PGS.TS. Nguyễn Xuân Chánh năm nay 86 tuổi, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội. Ông quê làng Phú Lễ (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế). Một điều ít ai có, từ khi ra công tác đến lúc về hưu ông chỉ làm việc tại một trường đại học lớn suốt 43 năm liên tục. Điều đáng nói nữa, từ khi nghỉ hưu đến nay đã 20 năm, ông vẫn dồi dào sức làm việc, sáng tạo. Bí quyết để sống khỏe, sống có ích của ông nằm trong câu thơ của thi hào Nguyễn Du: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài...
Tình bạn... vật lý
Nguyễn Xuân Chánh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, thuở thiếu thời học Quốc học Huế, rồi cuối năm 1951, anh hàng tháng trời cuốc bộ trên đường mòn Trường Sơn, ra Đu - Cầu Kè, Thanh Hóa học lớp dự bị đại học. Ở đây anh gặp một chàng trai cao, gầy kém 2 tuổi đến từ đồng lúa Thái Bình, là Vũ Đình Cự. Từ đó bắt đầu một tình bạn thủy chung, lâu bền. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1956, vừa lúc ĐHBK ra đời, cả hai đều học giỏi các môn tự nhiên, được phân công về trường này giảng dạy môn vật lý. Năm 1960, Nguyễn Xuân Chánh được cử đi nghiên cứu sinh ở Đại học Tổng hợp Khác-cốp, Ucraina; năm sau Vũ Đình Cự cũng đi nghiên cứu sinh ở Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp, Mat-xcơ-va.
Một cuộc thảo luận ở nhóm GK1 (từ trái): Nguyễn Xuân Chánh, Vũ Đình Cự, Nguyễn Nguyên Phong (tháng 5/1972).
Ông Nguyễn Xuân Chánh nhớ lại, ngày ấy cả hai đều ở tuổi 30 dồi dào sức lực, nhiều khát vọng khoa học. Ông thì cố hết sức để hoàn thành đúng thời hạn trong 4 năm, bảo vệ được học vị phó tiến sĩ toán - lý (nay là tiến sĩ), trong khi Vũ Đình Cự ở Lô-mô-nô-xốp chưa đầy 4 năm đã bảo vệ xong, do kết quả xuất sắc được giữ lại làm tiếp tiến sĩ khoa học (TSKH) chỉ trong 2 năm. Một điều thú vị, cả hai đều nghiên cứu về “màng mỏng”, một lĩnh vực mũi nhọn ngày ấy của vật lý chất rắn. Song, đôi khi có người tài không phải đã được người đời công nhận ngay khả năng trí tuệ. Và chuyện này lại đã xảy đến với người thầy hướng dẫn ông ngày ấy, là GS. Pines - nhà vật lý chất rắn nổi tiếng người Nga gốc Do Thái. GS. Pines có công trình lý thuyết về một loại vật liệu hệ số Poisson âm. Ông gửi đăng ở tạp chí nghiên cứu vật lý lớn nhất Liên Xô, thì bị coi là “ý tưởng điên rồ”. Vật liệu luôn có hệ số Poisson dương, tức khi kéo giãn theo chiều dài thì co lại theo chiều ngang, vậy mà Pines dự báo về loại vật liệu khi kéo giãn lại “phình ra”! Thật trớ trêu, người phản bác đầu tiên chính là Tổng biên tập của tạp chí, nhà vật lý lỗi lạc L. Lanđao (Nobel Vật lý 1962). Để rồi 20 năm sau, người ta mới biết GS. Pines đúng, khi thực nghiệm tìm ra loại vật liệu mới gọi là auxetic, có hệ số Poisson âm. Mới đây, trong blog của GS. Đàm Thanh Sơn, nhà vật lý Việt Nam nổi tiếng hiện đang làm việc ở Mỹ, viết “đáng lý vật liệu auxetic phải gọi là vật liệu pinessian”.
