự của nhà báo Nguyễn Khánh Hiền (VTV Đà Nẵng) được chia sẻ nhiều trên Facebook: "Đà Nẵng đã mở trung tâm xã hội để bảo trợ người lang thang ăn xin cả chục năm trước. Lúc ấy người ta cũng ì xèo rằng như vậy là vi phạm nhân quyền, là vi phạm quyền tự do lao động nhưng ông ấy vẫn quyết làm. Và kết quả là Đà Nẵng không còn người lang thang xin ăn làm mất vẻ mỹ quan, văn minh của một thành phố du lịch mà mới rồi được xếp vào hàng thu hút du khách bậc nhất châu Á.
Ông Thanh giải thích đơn giản: 'Xin ăn là vì không có nhà ở, cơm ăn, áo mặc. Tui đưa vô đó cơm bưng tận miệng, nước rót tận mồm ngày đủ ba bữa. Áo quần tử tế, ốm đau có người chữa trị, rồi suốt ngày nằm coi ti vi. Sướng rứa hà cớ chi không chịu mà đòi đi lang thang xin ăn'.
Tiếp xúc với người khác ổng kiệm lời. Nhưng nói chuyện trước hội đồng nhân dân, ổng là nhà hùng biện, không cần đến giấy. Hầu như đến kỳ họp hội đồng nhân dân nào, người dân Đà Nẵng cũng ngồi trước tivi để nghe. Ổng nói những chuyện quốc gia đại sự mà như lão nông đang kể chuyện mùa vụ nên dễ đi vào lòng người. Ổng cũng biết pha trò cho câu chuyện đỡ nhàm chán, khô khan. Ổng ví công chức như con cá heo trong rạp xiếc, cho ăn mới chịu làm, không cho thì cứ ì ra đó. Người ngồi dưới nghe vậy cười ồ nhưng ngẫm lại thấy bóng dáng mình trong đó lại đau.
Nói đến độ sâu sát quần chúng, nhân dân, Bá Thanh là số một. Cơ quan tôi có cái cây trên vỉa hè chìa vào hàng rào, che mất cửa sổ. Tôi làm công văn qua Sở Xây dựng. Mấy ngày sau, công ty cây xanh xuống cắt, nhưng chỉ có một đoạn ngắn. Tôi muốn cắt dài thêm tý nữa cho thoáng, nên năn nỉ nhưng chú công nhân thẳng thừng: 'Không thêm được nữa anh ơi. Đường này Bá Thanh hay đi làm, nhìn cái cây cụt ngủn không giống ai, ổng đuổi việc chứ không chơi'.
Nhìn ổng lành lạnh, im im vậy chứ đối xử với cánh nhà báo cũng dễ chịu. Ai gặp khó khăn, kêu với ổng là ổng giúp. Tôi từ Quảng Nam ra Đà Nẵng đã chục năm mà chưa nhập hộ khẩu. Đến khi con vào lớp một mới giật mình nhớ ra, tôi nhờ cậy bạn bè thì biết mình thuộc diện khó nhập. Tôi tìm gặp, chờ cuộc họp báo thành phố kết thúc, tôi chìa đơn nói: 'Anh ký em phát cho em nhập khẩu với'. Ổng đọc lướt, lấy bút phê đồng ý nhập khẩu rồi ký cái xoẹt. Tôi thở phào sung sướng. Thế là tôi thành công dân Đà Nẵng.
Tôi viết những dòng này về Bá Thanh bằng tất cả sự tôn trọng và ngưỡng mộ ổng. Sẽ có người thắc mắc vì sao dám gọi cụt ngủn Bá Thanh mà không kèm danh xưng ông, ngài. Xin thưa, với người dân Đà Nẵng, Bá Thanh là người nhà, là anh, là bạn nên gọi vậy cho chân tình, thân mật nhưng cũng không kém phần tôn trọng, kính nể".
Nhắc tới ông Thanh, người ta còn nhớ tới cánh cổng 189 đường Cách Mạng Tháng 8 (Đà Nẵng), nơi gia đình ông sinh sống. Bài báo trên tờ Doanh nhân Sài Gòn do tác giả Bích Hồng viết: "Ở Đà Nẵng không ai không biết ngôi nhà của Bí thư Thành ủy. Đó cũng là một biệt thự khang trang mặt phố, nhưng cánh cổng ấy luôn mở rộng để người dân muốn khiếu nại, muốn đề xuất ý kiến có thể bước vào. Thậm chí, thời điểm dân khiếu kiện đất đai đông, người nhà ông Bí thư còn chuẩn bị hàng trăm tô bún mắm để người dân ăn tạm chờ đến lượt được tiếp.
