Ông già và đàn cá Koi

13-01-2018 15:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mới rồi tôi đến khu vực huyện Lương Sơn, Hòa Bình, nghe bà con kháo nhau, có một ông già mới đến huyện này khoảng 5 năm, xây bể nuôi cá Koi ngoài vườn,

một đại gia từ Hà Nội đến hỏi mua con cá có chấm đỏ trên đầu hình quốc kỳ Nhật Bản, tới vài trăm triệu đồng mà ông không bán, bảo chỉ để ngắm chơi...

PGS.TS. Trần Đình Trọng đang cho cá Koi ăn.

PGS.TS. Trần Đình Trọng đang cho cá Koi ăn.

Những năm gần đây ở nước ta rộ lên thú chơi cá Koi, một thứ cá được coi là “quốc ngư” của Nhật Bản, tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc. Một con cá Koi dài trên 100cm, đạt được các tiêu chí như: cân đối, màu sắc đẹp, độc lạ có thể được định giá lên hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Nghe đồn, đàn cá Koi đẳng cấp nhất nước ta hiện nay thuộc sở hữu của một đại gia ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Đàn cá của ông này gồm 39 con có kích thước trung bình 70-106cm, được mua từ những trại cá danh tiếng bậc nhất nước Nhật, đặc biệt trong đó có một con Koi 16 tuổi thuộc dòng Sanke (trắng đỏ đen) đã từng đoạt giải lớn nhất tại cuộc thi cá Koi “All Japan Koi Show 2008”. Vậy thì con cá có chấm đỏ hình quốc kỳ Nhật Bản kia cũng thuộc loại độc lạ, chắc hẳn được giới nhà giàu săn lùng. Tình cờ, một người bạn quen biết của tôi là GS. Trần Vĩnh Diệu, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội lại là bạn thân với ông già nuôi cá Koi đó. Giáo sư dẫn tôi đến gặp ông, người đang sống trong một trang trại rộng khoảng 1 hec-ta ở thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn.

Ông tên là Trần Đình Trọng, năm nay 84 tuổi. Ông vốn là phó giáo sư, tiến sĩ thuộc Bộ môn Di truyền Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Tuy đi lại chậm chạp, song  đầu óc ông còn minh mẫn. Nghe tôi hỏi về con cá Koi đắt giá, ông cười bảo, thiên hạ đồn thổi cho vui vậy thôi, chứ tôi làm gì có đủ thời gian gây được con cá quý hiếm như thế. Nhưng bể cá Koi của tôi hiện nay quả là đang có khá nhiều con đẹp, rồi sẽ có giá trên thị trường cá cảnh. Cá Koi cũng giống như cá vàng, chính là một hình thái biến dị của cá chép, mà chọn giống cá chép vốn là nghề từ mấy chục năm nay của tôi. Nói rồi ông dẫn khách ra khu vườn trước nhà. Chỉ vào cái ao khá rộng được xây hình bán nguyệt, dưới làn  nước trong xanh có hàng đàn cá trên đầu, lưng đủ các màu sắc  đỏ, trắng, vàng, đen... đang bơi lượn tung tăng. Ông bảo trong ao đã có con lớn nhất 6 tuổi, dài khoảng vài chục xăng-ti-mét, màu sắc đẹp, vừa rồi có người muốn mua tôi không bán. Ngồi xuống ghế đá ven hồ, ông bốc thức ăn trong thùng rải xuống nước, đàn cá nổi lên tranh nhau đớp mồi, các màu sắc đan xen thật đẹp mắt.

Thì ra, đây là một “ông tổ” về nghiên cứu cá chép và sinh sản nhân tạo cá nước ngọt ở nước ta. Cách đây hơn nửa thế kỷ, PGS. Trần Đình Trọng khi đó mới học ở Nga về, giảng dạy ở Khoa Thủy sản, Học viện Nông Lâm, là người đầu tiên cho cá đẻ nhân tạo thành công, bằng cách dùng não thùy cá chép làm kích dục tố tiêm vào các loại cá nước ngọt như trắm, mè, rô phi...Từ ngày đó ông cũng là người đi đầu nghiên cứu có hệ thống về con cá chép Việt Nam với nhiều công trình được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Ông đã tìm ra 8 loại hình cá chép khác nhau ở nước ta phân bố từ phía Bắc đèo Cả trở ra, đều có chung một nguồn gốc một loài phụ địa lý tên khoa học là Cuprinus Carpio Vietnamesis. Phát hiện của ông có ý nghĩa lớn trong việc nuôi và nhân giống cá chép cùng nhiều loài cá nước ngọt khác.

Con cá Koi quý hiếm có chấm đỏ hình quốc kỳ Nhật Bản bán rất được giá.

Con cá Koi quý hiếm có chấm đỏ hình quốc kỳ Nhật Bản bán rất được giá.