Đôi bạn Vũ Đình Cự - Nguyễn Xuân Chánh về nước đã phát huy được khả năng của mình trong giảng dạy và nghiên cứu. Những năm 1969-1970, ở ĐHBK thầy Cự được cử làm nhóm trưởng đề xuất lên cấp trên xin mở ngành đào tạo mới kỹ sư vật lý với hai chuyên ngành vật lý chất rắn và vật lý hạt nhân. Năm 1985, ĐHBK thành lập Viện Vật lý kỹ thuật, thầy Chánh trở thành Viện trưởng đầu tiên và đảm nhiệm cương vị này 2 nhiệm kỳ cho đến lúc nghỉ hưu. Tình bạn của hai người còn được gắn bó trong nghiên cứu khoa học phục vụ chiến đấu. Ông Chánh nhớ lại: Công việc đào tạo kỹ sư vật lý đang tiến triển thì Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Mỹ tuyên bố sẽ dùng các loại vũ khí thông minh, thủy lôi, bom từ trường phong tỏa các cảng đường biển, đường sông và đường bộ đưa miền Bắc về “thời kỳ đồ đá”. Hai vị Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải vốn đều xuất thân từ quân đội: Tạ Quang Bửu (nguyên Thứ trưởng Quốc phòng), Phan Trọng Tuệ (nguyên Thiếu tướng, Tư lệnh quân khu) đã quyết định thành lập Tiểu ban Rà phá bom mìn, thủy lôi, gồm 6 tổ chuyên môn, có một tổ nghiên cứu cơ bản và thiết kế phương án, do GS.TSKH. Vũ Đình Cự đã biệt phái sang Bộ Giao thông Vận tải, làm tổ trưởng, PGS.TS. Nguyễn Xuân Chánh là thành viên. Tổ làm việc với mật danh GK1. Thủy lôi, bom từ trường được lực lượng phá bom đường biển mang về cho nhóm nghiên cứu “mổ xẻ”. Nhóm nghiên cứu gồm 11 thầy đều ở ĐHBK đã tìm ra ở đầu điều khiển được đúc kín trong keo epoxy có nhiều linh kiện bán dẫn đặc biệt và cảm biến là màng mỏng từ, những thành tựu mới nhất của khoa học được Mỹ ứng dụng ngay vào chiến tranh ở Việt Nam. Song với những người đã có chuyên sâu về màng mỏng như Vũ Đình Cự, Nguyễn Xuân Chánh, “cảm biến màng mỏng” đã sớm được nhận diện. Một thành viên của nhóm là PGS. Bùi Minh Tiêu về kỹ thuật điện tử số ngày đó cũng có đóng góp quan trọng: lý giải được sơ đồ và nguyên lý làm việc của đầu điều khiển thủy lôi, bom từ trường. Thế rồi, bằng trí tuệ tập thể, chỉ một thời gian ngắn Tổ GK1 đã định ra được phương án thiết kế thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường. Kết hợp với các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải những nghiên cứu từ phòng thí nghiệm của tổ GK1 đã đi vào thực tiễn rất có hiệu quả, góp phần quan trọng vào đánh thắng cuộc chiến tranh phong tỏa của Mỹ. Sau ngày nước nhà thống nhất, cụm công trình khoa học tập thể đó được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên.
Dù làm việc gì, trong hoàn cảnh nào, PGS.TS. Nguyễn Xuân Chánh cũng tỏ ra là người “tri kỷ” - biết rõ mình, hiểu mình và “tri tâm” - hiểu khả năng và tấm lòng bạn bè. Trong công việc, ông xa lạ với mọi thói đố kỵ, bon chen, huênh hoang, tranh công đổ lỗi. Từ thời trẻ đến hôm nay cụ luôn sống hòa đồng, tâm hồn lúc nào cũng thanh thản và được mọi người yêu mến, tôn trọng. Không để những stress làm rối tâm trí, hao mòn sức lực, đó cũng là cách sống của một người hiểu được cái đạo làm người vậy.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Chánh đọc sách tại nhà.
