Hà Nội

Ông Lầu vẽ danh nhân

23-03-2010 08:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Ông không phải là hoạ sĩ, chưa từng qua một khoá đào tạo nào về vẽ tranh nghệ thuật. Tự mày mò với lòng say mê,

Ông không phải là hoạ sĩ, chưa từng qua một khoá đào tạo nào về vẽ tranh nghệ thuật. Tự mày mò với lòng say mê, ông đang nối dài tầm hiểu biết cho các thế hệ con cháu về các danh nhân lịch sử. Những tác phẩm chân dung của ông không phải họa sĩ nào cũng làm được. Ông là Trần Lầu, một cựu giáo viên năm nay 77 tuổi ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình (Quảng Nam).

 Ông Lầu đang vẽ lại bức tranh Lê Hồng Phong

Từ nét vẽ thăng hoa trên bục giảng

Cảm hứng đầu tiên đưa ông vào thế giới "nghệ thuật vẽ chân dung" bắt nguồn trong cuộc kháng chiến chống Pháp với những bức họa về những tên đầu xỏ cướp nước. Do bị thương tật, ông được giải ngũ về dạy học tại quê nhà, với trọng trách giáo viên dạy lịch sử. Và chính thời kỳ này "mối duyên thầm" đối với các danh nhân.

Là giáo viên dạy tổng hợp nhiều môn, nhưng giảng chính về lịch sử nên ông có một tâm huyết khác lạ. Ông tâm sự: "Dạy lịch sử dễ nhưng cũng thật khó, để nói về những người anh hùng qua các thời kỳ, các con chữ không thể diễn tả hết được. Giáo dục về lịch sử là một cách xây đắp truyền thống cho thế hệ tương lai. Phải làm cho các em học sinh nắm bắt về con người và những hành động tiêu biểu của họ". Từ đó ông xác lập cho mình một phương pháp truyền đạt lịch sử riêng "vẽ tranh minh họa cho các sự kiện, các nhân vật lịch sử" coi như là mô hình học cụ sinh động nhất để tạo hiệu quả trong bài giảng cho học sinh. Ông dẫn chứng: khi giảng bài về Trần Quốc Toản, hành động tiêu biểu là bóp nát quả cam. Để học sinh dễ cảm thụ được bài, có tư duy về khuôn mặt và cử động của nhân vật, ông đã vẽ Trần Quốc Toản với hành động bóp nát quả cam, khuôn mặt và hình hài được ông cảm thụ nghiên cứu qua sách vở. Nhờ đó, học sinh nắm bắt được bài và nhận diện ra cả nhân vật lẫn bối cảnh lịch sử. Hay trong bài giảng về Hai Bà Trưng xông trận, hình ảnh người phụ nữ cưỡi ngựa ra chiến trường đã được ông minh hoạ với những nét vẽ sống động.

Các bài học về lịch sử, những anh hùng xuất chúng của các phong trào, các cuộc khởi nghĩa được ông thâu tóm vào trong những bức vẽ diễn tả lại từng người trong từng trận đánh, giúp cho học sinh tiếp thu bài nhanh chóng và tạo ra nhận thức sâu đậm trong mỗi học sinh. Cứ thế niềm đam mê của ông lớn dần và sự tôn sùng các nhân vật lịch sử đã được ông phác thảo, vẽ ra bằng con tim luôn thổn thức với những giá trị lịch sử cao quý.

Đến ông Lầu "danh nhân"

Hiện tại đã có hơn 50 vị danh nhân ông vẽ thành công. Đây là những bức chân dung mà không phải bất cứ người nào cũng có thể vẽ được, kể cả các họa sĩ, bởi ở đó không chỉ có nét vẽ đơn thuần mà còn là niềm đam mê lịch sử dân tộc.

Trong căn nhà chừng 30m2, ông treo kín các bức họa danh nhân mà ông đã vẽ. Những vị anh hùng dân tộc được ông treo ở những vị trí trang trọng, nơi mà ai vào cũng trông thấy được; đó là các bức ảnh về Bác Hồ, bác Tôn Đức Thắng, cụ Phan Chu Trinh... Ông cho biết, để hoàn thành việc vẽ hơn 50 vị danh nhân, ông đã phải tìm tòi ở các nguồn tư liệu khác nhau, phải đi các thư viện trong và ngoài tỉnh, các sách về lịch sử, ông vào cả các trang web bằng tiếng Pháp để tìm chân dung vẽ lại. Tờ báo Tiếng Dân mà cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút là địa chỉ ông lấy được nhiều nhất, mặt khác còn thông qua các nguồn tư liệu do bạn bè ông cung cấp. Ông vẽ các danh nhân không phải là để khoa trương, đơn giản chỉ là tôn sùng, cảm phục trước những tấm gương "quá vĩ đại", mặt khác giúp cho các trường học có những tư liệu về lịch sử, làm hoàn thiện hơn về chân dung và cuộc đời hoạt động của các vị anh hùng.

Ông đã và đang cố gắng phục chế chân dung một số nhà yêu nước mà theo ông đang bị mờ dần như cụ: Trần Văn Dư, Tạ Thu Thâu, Tiểu La, Ông Ích Khiêm... Bởi thế, ông Lầu giờ đây được xem là nhà sử học về các danh nhân. Nói đến bất cứ người anh hùng yêu nước nào ông cũng đọc "vanh vách" về tiểu sử, cuộc đời hoạt động và cái chết của từng người. Có những bức vẽ thực hiện chỉ trong 5 đến 6 giờ, nhưng cũng có những bức vẽ ông phải dành rất nhiều thời gian. Đó là khi ông vẽ chân dung Bác Hồ, ông phải vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần. Ông tìm những bức ảnh của Bác trong thời gian hoạt động ở nước ngoài vẽ lại. Sau đó xâu nối lại với ảnh Bác trên bàn thờ. Ông muốn bức vẽ về Bác phải là dấu ấn đậm nét nhất, phải lột tả được hết "thần khí của Người" và rồi ông xem đó là tác phẩm "để đời của mình"!. Một nhân vật nữa cũng làm ông phải kỳ công, đó là anh hùng Ba Bưu - vị tướng của Hoàng Hoa Thám đang bị lu mờ...

Cứ thế, ông đang làm giàu kho tri thức lịch sử của mình và cho con cháu. Mái tóc bạc phơ, đi lại đã có phần khó khăn nhưng ông vẫn miệt mài vẽ chân dung các danh nhân, các vị anh hùng dân tộc.

Ngoài năng khiếu mà ông coi là "tự phát" khi vẽ các danh nhân, ông còn tham gia vào lĩnh vực thơ ca. Ông là thành viên của Câu lạc bộ "Đường thi" tại thành phố Hội An. Góp mặt đều kỳ trong tập "Phố cổ tình thi", rằm hàng tháng ông đều đến tham gia các buổi bình thơ ở Hội An. Đặc biệt, ba năm trở lại đây ông là Chủ nhiệm chi nhánh Thơ Đường UNESCO tại huyện Thăng Bình.

Ông Trần Lầu gắn mình với các cuộc kháng chiến của đất nước, giờ đây lại gắn bó với vai trò là người hoàn thiện về lịch sử các danh nhân. Cái tuổi "xế chiều" vẫn không làm ông dừng nghĩ suy, hàng ngày ông vẫn đang miệt mài theo đuổi mục đích "lịch sử" của đời mình "gìn giữ những giá trị lịch sử to lớn của dân tộc".

Minh Minh


Ý kiến của bạn