Thế rồi cách đây 6 năm, ông bị cơn tai biến nặng, phải đặt 2 stent trong động mạch cảnh. Lúc đó ông rất yếu, đi lại khó khăn, đặc biệt sự ồn ào, bụi bặm của phố phường càng làm ông thấy khó chịu trong người. Thời kỳ ấy vợ chồng người con gái cả đang sinh sống ở Ba Lan, về mua một khu đất ở xã Hòa Sơn làm trang trại, mới xây được một ngôi biệt thự kiểu Pháp hai tầng, xung quanh đất còn để trống cây cỏ mọc um tùm. Ông nghĩ đến việc bỏ Hà Nội về sống ở nông thôn, để được hưởng thụ khí trời trong lành, không gian yên tĩnh, đó là cách dưỡng bệnh tốt nhất. Quả nhiên chỉ sau vài tháng lên trang trại, nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng ông thấy khỏe hơn. Anh Định, một thanh niên ở địa phương được thuê hàng ngày phụ giúp ông và chăm nom vườn tược. Việc đầu tiên lên ở trang trại, ông quy hoạch lại vườn tược và Định là người thực hiện. Ngoài khu trồng cây ăn quả còn có hai ao cá, một ao nuôi cá thường để cải thiện bữa ăn và một ao nuôi cá Koi, mục đích chỉ để thưởng ngoạn và như ông bảo “lai tạo giống cá Koi đẹp cho đỡ quên nghề”. Một thầy, một trò chăm chỉ làm việc. Chỉ sau khoảng một năm, khu trang trại đã có vườn thanh long ra hoa kết trái, hàng đu đủ, cây bưởi Diễn lúc lỉu quả và ở hai bể cá đều lớn như thổi. Những năm gần đây ở nước ta nhập giống cá Koi Nhật, ông đã vận dụng các phương pháp chọn giống và cho sinh sản nhân tạo để có đàn cá Koi bố mẹ nhiều đặc tính mới lạ. Anh giúp việc là người nhanh nhẹn và sáng dạ, đã được “thầy” truyền nghề cá đẻ nhân tạo. Anh cho tôi biết, con cá Koi cái nặng khoảng 1-1,5kg, kiểm tra bằng cách bóp bụng thấy trứng, còn cá đực chọn loại đã thuần thục, cả hai để nuôi riêng vào một bể có thả bèo tây cho chúng đẻ, thụ tinh một cách tự nhiên. Kích dục tố là não thùy cá chép do “thầy” chế ra, được ngâm trong chất aceton để khô rồi nghiền nhuyễn, pha với nước cất tiêm vào cá bố mẹ. Chỉ sau 6 tiếng đồng hồ là cá đẻ trứng rất róc, tỷ lệ thụ tinh đạt tới 60%, cá con đẻ ra khỏe, không bị dị tật. Sau đẻ, cá bố mẹ khỏe hơn, vỗ tốt, phát dục hơn. Lúc đầu cá Koi đẻ theo từng cặp bố mẹ, được đánh số cẩn thận bằng cách cắt vây, rồi ghi vào sổ để về sau cứ nhìn cá bố mẹ là biết được màu sắc của cá con, con nào xấu thì đào thải, con đẹp giữ lại. “Thầy” còn truyền cho “trò” cách phối màu cá như một họa sĩ, ghép con đực nọ với con cái kia để tạo ra thế hệ con lai màu sắc đẹp, tốc độ sinh trưởng nhanh như mong muốn. Theo PGS. Trần Đình Trọng thì mỗi năm bể cá Koi của ông có thể đẻ 4-5 lứa, tỷ lệ chọn lọc từ bột lên hương đạt khoảng 35%, dù sao vẫn ít hơn nhiều so với cá chép ta.

Thời gian qua cũng có một số người đến trang trại học hỏi cách nhân giống cá Koi, ông không giấu nghề, đã tận tình chỉ bảo cho họ. Ông biết mình không còn đủ thời gian và sức lực để làm tốt hơn nữa việc này, mà chỉ lấy bể cá làm vui, thư giãn đầu óc. Ông còn bảo, tôi thử một trắc nghiệm là đi sát mép bể để xem cá phản ứng ra sao. Đàn cá thấy người bỗng ào lên và nối đuôi nhau bơi đến gần như để được âu yếm vỗ về. Ông cười, người Nhật xem cá Koi là biểu tượng của may mắn, tình yêu, sự thành công, thịnh vượng. Ông thì thấy chúng là biểu tượng cho sự thân thiện cùng sức sống bền bỉ, một đời cá Koi có thể sống đến 100 năm, thích nghi với mọi điều kiện thời tiết. Vậy nên ông gây dựng đàn cá Koi này là để lại cho con cháu mai sau...


Bài và ảnh: Phạm Quang Đẩu
Ý kiến của bạn