Ông Liêm "nhi"

07-08-2008 16:30 | Thời sự
google news

Ông nổi tiếng với những ca mổ phức tạp hiếm thấy trong lịch sử phẫu thuật nhi khoa không chỉ ở Việt Nam. Tên tuổi ông không ít lần xuất hiện trong các tạp chí phẫu thuật nhi khoa uy tín của Mỹ, Pháp... Nhưng những đứa trẻ được ông quan tâm nhất hàng ngày lại chẳng hề hiểu được điều đó,

Ông nổi tiếng với những ca mổ phức tạp hiếm thấy trong lịch sử phẫu thuật nhi khoa không chỉ ở Việt Nam. Tên tuổi ông không ít lần xuất hiện trong các tạp chí phẫu thuật nhi khoa uy tín của Mỹ, Pháp... Nhưng những đứa trẻ được ông quan tâm nhất hàng ngày lại chẳng hề hiểu được điều đó, chúng chỉ biết gọi ông bằng hai tiếng đơn giản nhất "ông Liêm", như một người cha, người ông ân cần mà các em đã may mắn được gặp... Ông là tiến sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Thanh Liêm.

"Bất ngờ" đến với nghề y

Đôi mắt của hai bé Cúc - An mở to, miệng cười rạng rỡ quây quần quanh ông Liêm, chúng mới năm tuổi, còn quá nhỏ để cảm nhận được hết ý nghĩa rằng các em trở thành hai cơ thể độc lập là nhờ vị bác sĩ đang vui đùa cùng chúng. Sau ba năm phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính nhau, ông về lại thăm các em ở Thanh Hoá.

Thói quen của PGS.TS. Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội Phẫu thuật nhi Việt Nam - đã hàng chục năm nay, cứ sau khi điều trị mỗi ca bệnh khó, hiếm gặp, ông lại tiếp tục dõi theo sự tiến triển của bệnh nhân cho đến khi hoàn toàn yên tâm. Với ông, chữa bệnh xong chỉ là một phần, dõi theo cuộc sống của bệnh nhân sau điều trị, hay đối mặt với những ca bệnh mới, lạ, khó, chính là những dịp để người bác sĩ trau dồi thêm kiến thức và phát huy khả năng sáng tạo, xoay sở trong khó khăn của mình. Đấy cũng là trách nhiệm, là phẩm chất của người Anh hùng, bận triền miên, bận chồng chất nhưng vẫn dõi theo từng số phận, giữ gìn cái kết quả tốt đẹp vừa có được dành cho người bệnh. Dõi theo cái đã làm nhưng quan trọng hơn là xử lý ngay cái đang đến là tính cách của ông. Bởi, "chậm một ngày chưa tìm ra bệnh là thêm nhiều rủi ro có thể xảy ra với người dân". Và chỗ nào có thông tin về bệnh tật mới xuất hiện gây nguy hại, người tiến sĩ, Anh hùng lại lập tức lên đường chẳng một chút nề hà.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Liêm về thăm hai cháu Cúc - An sau 3 năm phẫu thuật tách rời.
 
Như đận căn bệnh "tê tê, say say" năm 2005 xảy ra ở xã Bình Chân - huyện Lạc Sơn - tỉnh Hòa Bình, khiến hàng chục người chết mà vẫn chưa tìm ra căn nguyên gây xôn xao dư luận, hay bệnh xơ hoá cơ delta, TS. Liêm có mặt ngay tại chỗ và chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã chỉ ra nguyên nhân và đề xuất phương pháp phòng bệnh đạt hiệu quả cao.

Cần mẫn tìm hiểu, cải tiến, BS. Liêm đã có không ít đóng góp riêng về cải tiến kỹ thuật như kỹ thuật mổ, ứng dụng đầu tiên những kỹ thuật mới, có những phương pháp mổ của ông được đăng tải trên các tạp chí phẫu thuật nhi khoa uy tín của châu Âu đã khiến thế giới biết đến ông và phẫu thuật nhi ở Việt Nam.

Ông Liêm một lòng một dạ với nghề được như thế, là bởi ông đến với nghề y xuất phát từ những thôi thúc tận đáy lòng. Ám ảnh, đặc biệt là những ám ảnh từ thời trẻ tuổi, có lẽ sẽ theo con người ta suốt cuộc đời, và nhiều khi còn ẩn chứa những sức mạnh vô hình khiến con người tạo nên nhiều quyết định quan trọng. Lý do mà chàng trai Liêm mê văn, giỏi văn ngày ấy lại trở thành sinh viên trường đại học y tưởng là bất ngờ, nhưng lại có nguyên nhân sâu xa từ người mẹ. Mẹ mất khi ông tròn 16 tuổi. Cái tuổi vừa đủ để cảm nhận được sự mất mát là lớn lao thế nào. Nhưng cũng là cái tuổi mà những tương lai, hoài bão về sau đang chớm được hình thành. Bà ra đi đột ngột sau một tuần vật vã trong những cơn ho đau quặn. Cái căn bệnh ung thư phổi quái ác khi ấy khiến anh chàng Liêm chỉ còn biết bàng hoàng kinh sợ, tuyệt vọng nhìn tử thần cướp đi người thân yêu, mà chẳng biết được căn nguyên. Nỗi ám ảnh ấy đã thôi thúc chàng trai quê Quảng Xương, Thanh Hóa nghèo khó đi đến một quyết định "bất ngờ" là thi vào đại học y, dù đã tưởng có lúc sẽ thi vào khoa Văn - Đại học Tổng hợp để theo đuổi nghiệp văn chương.

