Người Ba Na ở xã vùng sâu Đăk Pne, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) trước đây có quan niệm rằng: Khi sinh con ra chẳng may người mẹ bị chết thì dân làng phải chôn đứa trẻ sơ sinh theo mẹ, nếu không làm như vậy lũ “ma rừng” sẽ về làng quấy nhiễu bắt đền tội, mùa màng sẽ thất bát, buôn làng sẽ bị ốm đau, dịch bệnh.
Ngày ấy, không một ai nghĩ đến việc học cái chữ của Bác Hồ, mà chỉ nghĩ sao cho có hạt cơm bỏ vào bụng khỏi chết đói... Khi nghe cậu thanh niên quyết định rời làng về xuôi học chữ để về dạy cho các em nhỏ trong buôn làng, nhiều người xì xào, cho rằng chuyện lạ, làm điều chẳng giống ai. Có người gặp nói thẳng với chàng trai A Trũi (ngụ tại làng Kon Go 2, xã Đăk Pne): “Trũi nè! Mày nên nghĩ lại đi, cần phải có cái ăn trước, nếu không có cái ăn mày sẽ chết, còn không có cái chữ mày không chết đâu mà sợ!”. Mặc cho mọi lời dị nghị, chàng trai A Trũi xếp mấy bộ áo quần, đem theo ít gạo vượt núi rừng về xuôi để đi học cái chữ, với quyết tâm: có cái chữ cái bụng sẽ biết nghĩ điều hay lẽ phải, đôi bàn tay sẽ biết làm điều đúng, miệng biết nói điều hay, làm việc tốt để đuổi đám “ma rừng”, xóa hủ tục lạc hậu ngự trị đã bao đời nay trong đời sống của người Ba Na.
Mình nhận bé gái này về nuôi, ma rừng có bắt mình, mình chịu!
Năm 2000, anh ruột của A Tương là ông A Kiên có vợ là Y Hyêt ở làng Kon Túc, xã Đăk Pne đến kỳ sinh con. “Cái bụng đau dữ dội, làm Y Hyêt khóc nhiều lắm, nó gào kêu khiến ai cũng thấy thương vô cùng, nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn chứ có ai giúp gì được đâu” - A Trũi nhớ lại. Sau hai ngày hai đêm đau bụng mà không tài nào đẻ được con, sức khỏe Y Hyêt ngày càng kiệt lả. Ngoài trời mưa tầm tã, giăng kín cả núi rừng Đăk Pne, KBang, nước trên các con suối dâng cao. Tính mạng Y Hyêt rất mong manh. Thấy cái chết cận kề, bà Y Hak chạy đến nói với A Kiên: - Nè Kiên, sao mày không đến nhờ cậy ông thầy A Trũi giúp cho, hắn nhiệt tình và biết nhiều cái chữ của người Kinh nên nó sẽ giúp mày được thôi! “Mình không kể đường xa núi rừng hiểm trở, mưa lũ nguy hiểm cận kề, chỉ vội vơ ít đồ rồi theo A Kiên lên đường ngay cho kịp” - Kể chuyện ngày đó, đến bây giờ A Trũi còn nhớ như in. Quãng đường chừng 5 cây số, trơn trượt làm A Trũi ngã lên xuống hoài. “Trong đầu chỉ nghĩ duy nhất một điều là làm sao cứu được mẹ con Y Hyêt thôi!”. Vừa thấy A Trũi người ướt mèm, run rẩy lập cập, A Kiên nhào ra như vớ được... trầm hương! Giọng như van xin, cầu cứu “Yàng ơi! Mày vào nhà tao ngay, sự sống của vợ con tao tất cả nhờ mày cả đó”. Bằng tất cả kiến thức có được, A Trũi đã đem ra thực hiện hết, cuối cùng cháu bé cũng được đưa ra khỏi người mẹ. A Trũi lắc đầu buồn lắm: “Thằng A Kiên kêu mình chậm quá, giờ chỉ cứu được con nó thôi, còn mẹ nó đã đi theo các đấng thần linh, với Yàng về với A Tâu... rồi”.

Thầy giáo A Trũi được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen.
