Mùa hè, nhiều học sinh trong khi vui chơi gặp tai nạn bị ong đốt. Loài ong, nhất là ong vò vẽ, đốt nhiều mũi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời và phù hợp.
Diễn biến triệu chứng lâm sàng
Ong đốt có thể gây nên triệu chứng nhẹ như: đau nhức tại vết đốt nhưng cũng có khả năng gây ra các phản ứng dị ứng nặng hoặc triệu chứng nhiễm độc với nguy cơ gây tử vong cao. Triệu chứng tại chỗ được biểu hiện bằng vết đốt đau nhói, có thể phát hiện được ngòi nọc tại vết đốt. Phản ứng viêm tại chỗ gây đỏ da và phù nề, có đường kính khoảng một vài centimét chung quanh chỗ đốt và thường mất đi sau 4 - 12 giờ.
Thực tế có một số trường hợp da bị đỏ và phù nề rộng quanh vết đốt. Nếu trẻ bị ong đốt vào vùng hầu họng có thể gây phù nề hầu họng, từ đây làm phù nề và co thắt thanh quản tạo nên triệu chứng ngạt thở cấp tính. Khi trẻ bị ong đốt vào mắt hoặc mí mắt có thể dẫn đến các tổn thương ở mắt rất nặng, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa, làm hư hỏng mắt như đục thủy tinh thể, thủng nhãn cầu... Tình trạng nhiễm độc xảy ra trong các trường hợp trẻ bị nhiều con ong cùng đốt, thường trên 10 vết đốt thì có thể gây nên triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, phù nề, co cứng cơ... Trong những trường hợp nặng, có khả năng dẫn đến các nguy cơ biến chứng trầm trọng như: trụy mạch, hôn mê bất tỉnh, co giật, đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu và đây là biểu hiện của tình trạng suy thận cấp tính.
Bàn tay phải sưng húp do nọc độc của ong vò vẽ
Đối với các trường hợp bị dị ứng thì phản ứng thường xảy ra trong khoảng 15 phút đầu tiên sau khi bị ong đốt, tuy nhiên trên thực tế hầu hết các trường hợp phản ứng dị ứng thường xảy ra trong vòng 6 giờ đầu. Triệu chứng bắt đầu bằng dấu hiệu ngứa và đỏ mắt, sau đó nổi mẩn ngứa ở trên da. Biểu hiện lâm sàng có thể diễn biến thành triệu chứng nặng trở nên nhanh chóng như: sốt, rét run, khó thở, thở rít, tím tái, đau bụng, nôn, tiêu chảy, trụy tim mạch, bất tỉnh...
Sơ cứu ban đầu và cách phòng tránh
Khi bị ong đốt dù bất cứ loại ong gì cần phải sơ cứu ban đầu bằng cách loại bỏ ong, loại bỏ ngòi nọc với phương pháp dùng móng tay hoặc dùng nhíp. Rửa vết đốt bằng xà phòng và nước sạch hoặc khử trùng vết đốt bằng cồn 70 độ nếu có điều kiện. Băng phủ nhẹ vết đốt bằng băng gạc sạch để bảo vệ và giữ sạch vết đốt. Có thể chườm lạnh vùng bị ong đốt để giảm đau và giảm phù nề. Chú ý việc tháo nhẫn, vòng đeo tay ở phần tay bị đốt để tránh chèn ép mạch máu khi có tình trạng phù nề xảy ra. Sau đó, theo dõi phát hiện các dấu hiệu bị dị ứng, nhiễm độc để kịp thời gọi nhân viên y tế và đưa trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất và thuận tiện nhất nhằm kịp thời xử trí.
Trong quá trình theo dõi sau khi bị ong đốt, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế đối với các trường hợp phát hiện trẻ có dấu hiệu dị ứng tại chỗ hoặc toàn thân, có vết đốt sưng nề nhiều và lan rộng, bị ong đốt nhiều chỗ với trên 10 vết đốt, có dấu hiệu bị nhiễm độc hoặc có biểu hiện bệnh lý toàn thân.
Biện pháp phòng tránh ong đốt có hiệu quả nhất là người lớn phải hướng dẫn cụ thể cho trẻ biết con ong, tổ ong và những nguy hiểm khi bị ong đốt, đặc biệt là có dấu hiệu triệu chứng rất đau khi bị đốt. Cần căn dặn trẻ không được trêu chọc tổ ong khi phát hiện và không được tự ý vào tổ ong để lấy mật.
BS. NGUYỄN VÕ HINH