Ông đồ xuống phố

02-02-2009 10:18 | Thời sự

Năm nào cũng vậy, cứ dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng chạp năm cũ qua rằm tháng giêng (Tết Nguyên tiêu) năm mới, ở phố Văn Miếu, sát cạnh Quốc Tử Giám có đến hàng trăm ông đồ thuộc mọi thế hệ

Năm nào cũng vậy, cứ dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng chạp năm cũ qua rằm tháng giêng (Tết Nguyên tiêu) năm mới, ở phố Văn Miếu, sát cạnh Quốc Tử Giám có đến hàng trăm ông đồ thuộc mọi thế hệ tề tựu về đây cho chữ, tạo nên một phố "ông đồ" rực rỡ sắc màu dân tộc, đẹp nét văn hóa dân gian ta từ ngàn năm lại vọng về trong lòng người…

Vì tình cho chữ nghĩa

Thầy đồ Trần Đình, 38 tuổi, từ làng Ninh Hiệp, Gia Lâm sang cho biết, anh đã cho chữ ở Văn Miếu này gần 20 năm, từ cái thời bập bẹ theo lớp cha anh học chữ và đạo. Hôm nay anh bảo đã cho hai chữ, một cho thằng bé đánh giày, một cho anh chở than thuê. Nghiệp là vậy, anh không như người ta, không ba hoa nâng giá chữ mình lên để kinh doanh, anh bán để giữ nét chơi, hôm sáng anh chở than đi qua, thấy chữ anh đẹp đứng khen chỉ ngặt nỗi không có tiền. Anh biết ý tặng liền, đến cậu bé đánh giày cũng vậy, cậu trả tiền anh không lấy, tiện thể nhờ chú bé đánh hộ đôi giày để "tạo việc làm" giữ thằng bé lại lâu hơn nơi phố chữ. Anh bảo, thằng bé dễ sa ngã với cái nghề nhạy cảm, nên tìm cách giữ nó lại cho nó biết cái đạo, cái đức trong chữ mà gắng làm người. Tấm lòng của người mang nghiệp bút nghiên là thế.

 Những vị khách phương Tây háo hức khám phá nét đẹp của nghệ thuật thư pháp.

Còn Tuấn Hà, một thầy đồ tuổi 8X lại triết lý: "Giờ người Hà Nội đến mua chữ nhiều hơn, những ông đồ trẻ như chúng tôi được sống lại phần nào cảm giác hân hoan trong lòng như cụ Liên ngày xưa mỗi lần "bày mực Tàu giấy đỏ". Trên phố vẫn đông người qua, họ xịch xe máy xuống và ngắm nghía, cũng là một cách "thuê viết" nhưng cụ Đình Liên ngày ấy ít nhất còn được viết với tâm thế của một ông đồ, còn chúng tôi thì đang phải lo làm hoàng dương lại nét đẹp ấy". Đồ Phúc, người tự nhận có công đầu "khai quật" phố ông đồ Văn Miếu đã bán chữ ở đây được 11 mùa xuân. Nghề kiếm cơm của đồ Phúc là thuốc Đông y nhưng đồ tự thấy mình không có duyên với nghề đó. "Tôi đam mê thư pháp, tận hưởng cảm giác trao cho người đến mua chữ một phần cái háo hức của lòng mình, là cách để tôi tìm niềm vui cho mình mỗi khi Tết đến. Gần 12 năm qua, tôi lấy nghề y để nuôi thư pháp, cứ đến giáp Tết là lại bỏ bê thuốc thang để ra đây ngồi bán chữ. Một mùa vụ, ngồi nhìn 10 - 15 triệu đồng tiền thu được mà lòng âm ỉ vui. Vui là vui thế thôi, mười mấy triệu đó nuôi sao được những bộ bút đáng giá nghìn đô mà người viết muốn đầu tư cho ngọn ngành".

Tây ba lô… nói chuyện ông Đồ

Trên phố, những người chở đào Tết ngoái lại nhìn ông đồ, một mối dây liên kết khó máy móc, âm thanh nào át nổi. Có phải Hà Nội đang dần lấy lại những gì đã suýt mất đi? "Ừ, thì có lẽ vậy", Trịnh Tuấn nhíu mày, "Phú quý sinh lễ nghĩa”. Góc bên kia, đồ Phúc đang viết tên của Yvonne, một cô gái người Hà Lan bằng chữ Nôm lên giấy điệp. Cô gái ngoại quốc thổi thổi để mực mau khô trên tờ giấy đỏ, cũng là để tận hưởng cảm giác gió hiu hiu dưới tán cây đa và cái nhàn nhã Việt mỗi độ mùa vụ xong xuôi. Yvonne coi tờ thư pháp như là một món quà quý giá từ Việt Nam. "Sao các bạn không mang nét văn hóa này đi khắp thế giới? Châu Á đang phát triển quá nhanh và những thứ này là cần thiết để cân bằng cuộc sống ồn ào", cô gái trẻ băn khoăn.

Còn ông Patrick đến từ Anh quốc lại loay hoay cả buổi để nghiên cứu về nét chữ, nét người, cốt cách văn hoá dân gian trong văn hoá thư pháp. Được biết, ông Patrick là phóng viên của nước Anh đến Hà Nội viết về phong cách chơi chữ cổ, nhất là thư pháp. Ông thuê phiên dịch là chị Huyền My không những giỏi ngoại ngữ mà còn có phông văn hóa dân gian rộng để giúp ông quay phim, chụp ảnh, ghi chép... Cảnh những ông Tây đi nghiên cứu về văn hóa thầy đồ mới vui mắt làm sao!

Nhìn cảnh mà nhớ tiếc xa xăm

Trong những ngày trước và sau Tết, phố "ông đồ" ngoài những người đến xin chữ, còn nhiều phóng viên các hãng thông tấn báo chí đến quay phim chụp ảnh, nhưng ai cũng tiếc cho quang cảnh không gian văn hoá ở phố này. Một chợ văn hoá dân gian đẹp lại bị che khuất bởi hãng dãy xe máy, xe ô tô... do từ lâu, phố này biến thành bãi đỗ xe lộn xộn, không quy hoạch. Chợ chữ hoạt động là do tự phát, nên phần nào các dịch vụ như gửi xe, bán hàng rong gây mất mỹ quan. Các thầy đồ chỉ biết gắng gượng đấu tranh với sự "ô nhiễm" môi trường văn hoá mà truyền đạt văn hoá dân tộc. Theo như phóng viên các báo, họ sẽ đấu tranh, khu phố này sẽ biến thành nơi không gian văn hóa lành mạnh vào những năm sau. Tôi cũng mong rằng, vào dịp Tết năm sau, sẽ không còn cảnh eo xèo lấn át không gian văn hóa... "ông đồ" này nữa.

Bài và ảnh: Thành Văn


Ý kiến của bạn