Không hề học cao, bằng này cấp nọ, nhưng bằng đôi tay cần cù, tài hoa, bằng một sự quyết tâm và hết mình cùng bộ óc sáng tạo, những nông dân của miệt vườn hoá thân thành những "kỹ sư cơ khí" tự mày mò, nghiên cứu, thiết kế cải tiến thành công những nông cụ hữu ích. Sản phẩm của những "kỹ sư vườn" này rất đa dạng, độc đáo: máy gặt đập liên hợp, máy phun thuốc trừ sâu, máy xới 4 bánh cải tiến… Những công trình của niềm đam mê đã giúp bà con nông dân đỡ cực nhọc, giảm chi phí, góp phần cho mùa vàng bội thu... Một trong những “kỹ sư vườn được nhiều người biết tiếng và yêu mến là ông Tư Sang.
Ông Tư Sang bên chiếc máy do mình tạo. |
Thực tế buộc "kỹ sư"... sáng chế
Khó ai ngờ ông Tư Sang, tên thật là Nguyễn Văn Lang, quê Cao Lãnh, mới học lớp nhất trường làng, lại là người chế tạo ra máy gặt đập liên hợp. "Năm 1972, lúc đó tui 26 tuổi, cả nhà phải ra Cầu Xéo, Cái Bè tránh bom đạn. Đang thất nghiệp, thấy nông dân miệt Tháp Mười, Mỹ Trung hết mùa lúa, đem máy cày, máy xới về tập trung ở đầu cầu Xéo để sửa chữa, tui xin vô học nghề cơ khí", ông Tư nhớ lại. Ngoài việc học lỏm, hễ có thời gian rảnh là ông tìm sách về cơ khí, máy móc tự học thêm. Những chi tiết máy hỏng hóc, ông Tư mày mò sửa chữa bằng được mới thôi. Cứ vậy, tay nghề của ông khá lên, kiến thức, kinh nghiệm về máy móc nông nghiệp tích lũy ngày càng nhiều. Năm 1979, nông dân miền Tây giật mình khi thấy chiếc máy suốt lúa đầu tiên của cơ sở Tư Sang xuất hiện trên đồng ruộng, một chiếc máy làm việc bằng mấy chục người đập lúa bằng tay. Cơ sở của ông Tư sản xuất máy suốt lúa không kịp giao.
Sau hơn 30 năm miệt mài với công việc sửa chữa các loại máy móc, năm 1980, ông Tư Sang bắt đầu nghiên cứu, chế tạo máy nông cụ. Ông tâm sự: "Khi ấy, nông dân tỉnh Tiền Giang cũng như ở các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL rất thiếu phương tiện cơ giới để sản xuất lúa. Khi thu hoạch lúa, nhiều hộ phải "đập bồ" rất vất vả và kéo dài thời gian. Lúc bấy giờ, trên thị trường có các loại máy tuốt lúa ngoại nhập nhưng rất đắt tiền và cũng không phù hợp với vùng đất phù sa, ngập nước như ĐBSCL". Vậy là với tính cách mạnh mẽ không chịu khuất phục trước khó khăn, cũng như nhận ra cơ hội để thể hiện khả năng của mình, ông Tư Sang ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi các nguyên tắc, tính năng của loại máy này để cải tiến phục vụ nông dân.
Qua nhiều lần thất bại, rút tỉa được nhiều kinh nghiệm và cuối cùng ông Tư Sang đã thành công. Chiếc máy tuốt lúa cải tiến do ông làm ra đã được nông dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi những ưu điểm: rẻ tiền, gọn nhẹ, thu hoạch nhanh, giảm bớt hao hụt do lúa bị đổ tháo... Vậy là, máy tuốt lúa nhãn hiệu Tư Sang ra đời ở thập niên tám mươi của thế kỷ trước, bán chạy như tôm tươi vì rất tiện lợi trong sản xuất lúa hàng hóa. Đến nay, dù đã có mặt trên đồng ruộng hơn 20 năm nhưng máy tuốt lúa Tư Sang vẫn được nhiều nông dân sử dụng. Ông Tư Sang nhẩm tính, đến nay ông đã cải tiến được trên 2.000 máy tuốt lúa phục vụ sản xuất của nông dân.
Xuất phát từ việc thiếu nhân công trong mùa thu hoạch lúa, năm 1996, ông Tư Sang lại nghĩ đến việc sáng chế ra một loại máy nông cụ vừa cắt lúa, vừa đập lúa, mà người ta thường gọi là máy gặt đập liên hợp, nhà nông chỉ việc đưa bao tải hứng lúa hạt. Do có 3 chức năng cùng một lúc nên việc nghiên cứu, sáng chế ra loại máy này hết sức khó khăn. Thật ra, loại máy này ở nước ngoài vẫn có nhưng không thích hợp sử dụng trên cánh đồng ở miền Nam.
Từ đó, ông Tư Sang nuôi mộng chế tạo một chiếc máy gặt đập liên hợp. Năm 1997 chiếc máy gặt đập liên hợp đầu tiên của Tư Sang trình diện nông dân. Nhưng mới chạy vài phút, máy đã hư. Suốt tám năm, ông nghiên cứu vẽ kiểu, chế tạo hàng chục mẫu máy gặt đập liên hợp, nhưng đưa ra chạy thử, đều thất bại. Vợ con cằn nhằn, nhưng ông Tư quyết làm. Đêm đêm, ngồi một mình bên những chiếc máy hư, và những bản vẽ chi tiết máy, nhớ lại từng lần thất bại, ông Tư khắc phục lỗi thiết kế, để chế tạo chiếc máy gặt đập liên hợp hoàn thiện hơn. Năm 2005, những máy gặt đập liên hợp mang thương hiệu Tư Sang bắt đầu hoạt động trên đồng lúa miền Tây. Hai năm nay, chiếc máy gặt đập liên hợp màu xanh da trời "cơ sở sản xuất Tư Sang", mỗi ngày có thể thu hoạch 6 ha lúa, tương đương với 60 - 70 người cắt tay. Dễ sử dụng, ít hỏng hóc, máy hiệu Tư Sang quen thuộc với nhà nông từ miền Tây đến miền Đông Nam Bộ.
