Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 ở Rạch Giá, Kiên Giang. Ông là một trong những nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc miền Nam Việt Nam với khoảng 200 tác phẩm. 15 tuổi, Lam Phương đã bắt đầu sáng tác bản Chiều thu ấy nhưng mãi đến năm 1954 ông mới nổi danh với hai bài Kiếp nghèo và Chuyến đò vĩ tuyến.
Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ
Nhạc của Lam Phương chuộng điệu mambo nhưng đa dạng với rất nhiều đề tài. Nói về tình quân nhân ông có Tình anh lính chiến, Chiều hành quân, tình mẫu tử ông có Đèn khuya, Tạ ơn mẹ, kể về kiếp sống lầm than ông có Kiếp nghèo, Chiều tàn. Riêng về tình ca, có thể nói ông là một suối nguồn trong nền âm nhạc miền Việt Nam.
Thời gian ở Việt Nam, Lam Phương viết rất nhiều bản nhạc nổi tiếng như Thành phố buồn Tình bơ vơ, Duyên kiếp... Khi sang Mỹ định cư năm 1975, ông làm nhiều nghề để mưu sinh từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện. Khi ổn định cuộc sống, ông bắt đầu trở lại với đam mê nghệ thuật của mình với việc thuê sân khấu để sống lại với nhạc kịch cùng vợ là ca sĩ Túy Hồng.
NSND Diệp Lang thăm nhạc sĩ Lam Phương bên giường bệnh tại Mỹ, năm 2019
Sau khi ly hôn với Túy Hồng, ông sang Pháp sinh sống cùng em gái. Đổ vỡ hôn nhân, chuyện buồn tình cảm, thăng trầm trong cuộc sống khiến ông cho ra đời nhiều tình khúc say lòng khán giả như: Tình bơ vơ, Cho em quên tuổi ngọc, Lầm, Buồn, Say, Mơ, Hạnh phúc mang theo, Ngày tạm biệt, Bài tango cho em, Mùa thu yêu đương... Album nhạc Lam Phương được nhiều ca sĩ chọn phát hành như: Hương Lan, Bạch Yến, Lưu Hồng, Họa Mi, Ý Lan, Hạ Vy, Ngọc Anh, Lệ Quyên...
Danh ca Họa Mi & Elvis Phương hát liên khúc nhạc Lam Phương
Hơn 20 năm qua, nhạc sĩ Lam Phương không còn sáng tác nhưng ông có hàng trăm tác phẩm đã được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam. Giai điệu của nhạc sĩ Lam Phương phong phú và đa dạng, đặc biệt là những bản tình ca nên ông có nhiều người hâm mộ, yêu quý.