Ông Nguyễn Bá Thanh từng ngồi suốt đêm xem ê kíp ở Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thành phố làm việc, giải quyết những vướng mắc y tế cho ngành. Ông thường đột ngột có mặt ở các điểm nóng giáo dục, các khu dân cư ô nhiễm môi trường, phòng tiếp dân cấp phường".
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại UBND quận Hải Châu sáng 23/9/2013, nói về nợ xấu ngân hàng, ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định: “Cứ gửi hồ sơ đến nhà tôi số 189 đường Cách Mạng Tháng 8 (Đà Nẵng), tôi sẽ xử lý".
Không chỉ tiếp dân công khai tất cả các ngày trừ thứ 7, chủ nhật, số điện thoại của ông Thanh còn được công khai cho mọi người dân để họ có thể gọi điện trực tiếp. Khi nhận được thông tin nào đáng lưu ý, ông đóng giả làm dân thường đi xuống tận nơi, ngồi ăn uống tại quán như một người khách để nghe cụ thể xem những khiếu nại đó có đúng không. Báo chí cũng đã nhắc nhiều đến việc dù bận rộn nhưng khi còn làm lãnh đạo ở TP Đà Nẵng, ông vẫn luôn dành thời gian gặp những người ở mọi tầng lớp của xã hội như anh xe thồ, xích lô, người nghiện, phụ nữ đơn thân...
Một câu chuyện khác của người lái xe ôm tên Nguyễn Văn Quốc (53 tuổi, phường Hòa Thuận Ðông, quận Hải Châu) kể trên tờ Tuổi Trẻ cũng khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ: “Mười năm rồi! Tôi nhớ như in Tết nào ông Thanh cũng dành một khoản tiền chi cho những người chạy xe ôm trên toàn thành phố. Cứ 27 Tết, cầm cái thẻ xe ôm lên phường là nhận 200.000 đồng. Tiền ít nhưng vui lắm! Ðược lãnh đạo cao nhất thành phố quan tâm đến từng người xe ôm, mình thấy được an ủi, động viên với cái nghề nắng gió cơ cực này. Nếu ông ấy về mà được phép thì cánh xe ôm chúng tôi cũng ghé viện thăm ông. Nghĩ đến ông như nghĩ tới một người thân dù mình chưa gặp ông ngày nào”.
Những câu nói nổi tiếng của ông Thanh
Từ khi còn giữ các vị trí lãnh đạo ở TP Đà Nẵng, cho đến khi đương nhiệm ở vị trí Trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh đã có rất nhiều phát ngôn để lại ấn tượng mạnh với nhiều người.
Sáng 5/9/2012, trong buổi đối thoại với 64 hộ dân làng phong Hòa Vân (Đà Nẵng), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói: "Bà con ở đây rồi, thỉnh thoảng tôi sẽ lên thăm. Không phải đưa bà con vào đây rồi là thôi mà chính quyền sẽ luôn theo dõi. Tôi nói là làm, không có chuyện chạy làng!".Trong một lần nói về tình trạng tham nhũng trong xây dựng, ông quả quyết: "Còn tôi ở đây, mấy ông còn múa tới múa lui. Họ định chờ tôi đi để làm vài cú đậm. Nhưng tôi sẽ kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm".
Cũng trong năm 2012, ông từng khẳng định: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu. Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.
Khi nói chuyện với 176 thiếu niên chậm tiến trên địa bàn TP Đà Nẵng, ông Bá Thanh chia sẻ: "Hồi chú đi học phải nhịn ăn, viết bút bằng tre cũng ráng. Giờ các cháu được sung sướng mà không học nổi thì quá kém!”.
“Phải biến Đà Nẵng thành đô thị đáng sống chứ không phải là thành phố chán sống trong tương lai”, điều này được ông Nguyễn Bá Thanh nói tại một buổi nói chuyện với hơn 4.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý hồi cuối tháng 2/2012.
“Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ", ông Bá Thanh thẳng thắn khi nói chuyện với cán bộ phụ nữ của Đà Nẵng năm 2011.