Máy gặt đập do ông Tư Sang sáng chế có trọng lượng hơn 2 tấn; có khả năng thu hoạch mỗi ngày từ 4-5 ha lúa. Tính ra, loại máy này thay thế cho khoảng hơn 50 công lao động. Tuy giá trên 130 triệu đồng/máy nhưng cơ sở sản xuất không đủ máy để bán cho nông dân các nơi.
Với máy gặt đập liên hợp của ông Tư Sang, bà con nông dân chỉ việc hứng lúa vào bao. |
"Phải nghiên cứu để bà con bớt vất vả"
Đến nay, ông Tư Sang đã sản xuất ra khoảng 30 máy gặt đập liên hợp. Do chất lượng tốt, hiệu quả cao nên loại máy này được nông dân nhiều tỉnh trong khu vực biết đến. Nhất là khi gieo sạ lúa đồng loạt để né rầy như hiện nay thì máy gặt đập liên hợp phát huy được hiệu quả. Hiện tại, ông đang nung nấu ý nghĩ sáng chế ra loại máy gặt đập liên hợp cỡ nhỏ, vừa phù hợp túi tiền của nông dân lại vừa gọn nhẹ, cơ động hơn.
Ông Tư Sang bộc bạch: "Tôi theo đuổi nghề cơ khí nông nghiệp này cũng lâu cho nên nông dân có nhu cầu thì mình nghiên cứu để giúp bà con. Bây giờ làm được cái máy này rồi nhưng nông dân yêu cầu làm loại máy nhỏ hơn cho nó gọn nhẹ. Qua quá trình nghiên cứu chế tạo, nếu đưa dụng cụ thô sơ vô thì ảnh hưởng cho nông dân dữ lắm, nên tôi đang tìm nguồn hàng tốt để làm loại máy nhỏ hơn mà cũng tiện ích hơn".
Cơ sở sản xuất máy gặt đập liên hợp Tư Sang ở Cầu Xéo, xã Hậu Thành (Cái Bè, Tiền Giang) rộng khoảng một ngàn mét vuông, đầy ắp những chiếc máy đang hình thành, vài chiếc đã hoàn thiện, chờ xuất xưởng.
Bản tính của ông Tư Sang ít nói, làm nhiều. Ông đặc biệt dành nhiều thời gian cho việc tìm tòi, nghiên cứu máy móc. Hiện tại, gia đình ông có 2 xưởng cơ khí với hơn 30 công nhân thường xuyên làm việc. Hai người con trai của ông đều theo đuổi nghề của cha, một người đã là kỹ sư cơ khí, một người là công nhân lành nghề. Dù tuổi đã gần 70, kinh tế gia đình khá giả nhưng ông Tư Sang vẫn chưa hề nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Ông cho biết: nếu không trực tiếp lao động chân tay thì làm cố vấn kỹ thuật.
Mỗi tháng cơ sở của ông Tư sản xuất được 10 chiếc máy gặt đập liên hợp và hàng chục máy suốt lúa. Xem nông dân là bạn, ông Tư cho giao máy tận nhà, bảo hành một mùa vụ, máy có hỏng hóc, nông dân chỉ cần điện thoại, ông cử thợ đến sửa. Nhà nông ở tỉnh xa đến xưởng ăn dầm, nằm dề chờ lấy máy, ông và gia đình lo cơm nước, chỗ ngủ. "Hôm trước, có mấy ông cán bộ huyện, tỉnh đến thăm cơ sở, nói sẽ cho tui vay vốn mở rộng sản xuất. Nhưng tui từ chối, bảo họ nên cho nhà nông vay vốn để mua máy, vì nông dân chưa giàu, bỏ ra một lần gần 200 triệu đồng để mua chiếc máy gặt đập liên hợp là không dễ", ông Tư nói.
Con người Nam Bộ chất phác, lam lũ, mua một chục trái cây, con cá... người bán đếm đủ mười hai hay mười sáu... chứng tỏ sự rộng lượng, hào phóng của người dân ở vùng đất phì nhiêu. Dân Nam Bộ ăn nói thật thà, thẳng thắn, không thích văn hoa, rào trước đón sau. Trải quá trình nhiều thế hệ, vẫn duy trì được nền nếp, Ðấy là nét đẹp quý giá ngàn đời trong quan hệ giữa con người với nhau. Nhưng, đất phương Nam còn nhiều chuyện thần kỳ, tài năng vượt mức học vấn được các nhà khoa học kính nể, mến phục. Nam Bộ - mảnh đất "hứa" cho các nhà "bác học chân đất", trong tương lai sẽ còn có những sản phẩm đầy tính kỹ thuật cao gây bất ngờ và đặc biệt là những lợi ích được ứng dụng trong cuộc sống. Những chiếc máy giản dị, không "bắt mắt" nhưng mạnh mẽ và hiệu quả như chính những người nông dân đã làm ra chúng.
Bài và ảnh: Chu Trinh