Nhà phổ biến kiến thức tài hoa
Có thể trong lý thuyết màng mỏng, PGS.TS. Nguyễn Xuân Chánh không “sáng chói” như bạn Vũ Đình Cự, song cái tài của ông lại có dịp thể hiện nhiều ở một lĩnh vực khác, cũng rất bổ ích, lý thú. Đó là, phổ biến đến công chúng rộng rãi những kiến thức về vật lý ứng dụng. Ông viết chung với GS. Vũ Đình Cự (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội), cuốn Công nghệ Nano điều khiển đến từng phân tử nguyên tử. Sách giành Huy chương Bạc của Bộ Văn hóa Thông tin năm 2005. Về hưu được hai chục năm, ông vẫn chú tâm viết nhiều sách phổ biến kiến thức, bên cạnh đó là hàng trăm bài báo đại chúng. Các sách của ông được tìm đọc nhiều như: Vật lý ứng dụng trong đời sống hiện đại (Nhà Xuất bản Trẻ 2009); Vật lý hiện đại giữa đời thường (Nhà Xuất bản Tri thức 2012)... Tác giả vừa ra cuốn mới: Công nghệ in 3D đã đột phá vào mọi ngành nghề (Nhà Xuất bản Bách khoa, 2016).
Trong đời sống hôm nay, hầu như tất cả chúng ta khi sử dụng những sản phẩm của công nghệ cao như: lò vi sóng, máy photocopy, máy in laze, bếp từ, máy vi tính, camera, máy ảnh số, màn hình phẳng TV, máy chụp cắt lớp cộng hưởng từ... đều không mấy để ý đến “bên trong” của nó. Song có không ít người vì tò mò, ham hiểu biết, hoặc muốn trở thành nhà sáng chế, thợ sửa chữa... có nhu cầu tìm hiểu nguyên lý làm việc, cấu tạo của các thứ đồ hiện đại đó. Họ mong có cuốn “cẩm nang” trong tay. Đọc sách của tác giả Nguyễn Xuân Chánh sẽ có “túi khôn” đáp ứng tất cả, những điều viết ra đều dễ hiểu, sáng sủa. Với vốn ngoại ngữ Nga, Anh, Pháp thành thạo, ông đã huy động bao nhiêu là kiến thức kim cổ vào trang viết, để người đọc chỉ cần có kiến thức phổ thông là hiểu được. Thường thì người thông minh hay trào lộng, ông có cách trình bày vấn đề nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Chẳng hạn, ở mục Học tập nhện, sử dụng dê để làm sợi tơ, viết: “Nhện kia giăng lưới bắt ruồi/Thấy tằm kéo kén vừa cười vừa chê... nhà làm thơ ngụ ngôn đâu có biết rằng những sợi tơ mỏng manh đó lại chứa nhiều điều kỳ diệu mà công nghệ nano hiện đại phải dày công tìm hiểu và phải nhờ đàn dê chuyển gen tiếp sức để làm ra những vật liệu đến thế kỷ 21 mới có...”. Đến đây người đọc hỏi ngay: Sao tơ nhện lại liên quan đến đàn dê? Thì ra, các chất cơ bản cấu tạo nên tơ nhện lại có nhiều ở sữa dê, chế biến sữa dê chuyển gen thích hợp có thể kéo ra sợi bền chắc như tơ nhện được. Cách dẫn dắt như thế quả là logic và hấp dẫn. Với sách mới nhất Công nghệ in 3D, hy vọng sẽ được nhiều người ở nhiều ngành nghề tìm đọc, bởi đây đã trở thành một cách chế tác mới, một phương pháp sản xuất làm cốt lõi cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba.
“Ông già vật lý” khỏe mạnh, minh mẫn ấy, hiện ở khu tập thể Bách Khoa (Hà Nội). Hàng ngày, buổi sáng ông vẫn tập đều 6 động tác yoga suối nguồn tươi trẻ. Rồi ông ngồi vào bàn đọc, viết trên máy tính. Chiều chiều, ông dạo chơi công viên, bình lặng nhìn dòng người ngược xuôi trên đường với nụ cười hiền trên môi.