Ông “Kim Ngọc” ở Ứng Hòa, Hà Nội

02-07-2011 08:17 | Xã hội
google news

Ông nông dân “khoán quản” Ðặng Văn Ấn, SN 1942, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VII (1981 - 1987), hiện đang sống ở làng Nghi Lộc, xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội đã có sáng kiến cách tân nền nông nghiệp thời kỳ quá độ,

Ông nông dân “khoán quản” Ðặng Văn Ấn, SN 1942, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VII (1981 - 1987), hiện đang sống ở làng Nghi Lộc, xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội đã có sáng kiến cách tân nền nông nghiệp thời kỳ quá độ, ông có hình mẫu giống như ông Kim Ngọc, “xé rào” chính sách của nền nông nghiệp, từng đối diện với “phê bình, kiểm điểm”... tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa một vùng đất bao năm thiếu ăn trở thành no đủ, là mô hình để Trung ương áp dụng trong thời kỳ đổi mới khi thực hiện Khoán 10.

Vật vã mưu sinh

Ngày xưa, làng Nghi Lộc có tên là làng Kẻ Sọc, một làng thuần nông mang đậm nền văn minh lúa nước lâu đời. Mới 6 tuổi, bố mẹ ốm yếu, bệnh tật liên miên, gia cảnh lại càng thêm khó khăn, Ấn đi làm thuê từ bé kiếm tiền phụ giúp gia đình, cậu làm đủ nghề. Nhưng, tuổi nhỏ khó kiếm việc làm, cậu quay ra bán bánh tẻ. Hằng ngày, trên khắp cung đường làng ở Ứng Hòa, người ta quá quen với hình ảnh cậu bé Ẩn đầu đội thúng bánh tẻ, tay phe phẩy chân lèo khoèo như chiếc compa… tung tẩy khắp hang cùng ngõ hẻm đi bán bánh tẻ.

Chính hình ảnh này được một nhân chứng quan trọng là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một người thân quen cùng quê với ông Ấn kể lại: “Mãi sau này ông Ấn là đại biểu Quốc hội khóa VII tôi vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh cậu bé bán bánh tẻ ngày nào. Mỗi khi về làng tôi đều đến hỏi ông về chính sách nông nghiệp, đồng ruộng”. Nhà thơ kể lại, khi ông rời làng, hình ảnh của cậu bé bán bánh tẻ ám ảnh và theo đuổi ông suốt chặng đường của nhà thơ, trở thành hình tượng khó phai trong lòng bạn đọc.

Hơn 10 tuổi, Ấn bỏ nghề bán bánh tẻ, theo chân anh chị thanh niên trong làng, trong xã đi nhặt phân trâu, phân bò về bán cho HTX để kiếm công điểm. Ông nhớ lại, vào tuổi đó vẫn chưa làm những việc như cấy, cày, làm đất… như những người trưởng thành. Nên việc làm lấy công điểm duy nhất mà ông có thể làm là nhặt phân trâu, phân bò. Hằng ngày, trên khắp nẻo đường liên xã, liên thôn ở Ứng Hòa, người dân lại thấy một cậu Ấn khác lạ. Trên tay là hai chiếc xương sườn bò được phơi khô để làm dụng cụ hốt phân, đôi gánh ngắn tung tăng khắp nơi. Từ 4 giờ sáng tinh mơ đến 11 giờ đêm, người làng vẫn thấy cậu bé đang ở tuổi dậy thì miệt mài nhặt phân. Cái biệt hiệu “người hùng” nhặt phân của Ấn bắt đầu có từ ngày đó. Cứ ở đâu có đàn trâu bò đi qua là y rằng người ta thấy cậu lại xuất hiện. Ấn bảo, nhặt được “phân nóng”, tức là phân vừa do trâu bò phóng uế ra còn bốc hơi nóng là lãi nhất, vì khi đem ra HTX cân tính điểm thì loại “phân nóng” này nặng hơn phân khô. Thông thường mỗi ngày cậu nhặt được 1 tạ phân, tương đương với 1,5 - 1,6 công điểm, một thành tích đáng khen ngợi của Ấn, được Ban quản trị HTX nêu tên, khen thưởng trong các cuộc họp.