Ngoài ra, có thể kể đến hàng loạt phát ngôn của ông trong buổi nói chuyện với gần 1.500 cán bộ công chức Đà Nẵng hôm 24/7/2003: "Ở rạp xiếc, người ta cho mấy con thú ăn hột gì đó thì nó diễn. Một lúc sau lại ngồi lì ra, quất mấy roi cũng không đi, khi nào được ăn thứ hột đó nó mới diễn tiếp. Hãy cẩn thận kẻo mình lại giống như mấy con ở rạp xiếc, không cho ăn là không làm".
Cũng trong buổi nói chuyện đó, ông nói thẳng: “Các anh không thấy xấu hổ khi Đà Nẵng là đô thị loại 1 mà tìm hoài không ra nhà vệ sinh công cộng hay sao? Không có nhà vệ sinh, người ta đi bậy ra đường làm sao phạt được? Khó gì chuyện đó mà tôi đã đích thân năm lần bảy lượt đưa các vị đi tìm đất, vậy mà mấy năm rồi vẫn chưa ra nhà vệ sinh công cộng? Khó gì cái đài hoả táng mà nói mấy năm rồi vẫn không có?".
Tổng kết những ý kiến liên quan đến phản ánh cảnh sát giao thông “ăn tiền” của người dân, ông Thanh yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp cảnh sát có hành vi này: “Bắt quả tang cảnh sát giao thông nhận tiền là tước quân tịch, đuổi về nhà chớ không khiển trách chi hết!”.
Ông Thanh trong mắt bạn bè, hàng xóm
Bà Đào Liên Hương, Trưởng ban Quốc tế Hiệp hội các trường Cao đẳng, Đại học ngoài công lập Việt Nam, luôn coi ông Thanh như một người bạn lớn. Trong một lá thư tâm sự gửi đến báo Giáo Dục Việt Nam, bà Hương viết: "Anh Nguyễn Bá Thanh mồ côi cha từ rất sớm. Ba anh hy sinh anh dũng tới khi không còn một viên đạn trong một cuộc chống càn của quân đội Mỹ. Ông đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Ba anh khi đó đã là Tỉnh ủy viên và ông cũng chỉ có mong ước con sẽ tiếp tục sự nghiệp của mình.
Xách ba lô ra Bắc học tập, anh Bá Thanh không ngờ mình lại ở ngoài Bắc lâu đến vậy. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, trở về Đà Nẵng, sau một thời gian làm tại Sở Nông lâm, anh Thanh nhận công tác tại một trong những nông trường xa xôi và khó khăn nhất cả nước. Khổ cực trăm bề, má anh chỉ nhắc anh một câu: “Hãy ráng lên, con ạ!”. Câu nói bình dị đó đã đi theo anh Thanh, vượt qua được muôn vàn những thử thách cam go của cuộc sống...
Tôi cảm phục anh lắm, vì anh dám quyết, dám làm, quyết nhanh và làm cũng nhanh. Thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính ở Đà Nẵng rất nhanh. Từ khi bạn mua đất hoặc nhà đến khi cầm trong tay sổ đỏ chỉ mất không quá một tháng.
Tôi nhớ một kỷ niệm gắn liền với anh Thanh. Trong một lần gặp mặt, tôi trót phàn nàn một câu về tiến độ giấy phép xây dựng của bạn tôi trước mặt anh Thanh. Anh lập tức rút điện thoại ra nói với cậu phụ trách: “Vừa mới lên được là thành phố hàng đầu về thủ tục thông thoáng, nhanh chóng cho các nhà đầu tư, giờ lại muốn quay xuống à?”. Một lúc sau cậu ta gọi ngay cho tôi xin lỗi rồi nói: 'Lần sau chị cứ gọi thẳng cho em nhé, đừng gọi cho sếp, kẻo bọn em lại bị phê bình đấy'.
Trong nhiều lần giải phóng mặt bằng tại thành phố, anh đều trực tiếp có mặt và đứng ở ngay hàng đầu, mặc bộ quần áo công nhân, trực tiếp điều đình với những người phản đối. Anh chẳng nề hà chuyện gì. Bởi vậy, dân rất nể và sợ cái uy, những hành động quyết liệt của anh.
