Hà Nội

Ðóng góp 1.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu?

09-12-2013 21:52 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sau nhiều sóng gió, ngày 7/12, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cuối cùng đã thông qua được một hiệp định “lịch sử” tại Bali.

Sau nhiều sóng gió, ngày 7/12, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cuối cùng đã thông qua được một hiệp định “lịch sử” tại Bali. Đây là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên được ký kết từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1995, cứu vãn WTO khỏi bị lỗi thời.

Ngay sau khi thỏa thuận được các Bộ trưởng 159 quốc gia thành viên chính thức thông qua, Tổng Giám đốc người Brazil của WTO, ông Roberto Azevedo tuyên bố: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, WTO thực sự giữ được lời hứa”. Ông dừng lại một hồi lâu để ngăn dòng lệ và nói thêm: “Chúng ta đã đưa trở lại từ “thế giới” vào tổ chức thương mại quốc tế này”.


	Lần đầu tiên trong lịch sử, WTO thực sự giữ được lời hứa.

Lần đầu tiên trong lịch sử, WTO thực sự giữ được lời hứa.

Tổng Giám đốc WTO nhận định, thỏa thuận Bali là “một bước quan trọng” về hướng thực hiện một chương trình rộng lớn nhằm tự do hóa các trao đổi thương mại được đề xướng tại Doha (Qatar) từ năm 2001 nhưng lâu nay không được ngó ngàng đến. Tuy vậy, thỏa thuận Bali chưa đáp ứng được hy vọng đồng thời là tham vọng của WTO về việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan trên toàn cầu, được bày tỏ suốt quá trình hơn một chục năm thương thảo tại Doha.

Đại diện EU, Pháp, Anh , Indonesia đã lên tiếng hoan nghênh. Thỏa thuận ký kết hôm nay đạt gần 10% quy mô của chương trình cải cách đưa ra ở Doha, nhưng nhiều người có trách nhiệm e ngại cho tương lai của chính WTO và cho chính sách đa phương nói chung, trong trường hợp thất bại ở cấp bộ. Toàn bộ các biện pháp ở mức tối thiểu được mệnh danh là một “ Doha light” liên quan đến ba lĩnh vực. Các thành viên cam kết giảm trợ cấp xuất khẩu nông sản, dự kiến miễn dần thuế hải quan đánh trên sản phẩm của các nước nghèo và giảm các thủ tục quan liêu trong xuất nhập khẩu để tạo điều kiện cho các trao đổi thương mại.

Việc ký kết được thỏa thuận sau nhiều lần được cho là hoàn toàn mất hết hy vọng, còn là một thắng lợi cá nhân của tân Tổng Giám đốc WTO lên nắm quyền từ tháng 9. Trước Hội nghị Bali , bốn hội nghị cấp Bộ trưởng trước đó chưa bao giờ đạt đến một thỏa thuận toàn cầu. Ấn Độ luôn đòi hỏi phải được tăng trợ cấp nông nghiệp, lần này chỉ chấp nhận vào phút chót. Và đến lúc gần như đã thương lượng xong, các nước Cuba , Nicaragua , Bolivia và Venezuela lại đòi phải thêm vụ Mỹ cấm vận Cuba vào khiến hội nghị phải kéo dài.

Tuy nhiên, thỏa thuận toàn cầu đầu tiên trong lịch sử WTO chỉ mới là bước đầu trên con đường thiên lý hướng về việc tự do hóa trao đổi thương mại. Vòng thương lượng “Uruguay Round” trước đây kết thúc vào năm 1994 với thỏa thuận Marrakech (Maroc) đã dẫn đến việc thành lập WTO một năm sau đó.

Suốt 12 năm qua, vòng đàm phán thương mại Doha bế tắc. Uy tín của WTO đứng trước bờ vực của sự sụp đổ. Nguyên nhân, theo giới chuyên gia là do WTO đặt ra mục tiêu quá tham vọng: dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng loạt sản phẩm hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Với “gói Bali”, WTO đặt mục tiêu khiêm tốn hơn: thuận lợi hóa thương mại toàn cầu bằng biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm các rào cản thương mại.

Theo WTO, thủ tục hải quan phức tạp là một vấn đề lớn đối với thương mại toàn cầu. “Gói Bali” có thể phá vỡ các rào cản này.  Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính thỏa thuận Bali có thể đóng góp 1.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu và tạo 21 triệu công ăn việc làm, trong đó có 18 triệu tại các nước đang phát triển.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirijawan cho rằng, thỏa thuận này sẽ “có lợi cho mọi thành viên WTO”. Thủ tướng Anh David Cameron nhận định đây sẽ là một chiếc “phao cứu sinh” đối với người dân các nước nghèo nhất. Chủ tịch Hãng UPS Scott Davis cho rằng, “gói Bali” là “bước tiến khổng lồ đối với các doanh nghiệp lớn nhỏ”.

Song Minh

 (Theo Bloombergs, WSJ, AFP)

 


Ý kiến của bạn