Trên đường trở về nhà, lòng A Trũi nặng trĩu, thấy vẻ mặt buồn bã của chồng, người vợ là Y BLiên liền tìm lời để động viên, an ủi chồng và nêu ý kiến: “Mẹ nó chết rồi, nhất định làng Kon Túc sẽ tổ chức chôn con bé theo mẹ mất thôi. Hay vợ chồng mình đến đó nhận đứa bé về nuôi?”. A Trũi đồng ý cùng vợ trở lại ngôi nhà A Tương. Đúng như dự đoán của người vợ, lúc này tại làng Kon Túc dân làng đang tính chuyện chôn đứa bé gái ấy theo mẹ Y Hyêt. Rẽ đám đông, tiến lại gần, A Trũi cất lời đề nghị: “Thưa già làng và bà con, đứa bé không có tội gì đâu, mình không thể chôn cháu bé được, nếu người thân không nuôi cháu, thì để đứa bé cho hai vợ chồng tôi nuôi!”. Chỉ nói đến đây thôi, mọi người đã không chấp nhận. Tiếng la ó, tiếng phản đối lao nhao: “Nếu để đứa nhỏ sống thì sẽ phải hai lần làm lễ cúng con ma, như thế rất tốn kém. Chi bằng chỉ một lần cúng ma thôi, ai mà giữ đứa bé lại sẽ có tội lớn với Yàng, ma rừng sẽ về làng trừng phạt... Phải để đứa nhỏ đi theo mẹ nó luôn, xuống dưới đó nó còn bú sữa mẹ nó nữa” - tiếng người đàn ông vừa dứt, tất cả dân làng có mặt hôm đó như đồng thanh: “Chôn theo mẹ nó thôi! Từ trước đến nay buôn làng vẫn làm vậy, nay không làm khác được đâu”. A Trũi giọng vẫn từ tốn và kiên quyết: “Không ai được chôn đứa bé. Để tôi nhận bé gái này về nuôi, ma rừng có bắt, tôi chịu”. Lúc này già làng A Quang đứng phắt dậy và lấy tay ra hiệu cho mọi người im lặng - giọng đanh thép, rắn rỏi: “Thằng thầy giáo A Trũi đã nói thế thì cứ để cho nó mang đứa nhỏ về nuôi, sai đâu tao chịu. Tao tin hắn học được nhiều cái chữ của Bác Hồ thì hắn sẽ biết làm việc đúng”. Nói xong già làng yêu cầu bà con giải tán ai về nhà nấy.
Ngày cuối năm, nhắc lại chuyện cũ, A Trũi phấn khởi, hạnh phúc lắm. Nghe câu chuyện của chúng tôi từ đầu, ông A Phiên cứ lặng lẽ nghe, nay góp chuyện và xòe bàn tay ra đếm: “Thầy A Trũi đã cứu tất cả được 6 đứa nhỏ, bây giờ một đứa mất đi, hiện nay vẫn còn 5 đứa. Con ma rừng không làm gì được nó, nếu biết chuyện này thì ma rừng sẽ... mắc cỡ lắm đây!”. Việc làm của A Trũi giúp mọi người trong các buôn làng Kon Túc, Kon Go 1, Kon Go 2... tin tưởng, không còn ai bị ám ảnh bởi ma rừng nữa, tất cả dân làng vẫn bình an vô sự, không có chuyện gì xấu xảy ra...”. Nơi chín suối bà Y Phel sẽ rất vui khi bà sinh đôi, không may qua đời ngay sau khi sinh và đã được thầy A Trũi nhận cả hai đứa bé về nuôi, đặt tên là A Quang và A Vinh, rồi lần lượt những đứa trẻ như A Lý, A Quang, A Vinh, A Trung, A Thu, Y Lý... đều về chung sống dưới mái nhà cùng vợ chồng A Trũi và luôn nhận được sự yêu thương, chăm sóc như chính con mình đẻ ra.

Bé A Ly được A Trũi cứu thoát khỏi hủ tục.