Vì làm được nhiều việc nên anh được bà con quý mến lắm. Sau này khi đã trở nên thân thiết, mỗi lần tôi vào Đà Nẵng hoặc anh ra Hà Nội họp, chúng tôi thường ngồi ăn uống nói chuyện. Không ít lần, khi ra trả tiền cho bữa ăn, chúng tôi nhận được một mảnh giấy có ghi những dòng chữ như: 'Xin cho phép tôi được mời anh Bá Thanh bữa cơm này, tôi tuy ở Hà Nội nhưng là dân gốc Đà Nẵng. Anh đã làm được nhiều việc cho thành phố quê hương lắm. Xin cảm ơn anh' hay 'Anh Thanh ơi, tuy không quen anh nhưng đã được nghe anh nói rất nhiều trên vô tuyến. Cảm ơn anh, một con người dũng cảm. Xin được mời anh bữa ăn này – một người bạn không quen biết'.
Trong một lần tôi tới nhà, anh Nguyễn Bá Thanh đang ngồi một mình. Vui buồn, thắng thua người đàn ông này đều vậy, lặng lẽ ngồi hút thuốc. Tôi tới, cắm hoa vào bình trên ban thờ, thắp nhang cho mẹ anh. Người anh kiệm lời nhìn tôi, chúng tôi lặng lẽ hồi tưởng lại cả quãng thời gian vất vả vừa qua, những oan trái, cố gắng, những sẻ chia và biết bao thách thức phía trước… Chúng tôi chia tay và lần đầu tiên hai anh em ôm nhau vì những xúc động trào dâng.
Lúc tôi về, ra đến cổng, trời đã tối muộn, tôi vẫn thấy có hai người dân chờ đợi để vào xin gặp anh. Hóa ra hôm nay theo lịch - vẫn là ngày anh tiếp dân tại nhà vào buổi tối, anh lại lắng nghe để thấu hiểu và giải quyết thật nhanh những thắc mắc của người dân".
Bà Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1968, Tổ trưởng tổ dân phố 29, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, hàng xóm với ông Thanh) chia sẻ trên báo Giadinh.net.vn, khoảng giữa tháng 8/2014, khi nghe tin ông Thanh bị bệnh nặng và ra nước ngoài chữa trị, bà cùng nhiều người dân khác ở Đà Nẵng rất lo lắng. Bà Xuân thường xuyên chạy qua nhà ông Thanh để hỏi han tình hình sức khỏe của ông.
“Gia đình tôi và ông Thanh rất thân thiết. Mỗi lần họp chi bộ hoặc có hoạt động gì của địa phương, khối phố, ông Thanh tham gia rất hòa đồng. Mỗi dịp cuối năm, ông ấy cũng tham gia văn nghệ với bà con dân phố, vui và tình cảm lắm. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, ông lại nói tổ dân phố lên danh sách, ai nghèo khó thì tặng 3 triệu đồng, ai thuộc hộ chính sách, bệnh tật thì tặng 5 triệu đồng. Ông ấy gần gũi, chân thành và như người thân trong gia đình. Tự đáy lòng, tôi chúc cho ông ấy bình an”, bà Xuân xúc động nói.
Vợ chồng ông Trần Đình Trãi (58 tuổi) và bà Tôn Nữ Thanh Thu (58 tuổi, trú tổ 31, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), cách nhà ông Thanh khoảng 400 m. Ông Trãi là bạn thân thiết với ông Thanh từ thuở mới ra trường lập nghiệp đến nay. Nhờ ông Thanh đứng ra “đảm bảo” nên bà Thu (vợ ông Trãi bây giờ) mới quyết định lấy ông Trãi và họ sống với nhau hạnh phúc mấy chục năm qua.
Năm 1978, bà Thu và ông Trãi yêu nhau nhưng do hai gia đình ở xa (bà Thu ở Huế, ông Trãi ở Đà Nẵng) nên nhiều lần bà định chia tay người yêu để cho hai người đỡ khổ vì cách trở. “Nhưng hồi đó tôi bất ngờ nhận được một lá thư của anh Thanh gửi, ý nói rằng, anh Thanh là lãnh đạo trực tiếp của anh Trãi, tính tình anh Trãi rất chung thủy, chân tình… nên anh Thanh bảo đảm để tôi yên tâm. Bức thư đó là động lực để tôi quyết định lấy anh Trãi làm chồng và sống hạnh phúc cho đến nay”, bà Thu cười hiền nói.
