Hàng năm, Nhà nước vẫn đầu tư cho những hoạt động sáng tác song ngay chính người trong ngành sân khấu vẫn kêu khâu “có bột mới gột nên hồ” là “thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay”. PV có cuộc gặp nhà viết kịch Lê Quý Hiền - người được Giải thưởng Nhà nước về VHNT - ngõ hầu làm rõ hơn vấn đề trên.
PV: Được biết Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK) VN có Ban sáng tác. Là hội viên và tác giả lâu năm, ông có biết công việc của Ban này?
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền: Là thúc đẩy công việc sáng tác! Trước đây, việc “thúc đẩy” chỉ loanh quanh trong đội ngũ tác giả hội viên. Nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này, các anh ấy lấy kịch bản có chất lượng làm đích đã mời các tác giả trong và ngoài Hội tham gia những hoạt động sáng tác như đi trại viết, đi thực tế. Đây là chủ trương đúng bởi các tác giả không được cọ sát làm sao có tác phẩm tốt. Không có tác phẩm tốt làm sao vào Hội để bổ sung đội ngũ viết kịch khi mà các tác giả hội viên thực sự viết cứ mỏng dần do tuổi tác, sức khỏe…
PV: Nhưng được biết nhiệm kỳ trước, các tác giả có kịch bản hoàn chỉnh mới được mời tham gia trại sáng tác. Và trước mỗi trại sáng tác đều có thông báo nộp kịch bản để Ban sáng tác chọn kịch bản hay?
Nvk Lê Quý Hiền: Theo tôi, Ban sáng tác chỉ là bộ phận tham mưu cho Hội về lực lượng sáng tác chứ không phải là bộ phận đánh giá tác phẩm. Việc này thuộc Hội đồng nghệ thuật. Mà tác phẩm hoàn chỉnh rồi như gạo đã nấu thành cơm, ván đã đóng thuyền thì đến trại sáng tác làm gì? Để góp ý sửa chữa nâng cao ư? Liệu có thành hình thức rồi cuối trại vẫn thế, “nộp quyển” và nhận hỗ trợ! Anh có bột, có gạo chưa thành món ăn hoàn chỉnh đem đến trại, mọi người mới góp ý nên nấu cơm hay cháo, lượng nước thế nào chứ!
PV: Nghĩa là chỉ cần đề cương chi tiết? Nhưng đề cương liệu có thành tù mù, chung chung không?
Nvk Lê Quý Hiền: Tù mù thế nào được khi đề cương đó có cốt truyện, hệ thống nhân vật, tư tưởng chủ đề, thông điệp rất cụ thể. Thời gian dự trại là để biến cái đã có trong đề cương chi tiết thành tác phẩm chứ không phải có tác phẩm để đến trại sáng tác rồi đi tham quan, nghỉ ngơi, bạn bè giao lưu gặp gỡ vì tác phẩm đã hoàn chỉnh nộp trước khi mở trại.
PV: Vậy là trước mỗi trại, theo ông là các tác giả chỉ cần nộp đề cương sáng tác?
Nvk Lê Quý Hiền: Không! Tôi tâm đắc ý của NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội - cho rằng thế là “ăn đong”. Ban sáng tác phải đề xuất kế hoạch cả nhiệm kỳ. Tác giả cũng có kế hoạch, dự định sáng tác qua đề cương gửi tới Hội vào tháng cuối năm. Căn cứ vào đấy, Hội mới có kế hoạch cho năm sau để đề cương chi tiết nào dự trại nào, tác giả nào cần đi thực tế, Hội tổ chức đi thực tế những đâu. Thậm chí có thể mở thêm trại chuyên đề như trại sáng tác kịch bản kịch hát (theo tư duy và cấu trúc kịch hát chứ không phải viết kịch nói rồi chuyển thể), trại sáng tác cho thiếu nhi hay cho rối, xiếc…
PV: Như bên tài chính vẫn yêu cầu nộp dự toán trước để năm sau cấp vốn, ở đây là hỗ trợ sáng tác? Nhưng như ông vừa nói, lực lượng đang sáng tác mỏng dần, tác giả trẻ bổ sung không đáng kể, đề cương nộp cuối năm cũng “heo hắt” thì sao?
Nvk Lê Quý Hiền: Điều đó có thể xảy ra chứ nên mới cần có bộ phận tham mưu là Ban sáng tác. Ban này không thể chỉ thông báo có trại và nhận kịch bản rồi chọn theo cơ chế xin cho và trình Chủ tịch Hội duyệt các tác giả đi trại. Quan trọng là củng cố và phát hiện, bồi dưỡng lực lượng tác giả để phát triển đội ngũ. Tại sao không cùng các nhà hoạt động sân khấu phát hiện, giới thiệu các tác giả mới được nhỉ.
Thậm chí những người là biên kịch điện ảnh, phim truyền hình, viết báo, viết truyện nhưng tác phẩm của họ đầy tính kịch, có cấu trúc kịch tại sao không thể động viên họ viết kịch để đội ngũ tác giả sân khấu dày thêm.
PV: Nghe nói có hội viên SK cách đây 2 năm lên tận Hội kiện vì sao không được đi trại sáng tác ở Vũng Tàu và đòi xem các kịch bản khác có xứng đáng đi trại hơn mình không?
Nvk Lê Quý Hiền: Kịch bản hay đã có giải thưởng hàng năm của Hội SK trao hoặc các đơn vị nghệ thuật dàn dựng. Kinh phí đầu tư sáng tác dành cho tác phẩm chứ đâu phải là khoản trợ cấp cho tác giả đi an dưỡng. Khi trại sáng tác tại đâu đó là mục đích, kịch bản nộp là phương tiện hợp thức sẽ trái với tinh thần, mục đích đầu tư sáng tác của Nhà nước. Vấn đề ngược lại, trại sáng tác là một trong những phương tiện giúp có kịch bản có chất lượng hơn, khích lệ và phát triển đội ngũ sáng tác để có thêm nhiều tác phẩm có chất lượng chứ không phải là mục đích đến của tác giả.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Hồng Hà (thực hiện)