Bất đắc dĩ thành ông… “mụ vườn”
Tính đến nay A Trũi đã làm nghề dạy học được 37 năm và đã gắn bó cả cuộc đời với miền đất lành Đăk Pne. Công việc hằng ngày của A Trũi như bao người giáo viên khác là đi dạy học, chứ tuyệt nhiên không phải làm nghề... đỡ đẻ! Vậy mà song hành trong thời gian dạy học, thầy A Trũi còn kiêm luôn làm “mụ vườn”. A Trũi kể: “Hồi đó, đi dạy ở làng nào là mình ngủ lại ở làng đó luôn để vận động con em đi học. Mình thấy bà con đẻ tại nhà cứ chết miết à! Sau khi người mẹ bị chết là họ tổ chức chôn luôn cả con lẫn mẹ một cách tức tưởi. Từ đó mình mới lân la đi học nghề đỡ đẻ từ nữ y tá Lê Thị Dung ở Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy. Khi biết cách đỡ đẻ rồi, cứ hễ trong làng, trong xã có chị em nào vượt cạn, ới một tiếng là mình có mặt liền, cũng chẳng so đo, tính toán gì sất!”. Rất nhiều kỷ niệm, nhưng trường hợp xảy ra năm 1989 ở làng Kon Go 1, xã Đăk Pne làm A Trũi nhớ mãi. Khi vào làng vận động học sinh đi học, nghe tin Y Thiang đau đẻ mà mãi tới ba ngày vẫn chưa ra được đứa con, xem xét rồi anh nhận ra đây là ca đẻ ngược. “Cái mông bé trai lại ra trước, với tay nghề không đến nỗi nào, nhẹ nhàng và luôn miệng động viên Y Thiang ráng lên chút xíu rồi luồn tay vào “gỡ” từ cái tay, đến cái cằm, cái đầu... và đã thành công, cứu sống được cả mẹ lẫn con. Xong xuôi, mẹ tròn con vuông, gia đình còn “đập” một heo lớn, mấy ghè rượu để ăn mừng”, A Trũi kể.
Nhiều bữa đang cho tụi trẻ con đánh vần con chữ trên lớp, bỗng thấy người dân xô cửa chạy ào vào lớp, mặc cho đám học sinh ngạc nhiên, giọng hổn hển: “Trũi ơi, thầy giáo ơi! Mày nhanh chân lên đến cứu vợ tao với, nó làm sao đẻ mãi không ra, nó yếu lắm rồi, chậm là nó chết mất thôi...”. Những lúc như vậy diễn ra thường xuyên lắm. Lo chỉ chậm một bước chân là sản phụ bị chết, trẻ sơ sinh sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên cho dù giữa đêm khuya hay trời mưa gió bão bùng, đường cao, dốc lầy lội đến mấy nghe gọi là mình đi liền, không thể chậm trễ được.
Hỏi đến nay đã đỡ đẻ được bao nhiêu ca? A Trũi bảo: “Ôi, mình không thể nhớ hết được đâu, nếu chỉ tính những ca khó mình mà không trực tiếp đỡ đẻ sẽ chết, thì ước tính có khoảng 50 ca rồi đó”. Đỡ đẻ cứu được mẹ con có lấy tiền, hay quà cáp gì không? Thầy giáo A Trũi khoát tay: “Phần lớn họ đều nghèo, với lại mình chỉ giúp họ thôi, không hề lấy tiền của ai đâu”. Bây giờ mình vui nhất là bà con trong làng, trong xã khi đến ngày sinh nở họ đều đến các trạm y tế hoặc bệnh viện, ít có trường hợp sinh tại nhà như trước đây, nên sản phụ gặp sinh khó, sinh ngược... sẽ được các y bác sĩ cứu chữa kịp thời.
Nhờ A Trũi dám đứng ra “chiến đấu với ma rừng”, nhiều người đã mạnh dạn học làm theo, điển hình như trường hợp anh A Bui ở Kon Gộp, năm 2004, vợ anh sau khi sinh bị chết, A Bui đấu tranh với dân làng giữ con A Nhi để nuôi, không cho “đi theo mẹ”. Bây giờ A Nhi đã lớn khôn, đang học lớp 4 tại Trường tiểu học làng Kon Gộp. Hủ tục lạc hậu đã dần được xóa bỏ, đời sống văn minh hiện hữu, cả xã Đăk Pne này đều biết rằng nhờ có được thành quả ấy, có công đóng góp rất lớn của A Trũi - người thầy giáo mẫu mực, với quyết tâm: “Học cái chữ để đuổi lũ ma rừng”.
Thầy giáo A Trũi (xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy) bằng những việc làm cụ thể đã thuyết phục được bà con trên địa bàn từ bỏ hủ tục lạc hậu “chôn con theo mẹ”, cứu sống được nhiều sinh linh vô tội. Tháng 5/2013, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thầy giáo A Trũi đã vinh dự được nhận Bằng khen của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và được tuyên dương. Ngày 26/8/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị giới thiệu mô hình hiệu quả và biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013, thầy giáo A Trũi tiếp tục được biểu dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác kính yêu.