Từ việc làm hiệu quả ấy, Ấn được cán bộ và xã viên tin tưởng giao cho nhiều công việc quan trọng của làng xã. Việc nào cậu cũng có sáng kiến, làm nhanh, kịp tiến độ và gây sự ngạc nhiên của mọi người. Thế nhưng trước sự lạc hậu của cơ chế, đời sống bà con không được cải thiện. Nhiều người hoài nghi với sự trì trệ trên đồng ruộng. Nhiều người, nhất là các xã viên ghen ghét, ganh tị nhau bỏ bê việc của HTX. Nhiều cán bộ cơ sở chán chường, chỉ lo làm sao cho mình được nhàn hạ mà không gặp phiền hà. Giữa thời điểm đó, Ấn nổi lên như hiện tượng xông xáo vì công tác xã hội. Ấn trở thành điển hình được tuyên dương trong các hội nghị của huyện, xã. Đến khi bầu Ban quản trị HTX, bà con Nghi Lộc ủng hộ Ấn ra ứng cử chức Chủ nhiệm HTX và đạt số phiếu bầu cao và trúng cử chức Chủ nhiệm HTX.

 Ông Ấn và cuốn Kỷ yếu đại biểu Quốc hội.

Ông “khoán hộ” thứ 2

Sau này ông được mệnh danh là “ông Kim Ngọc thứ 2” của Việt Nam nhưng lý thuyết Khoán 10 là của ông Kim Ngọc, còn người thực hiện thành công mô hình này đầu tiên lại là ông Ấn. Ông Nguyễn Thu Bôn, SN 1954, hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Công, là nhân chứng nắm rõ nhất về mô hình “khoán quản” của ông Ấn, vì hồi đó ông là kế toán của HTX, người giúp ông Ấn trong mọi khâu điều hành, thực hiện, ghi chép. Theo như nhiều cán bộ Ứng Hòa thì ông Bôn chính là cuốn “từ điển sống” của mô hình khoán quản ở Sơn Công vào những năm chưa để lộ bí mật.

Ông Bôn kể, vào thời điểm đó, việc ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc làm “khoán hộ” lại chưa được công bố nên ở Sơn Công, mặc dù rất gần với Vĩnh Phúc nhưng thông tin về ông Kim Ngọc không ai biết. Ngay đến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người từng nghiên cứu và viết bài về ông Ấn như sau: “Lý thuyết về khoán quản là của ông Kim Ngọc. Nhưng người thực hiện thành công đầu tiên lại thuộc về những người nông dân xã tôi - xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây. Ngày đó, các ông Phạm Văn Đồng, Tố Hữu và một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã về xã tôi để tận mắt nhìn thấy sự thay đổi lạ lùng này”. Qua nhiều nguồn tư liệu, chúng tôi được biết, trong thời điểm ông Ấn thực hiện khoán quản, một nhà báo là ông Đắc Hữu, nguyên Tổng biên tập báo Hà Tây cũ từng nghiên cứu, viết lại rất kỹ, ông cũng từng có bài với dòng tít lớn: Sơn Công, câu trả lời cho vấn đề nông nghiệp Việt Nam cũng không khẳng định về lý thuyết khoán quản là của ông Kim Ngọc.

Ông Nguyễn Hồng Pho, cùng là cán bộ trong Ban quản trị HTX với ông Ấn cho biết về mô hình khoán ruộng cho lao động nữ, để họ gắn trách nhiệm với đồng ruộng, cách này người dân ở đây còn gọi là “khoán ruộng lợn”, tức là người phụ nữ được khoán ruộng, thu hoạch, nuôi lợn sau đó trả thịt lợn hơi cho HTX để hoàn thành năng suất cho Nhà nước. Lúc này, Ban quản trị HTX báo cáo với lãnh đạo Đảng ủy huyện Ứng Hòa nhưng họ không ủng hộ, cũng không phản đối, vì đây là vấn đề nhạy cảm, tổ chức địa phương chỉ ngầm chờ đợi, coi như thử nghiệm.

Vào thời điểm ông Ấn lên làm Chủ nhiệm HTX, nhiều lần chia đội, tổ sản xuất, cuối cùng vào năm 1978, Huyện ủy Ứng Hòa lại chia tách cơ cấu hành chính, Sơn Công được thành lập HTX  Hợp Nhất (Sơn Công) gồm 4 thôn (10 đội sản xuất) và mô hình khoán quản theo công thức 5-3, tức là tổ chức, HTX chịu trách nhiệm 5 khâu như: làm đất; ngâm ủ giống, công tác thủy lợi; phòng trừ sâu bệnh; bảo vệ đồng. Còn 3 khâu còn lại thuộc về người được giao ruộng là: cấy, chăm sóc và thu hoạch. Với kiểu khoán này, ông Ấn và anh em trong Ban quản trị nhất trí với tên gọi là khoán 5-3, mãi sau được đổi là “khoán quản” ra đời ở Sơn Công bắt đầu từ đó.