Có lẽ cũng vì thế mà dù bận rộn quản lý một bệnh viện lớn với những ca mổ dày đặc, nhưng ông vẫn tranh thủ nghiền ngẫm sách văn. Trong phòng làm việc, trong những câu chuyện ông nói, cũng không ít những dòng văn cũ, mới mà ông đã thuộc lòng, những lúc ấy, ông bỗng trở nên có niềm hứng khởi của một thi sĩ.

Ra trường về Khoa Nhi năm 1979, (lúc ấy chỉ có Khoa Nhi trong Bệnh viện Bạch Mai), chàng BS. Liêm mới 27 tuổi cứ phải "ở lỳ" trong bệnh viện cả ngày vì... không có người thân ở Hà Nội. Những hình ảnh về sự đau đớn bệnh tật cùng những nỗi khổ vì thiếu thốn của bệnh nhi và gia đình khi ấy, vị bác sĩ trẻ là người phải chứng kiến nhiều hơn ai hết.

Càng khó càng quyết tâm

Những ấn tượng, day dứt về bệnh tật cứ dần trở thành nỗi dằn vặt trong ông, sau này khi được cử sang nước ngoài nghiên cứu, ông dành tối đa công sức quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa trị nhiều căn bệnh, dù cho phần lớn thời gian làm việc là... nhà xác và những tử thi. Không phụ công của con người đầy nhiệt huyết, BS. Liêm đã tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị của nhiều căn bệnh từ người nước ngoài, nhờ đó tỷ lệ tử vong của một số bệnh khi ấy giảm mạnh, các kỹ thuật phẫu thuật hiện đại cũng được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Phần đóng góp đáng kể của PGS.TS. Liêm không thể không nói tới kỹ thuật ghép tạng. Nhu cầu ghép tạng của bệnh nhi ở Việt Nam lên tới cả nghìn ca mỗi năm. Nhưng những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và cơ sở vật chất khiến cho lĩnh vực này ở Việt Nam đầu những năm 2000 như "đóng băng".

Việc tìm kiếm phương cách để cứu giúp bệnh nhi khi ấy tưởng như đã đi vào bế tắc vì thiếu tiền và máy móc, nhưng rồi cũng trở nên khả quan trước những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông. Cũng từ một lần chữa trị cho bệnh nhi nước ngoài, mà ông đã tình cờ quen và thân thiết với một bác sĩ Hàn Quốc. Lại một cơ hội nữa mà bác sĩ Liêm không bỏ qua, không ngờ đây đúng là đầu mối mà ông cần. Năm 2005, vị bác sĩ đó cùng một ê kíp với trang bị kỹ thuật đầy đủ đã sang Việt Nam cùng ông Liêm tiến hành ca ghép tạng đầu tiên thành công mỹ mãn. Sau đó, PGS.TS. Liêm và êkíp đã tiến hành rất nhiều ca ghép tạng nữa đem lại cuộc sống cho hàng nghìn người mà không cần sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. Danh hiệu Anh hùng Lao động là phần thưởng xứng đáng của Nhà nước đối với công lao của ông và các đồng nghiệp.

Nếu có được cơ hội nào có thể gây quỹ chữa bệnh, PGS.TS. Liêm đều cố gắng tận dụng. Rất nhiều em đã có điều kiện chữa trị và được hỗ trợ nuôi dưỡng cả một thời gian dài sau mổ từ những quỹ từ thiện do ông và bệnh viện thành lập như "Quỹ lọc máu và ghép tạng"; Quỹ "Thận - Quà tặng cuộc sống" được nhiều tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước ủng hộ nhiệt tình.

Khi công việc chuyên môn tạm thời ổn định, PGS.TS. Liêm lại bận rộn với công tác quản lý và đào tạo cán bộ. Một người tâm huyết như ông, không thể không chú ý tới việc bồi dưỡng đội ngũ trẻ. Vấn đề ông băn khoăn là chất lượng đào tạo tiến sĩ thấp, khiến cho chất lượng nghiên cứu khoa học thấp ở nước ta, đây là một thực trạng đáng buồn. Không chỉ tham gia trực tiếp đào tạo nghiên cứu sinh, ông còn đóng góp những ý kiến xác đáng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta. Đó là tuyển chọn đội ngũ các thầy hướng dẫn giỏi. Chú trọng tới tiêu chuẩn xét công nhận học hàm phó giáo sư và giáo sư bằng các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế.

Ông tâm sự, ở đa số các nước, đào tạo tiến sĩ là để cung cấp cho các cơ sở có làm công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Ở nước ta vì học vị tiến sĩ là một tiêu chuẩn quan trọng trong quá trình đề bạt cán bộ nên nhiều tiến sĩ được đào tạo cho các cơ sở không hề làm công tác nghiên cứu hoặc không có khả năng làm nghiên cứu. Rất nhiều tiến sĩ sau khi nhận bằng không có khả năng tiến hành các công trình nghiên cứu độc lập. Thêm vào đó, nhiều khi đề tài cấp cơ sở rất có giá trị, nhưng lại không được cấp kinh phí nghiên cứu.

Cuộc trò chuyện với PGS.TS. Liêm cứ liên tục bị đứt quãng bởi những công việc mà ông cần phải giải quyết hàng ngày. Ký tá hồ sơ, tiếp các đoàn khách đến làm việc với bệnh viện, xuống các khoa phòng và trực tiếp tham gia phẫu thuật. PGS.TS. Liêm vội đứng dậy, khoác chiếc áo blu trắng để xuống nơi mà hàng trăm bệnh nhi đang đợi... Mang lại nụ cười cho các em, cũng chính là niềm vui sống hàng ngày của vị bác sĩ giàu lòng nhân ái này. Có lẽ vậy mà nhiều bạn bè thân thiết vẫn gọi vui là ông Liêm "nhi".

Hoàng Lê


Ý kiến của bạn