Ông Trãi tâm sự: “Hai chúng tôi ở gần nhau nên thường hay đàm đạo chuyện trồng trọt, nuôi trồng cá, cây cảnh… Anh Thanh mê nuôi cá và trồng cây cảnh lắm. Dù thời điểm nào, giữ chức vụ nào thì anh Thanh vẫn xem tôi như một người bạn, người em trong nhà. Anh Thanh sống rất chân thành. Trong khối phố có việc gì, ai đau ốm, ma chay là anh ấy đến thăm, đến viếng. Anh Thanh giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Trước lúc ra Hà Nội nhận công tác mới, anh ấy có qua thăm tôi. Đối với tôi, từ xưa tới nay luôn tôn trọng anh Thanh và xem anh ấy như người anh ruột của mình”.
Ba Thu kể thêm: “Hai năm trước, ngã tư phía trước nhà tôi xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Khu phố làm đơn gửi lên anh Thanh. Một tuần sau, anh cho người tới lắp trụ đèn tín hiệu giao thông. Từ đó, không xảy ra vụ tai nạn nào nữa, ai cũng mừng và cảm ơn tấm lòng anh ấy”.
Theo bà Thu, hai gia đình cũng hay qua lại thân thiết với nhau. Bà Quý (vợ ông Thanh) cũng hay qua thăm nhà. Ngày lễ Tết, bà Quý hay hỏi hoàn cảnh ai khó khăn để giúp đỡ. “Đợt trước tôi có qua gặp chị Quý và em dâu anh Thanh (chị Thủy), nghe nói anh Thanh xạ trị hai đợt, cũng đỡ bệnh phần nào nên rất mừng. Hy vọng anh Thanh sớm chữa trị bệnh tật để cống hiến cho xã hội, giúp đỡ nhiều người”, bà Thu tâm sự.
Đặc biệt, những ngày gần đây, khi nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh từ Mỹ sắp về Đà Nẵng để tiếp tục điều trị bệnh, nhiều người dân đã dành những tình cảm đặc biệt cho ông. Vừa qua, đông đảo tăng ni, phật tử và người dân đã tới Tịnh thất Bửu Sơn (thôn Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để cầu an cho ông.
“Nhiều người dân ở Đà Nẵng hâm mộ ông ấy vì ông ấy không những làm cho TP Đà Nẵng có được như ngày hôm nay mà còn quan tâm, chăm lo cho đồng bào, những người nghèo khó... có công ăn việc làm, có cuộc sống ổn định. Ông ấy là người sống vì dân. Tôi có dịp đi khắp đây đó, người dân các nơi khi nói tới Đà Nẵng thì ai cũng biết đến ông Nguyễn Bá Thanh”, Thượng tọa Thích Quảng Tâm (chùa Pháp Lâm, người tạo dựng tịnh thất Bửu Sơn) cho biết.
Ông ấy có dáng người vạm vỡ, dáng hùm tướng gấu lừ khừ chạy theo trái banh. Sau này, tôi mới biết ổng đá không hay nhưng mê bóng đá vào loại số một. Không có trận banh nào ở sân Chi Lăng mà không có mặt ổng. Nhiều lúc máu quá, ổng nhảy xuống sân chỉ đạo.Một điều thú vị mà ai thân thiết với ông Nguyễn Bá Thanh cũng biết, đó là tình yêu với trái bóng của vị cựu Bí thư Đà Nẵng này. Trong chia sẻ của mình, nhà báo Khánh Hiền cũng viết: "Tôi biết ông Bá Thanh vào năm 1998, lúc mới chuyển về đài truyền hình. Khi ấy cơ quan tổ chức đá bóng giao hữu với văn phòng ủy ban thành phố tại nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương. Nghe mọi người chỉ trỏ: “Bá Thanh, Bá Thanh”, tôi cũng không quan tâm lắm. Lúc đó, ổng chưa có gì đặc biệt trong tôi.
Trên sân bóng, ổng chạy lăng quăng, cả trận đụng bóng đâu được vài ba lần. Có lẽ vì là sếp nên quân lính thường chuyền bóng cho ổng. Nhưng ổng không cầm được, lần nào cũng mất, đã thế còn bị cầu thủ bên đội tôi chơi xấu. Ổng quê, mặt hằm hằm. Một lần bị mất bóng, ổng rượt theo đá vào chân đối phương, khiến khán giả trên sân cười vỡ bụng. Lúc ấy, mặt ổng giãn ra có vẻ thoải mái. Sau này, để ý mới thấy ổng sống chân thành, thẳng thắn, hồn nhiên vô tư như đá bóng".