Ông già tiếu lâm

13-03-2014 01:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đó là nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên sưu tầm truyện tiếu lâm Trần Quốc Thịnh ở đất Bắc Giang. Vì sở hữu cả kho truyện cười, tâm hồn ông như được rất nhiều “thang thuốc bổ” bồi bổ nên ông vẫn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 78.

Đó là nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên sưu tầm truyện tiếu lâm Trần Quốc Thịnh ở đất Bắc Giang. Vì sở hữu cả kho truyện cười, tâm hồn ông như được rất nhiều “thang thuốc bổ” bồi bổ nên ông vẫn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 78. Từ nhiều năm qua, bất kể cuộc sống khó khăn, đường sá xa xôi, hễ nghe ở đâu có dấu vết của chuyện cười là ông đến tìm hiểu cho bằng được.

Nhiệt tình với văn hóa dân gian

Bè bạn nói ông say truyện hơn bất cứ điều gì khác, kể cả sức khỏe của mình. Hì hụi bấy nhiêu năm, cái “được” về vật chất chẳng thấy đâu mà chỉ hao tiền tốn của nhưng ông vẫn bị văn hóa dân gian miền Bắc, đặc biệt vùng Kinh Bắc “lôi” đi!

Ông Thịnh và kho truyện cười.

Ông Thịnh và kho truyện cười.

Mấy năm nay, vào dịp Tết đến, xuân về, ông tìm tới lễ hội ở các địa phương để tìm hiểu về truyện tiếu lâm làm giàu kho truyện của mình. Quan điểm của ông là tiếng cười đặc sắc như thế không thể để mai một và đồng thời phải phát triển nó, tạo tinh thần sảng khoái, lạc quan trong lao động sản xuất. Ông Thịnh nói trong tự hào: “Nước ta có nhiều làng cười, nhưng ở xứ Kinh Bắc chúng tôi đã hội tụ đến 14 làng. Chính tiếng cười đã xua đi mệt nhọc trong khi người nông dân lao động ngoài đồng ruộng. Những điều đó chủ yếu do nhân dân nghĩ ra đấy chứ. Cứ lăn xả vào đó tìm hiểu mới thấy hết cái hay và ý nghĩa của nó”.

Sự săn tìm của ông Thịnh lạ lắm, có người nói là hâm, là gàn dở nhưng ông không quan tâm đến điều đó. Ông không biết đi xe máy và có lúc ông bảo “đi xe đạp sướng hơn” nên mấy chục năm ông rong ruổi, đạp xe lọc cọc đi sưu tầm, ghi ghi chép chép... Cũng mấy năm nay, ông Thịnh lại nghĩ ra sáng kiến nữa để bớt chút công sức là bỏ tiền tậu luôn 4 chiếc xe đạp cũ, nhưng vững chắc và tốt, chỉnh sửa lại để dùng. Ông để ở Hà Nội 1 chiếc, ở TP. Bắc Ninh 1 chiếc, làng Thất Gian (Quế Võ - Bắc Ninh) quê hương ông 1 chiếc, chiếc còn lại ông để tại nhà ở TP. Bắc Giang. Khi cần đi nghiên cứu sưu tầm ở nơi nào, ông sẽ đi xe buýt đến đó rồi lấy xe đạp vi vu các nẻo đường.

Kết quả của mấy chục năm nghiên cứu, săn tìm (từ năm 1976), nhà nghiên cứu Trần Quốc Thịnh đã cho ra lò hơn 20 đầu sách đầy đặn, nhiều cuốn dày gần 1.000 trang và một cuốn hơn 2.000 trang. Các cuốn sách mô phỏng đa dạng đời sống tinh thần người Kinh Bắc với chất trào lộng cao. Ở đó cũng có nhiều câu chuyện nói khoác, nói tức nhằm bài trừ tệ nạn, các thói hư tật xấu, ca ngợi lòng tốt của con người. Ông Thịnh tiết lộ rằng, 14 làng cười đất Kinh Bắc đủ cho ông có cả kho truyện trào tiếu dân gian và ông có sưu tầm đến hết đời cũng chưa cạn. “Tôi làm điều này không chỉ vì đam mê, vì niềm vui mà còn gắn với một nỗi lo. Cuộc sống ngày càng thực dụng, nhiều vẻ đẹp dân gian sẽ bị mai một và kể cả những câu chuyện, nếu không lưu giữ bảo tồn thì dễ mất lắm. Không giữ được là còn có tội với tổ tiên”, ông Thịnh chia sẻ.

Tếu táo vua nói tức

Trần Quốc Thịnh sinh năm 1936 tại làng Thất Gian (Bắc Ninh), gia đình bốn đời hát chèo, diễn kịch. Máu kịch hài hước ngấm vào người đã làm nên một cậu bé thông minh, được cha đưa đi diễn ở nhiều nơi. Học hết lớp 5, vào làm tại Phòng Văn hóa Quế Võ (tỉnh Hà Bắc cũ), phụ trách một đội chèo chuyên diễn lưu động và tranh thủ học bổ túc. Năm 40 tuổi, ông Thịnh khai thụt mấy tuổi để được đi học Khoa văn Đại học Tổng hợp (khóa 1976 - 1980). Tốt nghiệp ra trường, ông Thịnh về lại cơ quan cũ và tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm truyện tiếu lâm. Không biết bao nhiêu đôi lốp xe đã mòn rách vì rong ruổi cùng ông già mê văn hóa dân gian. Cũng không ít chiếc xe đạp đã “tàn đời” vì cõng trên mình một người nhiệt huyết. Vậy mà người ấy đến giờ vẫn khỏe mạnh, dẻo dai và không hề thuyên giảm nhiệt huyết. Ông Thịnh nói: “Độ vào đại học, tôi bắt đầu chú tâm nghiên cứu làng cười. Bấy giờ, người ta bảo, tiếu lâm là truyện chống lại thế lực cầm quyền; dưới chế độ tốt đẹp của ta không còn truyện tiếu lâm nữa. Tôi vẫn làm vì cho rằng thời nào cũng có chuyện để cười. Tôi cứ duy trì cho đến bây giờ và tôi chẳng biết mình sẽ còn làm hỏng bao nhiêu chiếc xe, in ra bao nhiêu sách nữa...”.

Theo nhà nghiên cứu Trần Quốc Thịnh, người dân có thể nói khoác, nói tức để chọc cười bất kể lúc nào và không phải chỉ nói với người, đôi khi người ta nói với cả loài vật và cách nói đó cũng là nghệ thuật. Như hôm nay, khách đến chơi, trời mưa dầm, chó cứ sủa inh ỏi. Ông Thịnh nhìn chú chó hất hàm hỏi: “Mày sủa gì mà sủa ghê thế. Sao không sang hàng xóm mà chơi. Có sợ ướt chân thì guốc đây, tao cho mượn!”. Cả chủ và khách cùng cười nghiêng ngả.        

   Nguyễn Văn Học

 


Ý kiến của bạn