Ông Khuất Việt Hùng: Lái xe uống rượu bia không khác gì cầm súng trong tay

04-05-2019 06:00 | Thời sự

SKĐS - Điều khiển phương tiện cơ giới là nguy hiểm không khác gì đang cầm trong tay một khẩu súng, chúng ta cần có ứng xử cho phù hợp - ông Khuất Việt Hùng Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nói và khẳng định: Đã uống rượu bia thì không lái xe!

Tại cuộc tọa đàm “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông?”, ông Khuất Việt Hùng chia sẻ: Uống rượu bia lái xe gây tai nạn, từ người tốt thành kẻ giết người. Vụ việc khiến ông ám ảnh nhất đó là vụ chị Nga gây tai nạn giao thông ở Hàng Xanh (TP.HCM). Một người tốt sau khi uống rượu gây tai nạn làm chết 2 người và bị thương rất nhiều người. Nhưng điều ám ảnh ở đây lại là một phụ nữ, đại đa số phụ nữ Việt Nam không uống rượu.

Người lái xe sau khi được cấp bằng lái chắc chắn phải biết uống rượu bia là không được lái xe, biết hành vi đó là bị cấm và biết có thể gây chết người nhưng anh ta vẫn thực hiện.

Pháp luật về an toàn giao thông nghiêm cấm hành vi uống rượu bia lái xe vì đó là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Pháp luật cũng cấm tàng trữ sử dụng vũ phí quân dụng, nếu tàng trữ bị xử lý. Như vậy, điều khiển phương tiện cơ giới là nguy hiểm không khác gì đang cầm trong tay một khẩu súng, chúng ta cần có ứng xử cho phù hợp- Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nói.

Ông Hùng cũng cho rằng, hiện nay nhận thức của người dân về việc không uống rượu bia khi tham gia giao thông đã tốt lên rất nhiều, nhất là sau những vụ tai nạn gần đây dư luận vô cùng phẫn nộ. Chuyên gia này dẫn chứng: "Năm 2015, khi xây dựng Nghị định 171 sửa đổi, chúng tôi kiến nghị bổ sung chế tài nếu tái phạm vi phạm nồng độ cồn thì có thể tịch thu phương tiện. Khi đó, chúng tôi nhận được rất nhiều “gạch đá” phản đối.

Lúc đó cũng có một số ý kiến đề xuất phải xử lý hình sự hành vi uống rượu bia vẫn lái xe và cũng nhận “gạch đá” không kém. Nhưng hiện tại, ý kiến đề xuất tịch thu phương tiện, xử lý hình sự với hành vi vi phạm nồng độ cồn rất được hoan nghênh ủng hộ".


Tuy nhiên, ông Hùng cũng bày tỏ quan điểm đừng nghĩ xử phạt là để phạt mà là một biện pháp để giáo dục, tuyên truyền. Đây là hình thức mạnh hơn lời cảnh báo. Cảnh báo bằng tiền, bằng chế tài lao động công ích, cảnh báo bằng việc bỏ tù để thay đổi hành vi, thói quen.

Qua những vụ tai nạn đau lòng vừa xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý Nhà nước là cần có biện pháp xử lý mạnh tay để răn đe, không chỉ sau khi vụ việc diễn ra mà còn phải mang tính dự phòng, ngăn chặn hành vi vi phạm; đồng thời cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của người tham gia giao thông để từ đó thay đổi hành vi.

Để khắc phục tình trạng tài xế uống rượu khi tham gia giao thông, mỗi người hãy là một tuyên truyền viên, làm gương từ trong gia đình đến cơ quan, khu phố, cộng đồng và phải thay đổi văn hoá uống rượu bằng cách cần quản lý như thế nào, làm sao cho người dân khó tiếp cận rượu bia hơn, quy định độ tuổi, thời gian, mức độ uống rượu bia…

 

Hơn 1 triệu cặp logo "Đã uống rượu bia, không lái xe"

Đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, cơ quan này đang nỗ lực để có thể gửi trên 1 triệu cặp logo "Đã uống rượu bia, không lái xe" cho trên 1 triệu xe đang lưu hành trên toàn quốc. Trong đó, logo nhỏ trong cặp này sẽ được dành dán ở kính trước xe, logo lớn dám trên sườn xe.

"Toàn quốc hiện có trên 3,5 triệu xe các loại, trong đó có cả xe đã hết thời hạn lưu hành, đã có những đơn vị, tổ chức quan tâm để có thể đưa thêm thông điệp này tới trên 2 triệu xe đang lưu thông còn lại"- ông Hùng cho hay.

Tại đám tang nạn nhân vụ tai nạn thương tâm ở hầm Kim Liên ngày 3/5, những miếng logo hai màu đỏ đen "đã uống rượu bia, không lái xe" cũng đã được dán trên tay và ngực áo khoảng 3000 người đến viếng để phản đối hành vi lái xe sau khi uống rượu bia.

Bộ Giao thông Vận tải cũng giao cho Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẩn trương phối hợp với các đơn vị là thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phòng chống và xử lý vi phạm quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái xe cơ giới đường bộ năm 2019 và kỳ cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ Hội Xuân năm 2020 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trình Lãnh đạo Ủy ban ký ban hành. Vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp tài liệu (video clip, tờ rơi, thông điệp…) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia – Không lái xe” cho các cơ quan, đơn vị thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Đây là những thông điệp và hành động mang ý nghĩa đẹp, góp phần nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện để giảm TNGT và những hậu quả đang tiếc cho xã hội.

Lê Nguyên
Ý kiến của bạn