Từ khi khoán quản ra đời, việc xây dựng hệ thống thủy lợi, tưới tiêu được chú trọng hàng đầu, nhiều trạm bơm nước từ sông Nhuệ được xây mới, nước tưới về đồng đầy đủ. Đặc biệt là hệ thống máy cày được hồi phục, cơ giới hóa đồng ruộng, khiến nông dân háo hức phấn đấu. Còn ông Ấn cho biết, với mô hình khoán quản từ hạt thóc, bà con xã viên chăn nuôi lợn, mỗi năm bán lợn cho Nhà nước vượt chỉ tiêu hơn 26 tấn/năm. Sơn Công lại hoàn thành vào dịp tháng 8 hằng năm, giao trước 4 - 5 tháng so với kỳ hạn của huyện đề ra. Sơn Công được khen thưởng, tặng bằng khen của tỉnh, huyện, sự vinh danh ấy làm cho vùng đất này càng nổi tiếng.

Cuối năm 1980, đồng chí Vũ Oanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương về Sơn Công xem xét tình hình thực tế và nghe báo cáo từ cơ sở để báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Mùng 1 tết Tân Dậu năm 1981, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thăm Sơn Công và xem xét mô hình. Đồng chí Phạm Văn Đồng phát biểu: “Đây là một mô hình làm hay, làm tốt, cần phát huy hơn”. Với sự chỉ đạo này, ông Ấn và Ban quản trị như cởi được nút thắt, vui mừng vì mô hình được tôn vinh. Cũng trong năm đó, mô hình ở Sơn Công được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm. Tiếp sau đó, đến tháng 3/1981, đồng chí Tố Hữu, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thực tế và chỉ đạo. Rồi đến đồng chí Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam về nghe báo cáo tình hình. Sơn Công nổi lên như một điển hình tiên tiến trong thời kỳ đổi mới, cùng với địa phương khác là Đồ Sơn, Hải Phòng, cũng là địa phương thực hiện khoán hộ được Trung ương quan tâm, thí điểm để đến năm 1988, Chỉ thị 100 của Trung ương ra đời khoán sản phẩm đến nhóm người lao động ra đời gọi là Khoán 10.

Vị đại biểu Quốc hội ngày ấy, bây giờ…

Cũng trong năm đó, đến kỳ bầu đại biểu Quốc hội khóa VII, nhiệm kỳ 1981 - 1986 (đây là nhiệm kỳ kéo dài thêm 1 năm), ông Ấn được cử tri tin bầu vào đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tây. Một ông nông dân vất vả lắm mới học bổ túc hết lớp 3 trường làng trở thành đại biểu Quốc hội khóa VII làm xôn xao dư luận. Lần đầu tiên trong lịch sử, một ông nông dân được đặc cách làm đại biểu Quốc hội làm nhiều người kinh ngạc. Nhưng lo nhất vẫn là ông Ấn, không biết làm đại biểu Quốc hội sẽ thế nào. Làm sao để tốt cho dân, cho nước.

Cứ đều đặn, 6 tháng một lần, xe con măng-ca lại về làng Nghi Lộc đón ông Ấn đi họp Quốc hội ở Ba Đình. Chuyện về ông nông dân đang cấy cày khi có xe con đến đón là nhảy tót lên bờ đi họp Quốc hội lan truyền khắp nơi. Mỗi kỳ họp từ 5 - 7 ngày, xe con lại trả ông về làng với chức phận của một Chủ nhiệm HTX Sơn Công. Đi họp về đến làng là ông lại nhảy bổ ngay xuống ruộng để xem xét tình hình của xã viên. Vị đại biểu Quốc hội hết lòng vì nông nghiệp ấy để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bà con nông dân trong cả nước.

Bây giờ, ông Ấn vẫn được tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ có thành tích 40 năm tuổi Đảng, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và các cấp lãnh đạo. Ông vẫn giữ lề thói mộc mạc, ống quần xo xắn lên đầu gối để xông pha vào mặt trận kinh tế với bà con nông dân. 
 

Trong hồi ức của nhà thơ Nguyễn Quang Thiểu kể:

“Hằng đêm, tôi và nhiều đứa trẻ Sơn Công thức dậy giữa đêm trăng, nghe tiếng máy cày chạy ầm ầm, tiếng bà con xã viên hò hát vang khắp cánh đồng mà thấy rộn rã trong lòng, sự no ấm hiện lên từ mô hình của ông Ấn”.
 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

  Đức Hòa


Ý kiến của bạn